Gãy xương bàn chân

Gãy xương bàn chân

Bàn chân là nơi chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Trong cuộc sống hằng ngày, bàn chân được sử dụng rất nhiều. Chẳng hạn như đi bộ, chạy nhảy, thể dục thể thao. Vì vậy, chấn thương bàn chân, đặc biệt là gãy xương ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Những kiến thức cơ bản về gãy xương bàn chân là rất cần thiết đối với chúng ta. Hãy đồng hành cùng  tìm hiểu kỹ hơn về nó nhé!

1. Định nghĩa

Gãy xương bàn chân là tổn thương các xương ở bàn chân. Nó có nhiều mức độ từ vết nứt nhỏ cho đến đầu xương gãy đâm xuyên ra ngoài da. Gãy xương bàn chân chiếm tới 10% tổng số gãy xương trong cơ thể. Nguyên nhân gây gãy xương ở bàn chân có thể gặp trong tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt…

Sơ lược về giải phẫu:

Gãy xương bàn chân
Gãy xương bàn chân
  • Bàn chân có 26 xương
  • Được chia làm 3 phần: sau, giữa và trước.
    • Có 2 xương ở bàn chân sau: là xương sên và xương gót.
    • Năm xương nhỏ hơn là xương ghe, xương hộp và 3 xương chêm tạo thành bàn chân giữa.
    • Phần dài của bàn chân được gọi là bàn chân trước, chứa 19 xương. Có 5 đốt xương bàn chân tương ứng với 5 ngón chân. Ngón chân cái được tạo thành từ 2 đốt xương và các ngón còn lại có 3 đốt xương.
  • Ngoài ra, bàn chân còn có một số xương nhỏ được gọi là xương vừng. Chúng không thực hiện bất kỳ chức năng cần thiết nào.

2. Nguyên nhân gãy xương bàn chân

Tai nạn giao thông:

Là nguyên nhân phổ biến nhất của gãy xương bàn chân. Nó thường gây ra những tổn thương nghiêm trọng như gãy nát bàn chân, cần phải phẫu thuật cấp cứu.

Té ngã:

Trượt chân, trật cổ chân khi đi lại hoặc té từ trên cao xuống. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến của gãy xương bàn chân.

Tác động từ vật nặng hoặc cứng:

Vật nặng rơi vào bàn chân hoặc đá vào vật cứng cũng có thể gây ra tình trạng này. 

Gãy xương do mỏi:

Các tác động lặp lại trong thời gian dài lên bàn chân có thể gây các vết nứt xương. Chúng xảy ra phổ biến nhất ở những người lính đi bộ đường dài mang vác nặng hoặc các vận động viên như vũ công, điền kinh… Ở người loãng xương, việc sử dụng bàn chân bình thường cũng có thể gây gãy xương do mỏi.

3. Yếu tố nguy cơ gãy xương bàn chân

Những người nguy cơ cao là:

Tham gia các môn thể thao cường độ cao:

Gãy xương bàn chân xảy ra trong các môn thể thao như bóng đá, thể dục dụng cụ, quần vợt…

Sử dụng các trang thiết bị thể thao hoặc thao tác không đúng kỹ thuật:

Mang giày quá mòn, không vừa vặn, không sử dụng đúng cách…cũng gây gãy xương do mỏi hoặc té ngã.

gãy xương bàn chân

Tăng tần suất hoạt động một cách đột ngột:

Không khác nhau giữa vận động viên đã được đào tạo và người mới bắt đầu tập thể dục. Tăng đột ngột tần suất, thời gian của các buổi tập đều làm tăng nguy cơ gãy xương do mỏi.

Làm việc trong một số ngành nghề nhất định:

Chẳng hạn như công trường xây dựng, tăng nguy cơ ngã từ trên cao hoặc rơi vật nặng xuống chân.

Căn nhà bừa bộn hoặc thiếu ánh sáng:

Đi lại trong môi trường này dễ dẫn đến té ngã và chấn thương ở bàn chân.

Đang mắc các bệnh lý về xương:

Người bị loãng xương, ung thư xương có nhiều nguy cơ gãy xương hơn người bình thường.

Trẻ em:

Gãy xương ở trẻ em phổ biến hơn người lớn. Ở người trưởng thành, xương chắc khỏe hơn dây chằng và gân. Ngược lại, dây chằng và gân ở trẻ em tương đối khỏe hơn xương và sụn. Do đó, chấn thương chỉ gây bong gân ở người lớn có thể gây gãy xương ở trẻ em. Tuy nhiên, bàn chân trước của trẻ thường linh hoạt và rất dẻo dai trước các chấn thương.

