Xích thược: Vị thuốc có nhiều tác dụng trị bệnh hay

Từ lâu, y học cổ truyền nói chung và vị thuốc trị liệu nói riêng đã có đóng góp quan trọng trong nền y học thế giới. Trong đó có xích thược, thảo dược quen thuộc được sử dụng rộng rãi với đa dạng tác dụng khác nhau.

Tổng quan về thực vật

Thông tin chung

Theo tài liệu, xích thược là dược liệu từ rễ cây phơi khô của 3 loài thược dược (Paeoniae), họ Hoàng liên (Ranunculaceae). Bao gồm: Paeonia veitchii (thường gặp), Paeonia lactiflora, Paeonia obovata.Chúng cùng chi với loài bạch thược, mẫu đơn… có nguồn gốc từ vùng Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… Đây là loài cây ưa sáng và ưa khí hậu ẩm mát của vùng nhiệt đới núi cao và ôn đới ấm.

Mô tả thực vật

Thuộc thực vật thân thảo, sống lâu năm, chiều cao trung bình khoảng 50-80 cm. Phần rễ củ mập, vỏ ngoài màu nâu đỏ.

Thân cây có dáng hình trụ, bề mặt nhẵn; Lá mọc so le, phiến lá chia thành nhiều thùy hẹp, mép nguyên, 2 mặt nhẵn và có cuống dài.

Phần hoa có kích thước to, mọc riêng lẻ ở kẽ lá và ngọn thân, mang sắc đỏ hồng và nhị màu vàng.

Mùa hoa vào tháng 5-7 hằng năm, còn quả thường chín vào tháng 8-9.

Xích thược là thảo mộc giá trị đối với sức khỏe.
Xích thược là thảo mộc giá trị đối với sức khỏe

Đôi nét về dược liệu xích thược

Bộ phận dùng làm thuốc

Sau khi thu hoạch rễ cây, người ta sẽ loại bỏ phần rễ con, bụi bẩn, đất cát bám vào. Rồi đem phơi hay sấy khô để lưu giữ lâu hơn.

Đặc điểm phần rễ cây làm thuốc (Radix Paeoniae rubrae): to dài, bề mặt ngoài có sắc nâu, bên trong sắc hồng hoặc trắng hồng. Kết cấu chắc và nhiều bột được xem là loại tốt.

Cách bào chế dược liệu xích thược

Theo Trung Y:

  • Lấy phần rễ đem ủ mềm rồi thái mỏng thành từng lát;
  • Hoặc đem tẩm rượu hoặc tẩm giấm rồi sao thơm;

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

  • Đem bộ phận rửa sạch, loại bỏ tạp chất rồi ủ cho đến khi mềm, thái lát hoặc bào mỏng. Sau đó đem đi sấy hoặc phơi khô để dùng dạng sống;
  • Hoặc sau khi bào mỏng và sấy khô, đem dược liệu tẩm rượu/ tẩm giấm 2 giờ rồi sao thơm;

Mục đích bào chế:

  • Dùng sống (chưa qua tẩm chế): tán đi tà khí, hoạt/hành huyết;
  • Tẩm rượu sao: hỗ trợ trị thổ huyết, chảy máu cam;
  • Tẩm giấm sao: hỗ trợ rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh…

Bảo quản: để nơi khô ráo, đậy kín sau mỗi lần sử dụng, tránh ẩm mốc, bụi bẩn…

Thành phần hóa học của xích thược

Theo GS.TS. Đỗ Tất Lợi, xích thược bao gồm thành phần tinh bột, tannin, nhựa, chất nhầy, chất đường, sắc tố và acid benzoic. Trong đó tỉ lệ acid benzoic thấp hơn ở bạch thược.

Rễ xích thược chứa thành phần chủ yếu là paeoniflorin, với tỷ lệ không dưới 2% (theo Dược điển Trung Quốc 1997).

Hợp chất paeoniflorin, ethyl palmitate, ethyl linoleate (Lu và cộng sự, 2012).

Lợi ích của vị thuốc xích thược

 * Xích thược trong y học cổ truyền

Tính vị:  đắng, hơi lạnh. Qui kinh can.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, tán ứ chỉ thống.

Chỉ định:

Chứng nhiệt nhập doanh huyết, ban chẩn, chảy máu cam thường dùng cùng với sinh địa, đan bì.

Chứng huyết nhiệt ứ trệ, bế kinh, thống kinh thường dùng cùng ích mẫu thảo, đan sâm, trạch lan. Điều trị huyết ứ gây hòn khối ở bụng, thường dùng cùng đan bì, đào nhân, quế chi như bài quế chi phục linh hoàn. Điều trị vấp ngã gây bầm dập thường dùng cùng nhũ hương, một dược, huyết kiệt. Điều trị mụn nhọt lở loét thường dùng cùng kim ngân hoa, liên kiều, chi tử.

Chứng đau mắt đỏ có màng che, thường dùng cùng cúc hoa, mộc tặc, hạ khô thảo.

Liều dùng: 6 – 15g.

Chú ý: huyết hàn kinh bế không nên dùng.

