Cơ chế tác dụng của châm cứu

Cơ chế tác dụng của châm cứu

Châm là dùng kim châm vào huyệt, cứu là dùng sức nóng cứu lên huyệt để gây kích thích đạt tới sự phản ứng của cơ thể nhằm mục đích điều trị bệnh.

1. Tác dụng của châm cứu theo Y học cổ truyền:

– Lập lại cân bằng âm dương: Theo lý luận YHCT, trong cơ thể âm và dương phải cân bằng nhau thì cơ thể mới khỏe mạnh, khi âm dương mất cân bằng thì sinh ra bệnh tật. Điều trị bằng châm cứu là nhằm điều hòa lại cân bằng âm dương. Cụ thể là: nếu chính khí hư thì phải bổ, tà khí thực thì phải tả, bệnh nhiệt thì châm, bệnh hàn thì cứu.

– Điều hòa hoạt động bình thường của hệ kinh lạc: Hệ kinh lạc gồm những đường kinh (thẳng) nối từ tạng phủ ra ngoài da và những đường lạc (ngang) nối liền các đường kinh với nhau tạo thành một hệ thống chằng chịt khắp cơ thể. Trong đường kinh có kinh khí vận hành để điều hòa dinh dưỡng làm con người luôn khỏe mạnh và thích ứng được với hoàn cảnh bên ngoài. Mỗi đường kinh mang lại tính chất và hoạt động tùy thuộc vào công năng của tạng phủ mà nó xuất phát và mang tên.

Bệnh tật phát sinh do nguyên nhân bên ngoài (tà khí), hoặc do nguyên nhân bên trong cơ thể bị suy yếu (chính khí hư). Nếu do nguyên nhân bên ngoài xâm nhập sẽ gây bế tắc sự vận hành của kinh khí, châm cứu vào các huyệt trên đường kinh để loại trừ tác nhân gây bệnh ra ngoài (gọi là khu tà). Nếu do nguyên nhân bên trong, chính khí hư, kinh khí không đủ thì châm cứu có tác dụng làm tăng kinh khí để đạt mục đích điều trị (gọi là bổ chính).

2. Tác dụng và cơ chế tác dụng theo học thuyết thần kinh:

Theo học thuyết thần kinh, đường đi của kinh mạch phần lớn trùng với đường đi của các dây thần kinh, ví dụ như: đoạn kinh vị ở cẳng chân trùng với dây thần kinh chày trước, kinh Bàng quang thì trùng với dây hông to v.v… Theo các nghiên cứu về thần kinh (Leweschuss 1975; Gun et al 1976), có thể chia huyệt thành 3 loại:

– Loại thứ nhất tương ứng với các điểm vận động của cơ.

– Loại thứ hai, nằm trên vùng tập trung các sợi thần kinh bề mặt bắt chéo nhau trên một mặt phẳng nằm ngang.

– Loại thứ ba, nằm trên các đám rối thần kinh bề mặt. Cả 3 loại huyệt nhìn chung đều là nơi tập trung rất nhiều các đầu mút thần kinh (thụ cảm thể), châm cứu là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế hay phá vỡ cung phản xạ bệnh lý. Vogralic và Kassin (Liên xô cũ) căn cứ vào vị trí tác dụng của nơi châm cứu đã để ra 3 loại phản ứng của cơ thể, trên cơ sở này giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu:

2.1. Phản ứng tại chỗ:

Châm cứu vào huyệt là một kích thích gây một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế cung phản xạ bệnh lý như: làm giảm đau, giảm co thắt cơ. Cơ chế được giải thích bằng Hiện tượng chiếm ức chế trội của Ukhơtômxki:

– Theo nguyên lý hiện tượng chiếm ức chế trội của Ukhơtômxki thì trong cùng một thời gian ở một nơi nào đó của hệ thần kinh trung ương có hai luồng xung động của hai kích thích đưa tới, kích thích nào có luồng xung động mạnh hơn và liên tục hơn sẽ kéo các xung động của kích thích kia về nó và tiến tới dập tắt kích thích kia.