4. Triệu chứng gãy xương bàn chân

triệu chứng gãy xương bàn chân

Đau:

Đây là triệu chứng phổ biến nhất và xuất hiện đầu tiên khi bạn bị gãy xương bàn chân. Đau nhiều ở bàn chân sau chấn thương, tăng khi vận động bàn chân và giảm khi nghỉ ngơi.

Sưng:

So với chân không đau, bàn chân bị gãy xương sưng nề hơn bàn chân không bị gãy xương.

Bầm tím:

Xuất hiện ở vùng bàn chân bị gãy xương.

Khó khăn trong việc đi bộ hoặc cử động bàn chân bị gãy xương:
Biến dạng:

Bàn chân hoặc ngón chân có thể bị biến dạng lệch trục so với bình thường.

Cử động bất thường:

Bàn chân bị gãy sẽ có những cử động mà bình thường chúng không thể thực hiện được.

Tiếng lạo xạo xương:

Khi sờ nắn có thể cảm nhận thấy lạo xạo dưới tay mình, đó chính là vùng xương bị gãy.

Các triệu chứng khác:
    • Tê bàn chân
    • Bàn chân trở nên xanh và lạnh hơn
    • Xương gãy đâm ra ngoài da
    • Vết thương rách da, chảy máu
    • Sưng, nóng, đỏ, đau nơi tổn thương: Đây là dấu hiệu của tình trạng vết thương đã bị nhiễm trùng.

Khi có các triệu chứng trên, cần đến ngay các cơ sở khám chuyên khoa để được khám và điều trị. Không nên tự di chuyển, hãy nhờ hỗ trợ của người khác hoặc xe cấp cứu trong trường hợp nặng.

5. Chẩn đoán gãy xương bàn chân

Các dấu hiệu chắc chắn của gãy xương bao gồm:

  • Biến dạng
  • Cử động bất thường
  • Lạo xạo xương

Chỉ cần có 1 trong 3 dấu hiệu trên thì chắc chắn gãy xương bàn chân

Các dấu hiệu nghi ngờ gãy xương bàn chân bao gồm:

  • Sưng
  • Đau
  • Bầm tím
  • Mất khả năng vận động bình thường ở bàn chân
Chẩn đoán phân biệt

Bong gân cũng có thể gây đau, sưng và bầm tím. Vì vậy thường không thể biết được bàn chân bị gãy hay bong gân dựa trên những triệu chứng này. Tuy nhiên, gãy xương bàn chân có xu hướng đau nhiều hơn và cơn đau kéo dài hơn. Bầm tím, sưng và đau cũng nghiêm trọng hơn nếu nó là gãy xương bàn chân.

Đề nghị cận lâm sàng

Bác sĩ sẽ chỉ định một số cận lâm sàng hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán như:

  • Chụp phim x quang
  • CT
  • MRI
  • Siêu âm

Chụp X quang là công cụ phổ biến nhất được sử dụng để giúp chẩn đoán gãy xương bàn chân.

X quang trước và sau khi phẫu thuật gãy xương bàn chân
X quang trước và sau khi phẫu thuật gãy xương bàn

6. Điều trị gãy xương bàn chân

Điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, vị trí của gãy xương và cơ chế chấn thương. Sau chấn thương cần nghỉ ngơi, có thể uống thuốc để giảm đau theo toa bác sĩ. Một số xương gãy ở bàn chân có thể được điều trị bằng nạng và giày đế bằng. Trường hợp khác cần nẹp hoặc bó bột, và cũng có thể cần đến phẫu thuật.

Băng ép cầm máu:

Nếu gãy xương có chảy máu, cần kê cao chân và băng ép lên vết thương bằng băng vô trùng. Ngoài ra, có thể dùng khăn hoặc quần áo sạch để băng ép vết thương.

Cố định xương gãy:

Dùng bất kỳ vật dụng có sẵn nào để có thể cố định bàn chân bị thương. Bạn có thể dùng 1 cái gối quấn quanh bàn chân, và dùng băng thun băng lại. Chú ý, không quấn bàn chân quá chặt, sẽ chặn nguồn cung cấp máu cho bàn chân. Băng cần nới lỏng khi bàn chân chuyển màu xanh tái hoặc khó cử động các ngón. Khi gãy xương ở ngón chân, có thể cố định ngón chân bị thương vào ngón chân lành bên cạnh. Dùng bông gòn lót giữa ngón chân lành và ngón chân bị thương và cố định lại với nhau.

Kê cao bàn chân bị thương:

Sẽ làm giảm sưng, đau. Độ cao thích hợp là bàn chân phải cao hơn các phần còn lại của cơ thể. Có thể nằm thẳng và gác chân lên vài chiếc gối.

Chườm lạnh:

Bọc một túi nước đá hoặc túi đá viên trong một miếng vải. Sau đó, đắp nó vào vùng bị thương trong tối đa 10 phút mỗi lần.