Xích thược có tác dụng hoạt huyết, thông ứ trệ,...
Xích thược có tác dụng hoạt huyết, thông ứ trệ,…

 * Xích thược theo YHHĐ

Tác động lên hệ tim mạch

Một số tác động của các chiết xuất từ xích thược đối với hệ tim mạch như:

  • Paeoniflorin có tác dụng gây giãn mạch ngoại biên, giảm huyết áp trên chuột lang.
  • Trong mô hình chuột nhồi máu cơ tim cấp tính (AMI), chiết xuất từ thảo dược này đóng một vai trò tích cực trong việc điều chỉnh các enzym tim, cytokine, stress oxy hóa, đông máu và apoptosis (Mo và cộng sự, 2011).
  • Nghiên cứu thực nghiệm khác cũng cho thấy paeoniflorin làm giảm chứng tim phì đại, xơ hóa tim và viêm, đồng thời cải thiện chức năng thất trái.
  • Năm 2015, có báo cáo kết quả chỉ ra rằng paeoniflorin có thể cải thiện chứng nhồi máu cơ tim bằng cách ức chế quá trình viêm và các con đường tín hiệu iNOS (Chen và cộng sự, 2015).

Như vậy, vị thuốc xích thược được kết luận là có thể cải thiện vi tuần hoàn, làm giãn mạch máu, ngăn ngừa thiếu máu cục bộ cơ tim và ngăn ngừa huyết khối. Những tác dụng này phù hợp với công hiệu hoạt huyết, hóa ứ của chúng trong các bài thuốc Đông y. Tuy nhiên, có lẽ vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu thực tiễn lâm sàng trên người để đưa ra bằng chứng cụ thể hơn.

Bảo vệ gan

Hiện tại, một vài nghiên cứu nhận định về tiềm năng khả quan trong bảo vệ gan của xích thược. Cơ chế này có liên quan đến việc ức chế các phản ứng viêm và chống lại tổn thương oxy hóa từ các gốc tự do. Theo đó, có 3 thành phần hóa học có hoạt động bảo vệ gan nổi bật đó là paeoniflorin, ethyl palmitate và ethyl linoleate (Lu và cộng sự, 2012).

Chống viêm

Theo tài liệu, các thành phần hóa học có tác dụng chống viêm chủ yếu là paeoniflorin và paeonol. Đặc biệt, paeoniflorin thúc đẩy sự điều hòa các chất trung gian gây viêm từ đó hạn chế tình trạng khó chịu này. Ngoài ra, một số ý kiến còn cho rằng, những hoạt chất có thể giảm sự thâm nhập bạch cầu trung tính và hạn chế các cytokine gây viêm.

Lưu ý khi sử dụng xích thược

Tùy theo mục đích mà vị thuốc có thể được dùng dưới dạng thuốc sắc, hoàn tán…

Liều dùng:

  • 6-12 g/ngày.
  • 12-20 g/ngày.

Một số đối tượng sau nên cẩn thận khi dùng xích thược:

  • Người đang có huyết hư nhưng lại không bị ứ trệ;
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú;
  • Có tiền sử dị ứng với vị thuốc này;
  • Đau bụng dữ dội hoặc đau bụng đi ngoài do cảm hàn;
  • Vị thuốc xích thược không được dùng chung với lê lô (tương phản).

Một số bài thuốc có thành phần xích thược

Dù là bài thuốc nào, khi muốn sử dụng xích thược trong trị liệu bệnh lý hãy tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng.

Hỗ trợ chữa đau vai gáy

Sắc uống mỗi ngày một thang, chia 2-3 lần uống; thang thuốc có thành phần sau:

  • Xích thược 12 g;
  • Hoàng kỳ 16 g;
  • Đương quy, đại táo, nghệ mỗi vị 12 g;
  • Độc hoạt, khương hoạt mỗi vị 8 g;
  • Chích cam thảo 6 g;
  • Gừng 4 g;

Hỗ trợ chữa băng huyết, bạch đới

Xích thược, hương phụ với tỷ lệ bằng nhau (1:1), đem tán nhỏ thành bột. Sau đó, uống 6-8 g/ngày, chia 2 lần, kéo dài 4-5 ngày.

Hoặc xích thược 20 g, hương phụ 12 g. Thêm ít muối vào các vị thuốc rồi sắc, nên uống khi còn nóng.

Hỗ trợ đau tức ngực

Sắc uống mỗi ngày một thang, chia 2-3 lần uống; thang thuốc có thành phần sau:

  • Xích thược 20 g;
  • Đan sâm 30 g;
  • Xuyên khung, hồng hoa, hoàng kỳ, uất kim mỗi vị 20 g;
  • Đảng sâm, trầm hương, toàn quy mỗi vị 16 g;
  • Mạch môn, hương phụ mỗi vị 12 g;
Vị thuốc có thể hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe tim mạch
Vị thuốc có thể hỗ trợ các vấn đề về đau tức ngực

Hỗ trợ chữa bế kinh

Sắc uống mỗi ngày một thang, chia 2-3 lần uống; thang thuốc có thành phần sau: Xích thược, đương quy, hồng hoa, huyền hồ, xuyên khung, hương phụ, mỗi vị 8 g.

Dùng khi mụn nhọt sưng đau do huyết nhiệt, huyết ứ

Cao đan sâm: đan sâm 20 g, bạch chỉ 12 g, xích thược 16 g. Đem tất cả nguyên liệu nghiền thành bột mịn, thêm mỡ lợn, sáp ong vàng luyện thành cao bôi lên chỗ đau nhức, đặc biệt ở vùng ngực vú.

Hoặcxích thược 12 g, liên diệp (lá sen) 16 g, liên kiều 12 g, đạm trúc diệp 12 g, kim ngân 12 g, thạch cao 10 g, sắc uống ngày 1 thang.

Quả thực, xích thược là vị thuốc đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe chúng ta. Mong chờ trong tương lai không xa, sẽ có đa dạng hơn các nghiên cứu mới để khám phá toàn diện những tiềm năng của vị thuốc này. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*