Chứng tỳ thận dương hư

Chứng tỳ thận dương hư

1. Nguyên nhân:

Chứng tỳ thận dương hư là những triệu chứng vì dương khí của 2 tạng tỳ thận không đủ mà biểu hiện ra. Trường hợp bệnh đã lâu hoặc thủy tà đọng lâu làm cho 2 tạng tỳ thận dương hư mà biểu hiện ra.

2. Chứng trạng:

Sắc mặt trắng nhợt, người lạnh chân tay lạnh, ít ngủ, ngại nói, tinh thần rũ rời, eo lưng, đầu gối hoặc trong bụng lạnh đau, đi tả không chỉ, hoặc tả chảy ra nước trong, hoặc ngũ canh tiết tả, hoặc mặt phù chân tay phù tiểu tiện không lợi, nặng thì phù khắp toàn thân, bụng chướng như cái trống. Lưỡi non nhợt, rêu trắng trơn, mạch trầm vô lực.

3. Cơ chế bệnh sinh:

Thận là gốc của tiên thiên, tỳ là gốc của hậu thiên. Dương khí của tỳ thận cùng tương trợ lẫn nhau, có trong việc sưởi ấm cho tay chân thân mình, vận hoá tinh vi của đồ ăn, tỳ thận có tác dụng tương hợp lẫn nhau. Nếu tỳ dương hư suy, không hoá sinh được tinh vi để nuôi dưỡng đầy đủ cho thận dương, làm cho tỳ hư liên cập đến thận. Hoặc thận dương hư, hoả không sinh thổ, không ôn dưỡng được tỳ dương, làm cho thận hư liên quan đến tỳ, đều có thể làm cho dương khí của tỳ suy yếu. Sự thực là bất kỳ thận dương hay tỳ dương hư sau khi bị bệnh lâu rồi đều có thể phát triển thành chứng tỳ thận dương hư.

Tỳ dương hư không vận hoá được cơm nước, khí huyết hoá sinh không đủ, cho nên mặt trắng bạc. Dương hư không có đủ sưởi ấm cơ thể cho nên người lạnh tay chân lạnh. Tông khí không đầy đủ thì ít khí ngại nói, tinh thần rũ rời. Dương hư lạnh ở trong, kinh mạch ngưng trệ cho nên bụng dưới, eo lưng, đầu gối lạnh đau. Tỳ thận dương hư, cơm nước không được chín nát vận hoá, cho nên đi tả không chỉ, ỉa chảy ra nước và thức ăn, gần sáng đi tả. Dương hư không có hoả để vận hoá thủy thấp, tràn ra ở da thịt cho nên mặt phù, chân tay phù, hoặc khắp mình phù thũng, đọng ở trong bụng thì bụng chướng như cái trống. Thủy thấp tụ ở trong khí hoá không được thì tiểu tiện không lợi. Lưỡi non nhợt, rêu lưỡi trắng trơn, mạch trầm không có lực là hiện tượng dương hư hàn thủy chứa đọng ở trong.

Điểm chính để chẩn đoán là: Thận dương hư kèm có ỉa lỏng, ngũ canh tả.

4. Luận trị:

– Phép trị: Ôn bổ tỳ thận.

– Phương dược:

* Chân vũ thang (Thương hàn luận).

Phục linh, Bạch thược, Bạch truật,   Sinh khương, Phụ tử.

Phân tích: Phụ tử để ôn thận tỳ, bổ dương khí. Phục linh để kiện tỳ thảm thấp. Bạch truật để kiện tỳ táo thấp. Bạch thược để hoãn cấp chỉ phúc thống. Sinh khương để ôn trung tán hàn. Phương này chủ yếu dùng trong phù thũng do tỳ thận dương hư.

* Phụ tử lý trung thang hợp Tứ thần hoàn:  

Phụ tử 20g Ngũ vị tử 20g Can khương 20g
Bạch truật 20g Ngô thù du 10g   Nhục đậu khấu 20g
Cam thảo 20g Nhân sâm 20g Phá cố chỉ 40g  

Phân tích: Phụ tử ôn thận tỳ. Can khương ôn trung khứ hàn. Nhân sâm bổ nguyên khí. Bạch truật kiện tỳ táo thấp. Cam thảo lý khí hoà trung (chữa ỉa chảy do tỳ thận dương hư). Phá cố chỉ bổ mệnh môn hoả tích thổ. Nhục đậu để ôn tỳ thận sáp trường chỉ tả. Ngũ vị tử ôn sáp trường (chữa ngũ canh tả). Ngô thù du ôn tỳ vị trừ hàn thấp.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*