Nghỉ ngơi:

Nên hạn chế đi lại bằng chân đau. Mang giày đế cứng cũng hữu ích cho bàn chân bị thương.

Sử dụng nạng:

Nạng hỗ trợ đi lại. Khi đi bằng nạng, quan trọng là chúng phải vừa vặn và sử dụng đúng cách. Tham khảo bác sĩ về cách chọn nạng thích hợp và cách thức sử dụng. Việc đặt trọng lượng cơ thể lên cánh tay và bàn tay rất quan trọng. Không đặt trọng lượng cơ thể lên nách. Điều này có thể làm tổn thương các dây thần kinh ở nách. Để tránh ngã, chỉ sử dụng nạng di chuyển trên bề mặt bằng phẳng.

Thuốc:

Giảm đau, kháng viêm, chống phù nề là những loại thuốc hay dùng.

Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật):

Nếu gãy xương bàn chân không di lệch hoặc di lệch ít có thể đều trị bảo tồn. Phương pháp điều trị bảo tồn gồm nắn xương và bó bột cẳng bàn chân.

Phẫu thuật:

Bác sĩ sẽ sử dụng đinh hoặc nẹp vít để duy trì cố định xương gãy. Sau lành xương, có thể phẫu thuật lấy dụng cụ khi chúng trồi lên mặt da hoặc gây đau.

Tái khám theo hẹn:

Thường xuyên tái khám đúng hẹn của bác sĩ để đảm bảo gãy xương lành tốt. Theo dõi nếu cơn đau kéo dài hoặc đi lại khó khăn. Thời gian phục hồi phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của gãy xương. Hầu hết gãy xương bàn chân phải mất 6 đến 8 tuần để chữa lành. 

Vật lý trị liệu:

Sau khi xương đã lành, cần phải nới lỏng các cơ và dây chằng ở chân. Các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện tính linh hoạt và sức bền của bàn chân.

Tập vật lý trị liệu
Tập vật lý trị liệu

7. Biến chứng

Hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn và có thể đi lại sau khi bị gãy chân. 

Biến chứng của gãy xương bàn chân là không phổ biến nhưng có thể bao gồm:

Viêm khớp:

Gãy xương phạm khớp có thể gây viêm khớp nhiều năm sau đó. 

Nhiễm trùng xương (viêm tủy xương): 

Nếu bạn bị gãy xương hở, nghĩa là một đầu xương nhô ra ngoài da. Khi đó, xương có thể tiếp xúc với vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Tổn thương thần kinh hoặc mạch máu: 

Chấn thương ở bàn chân có thể làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu lân cận. Khám bác sĩ lập tức nếu cảm thấy tê hoặc các vấn đề về tưới máu. Thiếu máu tới nơi gãy có thể khiến xương chết.

8. Phòng ngừa gãy xương bàn chân

Phòng bệnh luôn luôn tốt hơn chữa bệnh. Những mẹo sau đây có thể giúp ngăn ngừa gãy xương bàn chân:

Mang giày phù hợp: 

Sử dụng giày leo núi để đi trên những địa hình gồ ghề. Mang giày bảo hộ trong môi trường làm việc nếu cần thiết. Chọn giày thể thao phù hợp cho từng môn thể thao.

Thay giày thể thao thường xuyên:

Thay giày thể thao ngay khi đế giày bị mòn hoặc nếu giày không vừa vặn. Nếu bạn là người hay chạy bộ bạn cần thay giày mỗi 500-600 km

Bắt đầu từ từ: 

Nên bắt đầu một chương trình thể dục mới một cách từ từ. Không nên tăng cường độ đột ngột.

Tập luyện xen kẽ các môn thể thao: 

Các hoạt động thể thao xen kẽ có thể ngăn ngừa gãy xương do mỏi. Luân chuyển giữa chạy với bơi lội hoặc đạp xe đạp là một giải pháp hiệu quả.

Cung cấp chất dinh dưỡng cho xương:

Những thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua và phô mai thì tốt cho xương. Uống bổ sung vitamin D cũng có thể hữu ích.

vitamin D

Sử dụng đèn ngủ:

Nhiều gãy xương ngón chân là kết quả của việc đi bộ trong bóng tối.

Dọn dẹp nhà cửa: 

Dọn dẹp gọn gàng sàn nhà sẽ tránh bị té ngã, va chạm bàn chân khi đi lại.

Tóm lại, gãy xương bàn chân là tình trạng rất phổ biến trong đời sống hằng ngày. Biết được những yếu tố nguy cơ và những dấu hiệu nhận biết gãy xương là quan trọng. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn điều trị. Hiểu biết các biện pháp phòng ngừa giúp phòng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*