– Bệnh lý là một kích thích (như cảm giác đau) được truyền về hệ thần kinh trung ương rồi được truyền trở ra cơ quan có bệnh hình thành một cung phản xạ bệnh lý. Châm cứu là một kích thích gây ra cung phản xạ mới, với cường độ kích thích đầy đủ sẽ ức chế ổ hưng phấn do tổn thương bệnh lý, tiến tới làm mất hoặc phá vỡ cung phản xạ này. Như vậy khi châm cứu, kích thích phải đạt tới ngưỡng mà YHCT gọi là đắc khí trong thủ thuật châm tả và phải tăng cường cường độ của kích thích khi cần thiết để duy trì việc ức chế cảm giác đau bệnh lý. Hiện tượng chiếm ức chế trội cho phép giải thích tác dụng giảm đau của châm cứu trên các A thị huyệt và vùng lân cận.

– Theo YHCT khi châm cứu đúng huyệt sẽ thấy cảm giác đắc khí: tê tức nặng, da vùng châm đỏ hoặc tái, có cảm giác kim bị hút chặt xuống. Theo các nhà thần kinh, hiện tượng đó chỉ xảy ra ở vùng nhiều cơ, do kim kích thích làm co cơ, thay đổi vận mạch và tác động lên thần kinh cảm giác sâu.

2.2. Phản ứng tiết đoạn:

– Khi nội tạng có tổn thương bệnh lý thì sẽ biểu hiện bằng những thay đổi cảm giác vùng da ở cùng tiết đoạn của nó. Ngược lại dùng châm cứu kích thích vào các huyệt ở vùng da đó sẽ có tác dụng điều chỉnh các rối loạn bệnh lý của tạng phủ tương ứng trong cùng tiết đoạn. Phản ứng tiết đoạn cho phép giải thích tác dụng chữa bệnh của các du huyệt như châm Vị du có thể cắt cơn đau dạ dày, châm Phế du có thể cắt cơn hen… Phản ứng tiết đoạn được giải thích bằng Thuyết về phép quy chiếu.

– Sau đây là bảng quy chiếu sự liên quan giữa nội tạng và tiết đoạn thần kinh:

Nội tạng Tiết đoạn
Tim

Phổi, phế quản

Thực quản

Dạ dày

Ruột

Trực tràng

Gan mật

Thận, niệu quản

Bàng quang

Tiền liệt tuyến

Tử cung

Tuyến vú

D1 – D3 (D4 – D6)

D2 – D3 (D4 – D6)

D7 – D9

D6 – D9

D9 – D12

S2 – S4

D7 – D9

D10 – D12 – L1 – L2

D11 – L1, S1 – S4

D10 – D11, L5 – S1 – S3

D10 – L1 – L2, S1 – S4

D4 – D5

2.3. Phản ứng toàn thân:

– Khi điều trị một số bệnh, người ta dùng một số huyệt không ở cùng với vị trí đau và cũng không ở cùng tiết đoạn với cơ quan bị bệnh, vậy tác dụng điều trị của nó thông qua phản ứng toàn thân. Cơ chế tác dụng toàn thân được giải thích bằng nguyên lý hiện tượng chiếm ức chế của vỏ não. Ngoài ra khi châm cứu gây những biến đổi về thể dịch và nội tiết, thay đổi các chất trung gian hóa học, như tăng số lượng bạch cầu, tăng tiết opiat nội sinh gây giảm đau, tăng tiết kích thích tố ACTH, tăng số lượng kháng thể. Thuyết về phản ứng toàn thân cho phép giải thích tác dụng châm cứu của các huyệt ở xa vị trí bệnh lý và một số huyệt có tác dụng toàn thân, như Hợp cốc, Nhân trung…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*