1. Viêm cầu thận cấp là gì?
Tên gọi khác: Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn
Viêm cầu thận cấp được xem là một hội chứng (hội chứng cầu thận cấp) vì tổn thương mô bệnh học của bệnh viêm cầu thận cấp rất đa dạng, bệnh phát sinh không chỉ do liên cầu mà có thể sau nhiễm tụ cầu, phế cầu, vi-rút hoặc các bệnh tự miễn.
Hội chứng viêm cầu thận cấp là biểu hiện lâm sàng của một thương tổn viêm cấp tính của cầu thận, đặc trưng với sự xuất hiện đột ngột hồng cầu niệu, protein niệu, phù và tăng huyết áp.
Viêm cầu thận thể tiến triển nhanh hay còn gọi viêm cầu thận bán cấp thường gây suy thận tiến triển dẫn dến suy thận mạn. Ở thể này bệnh nhân có thể tử vong sớm do suy thận và hầu hết không qua khỏi 6 tháng nếu không được điều trị.
2. Nguyên nhân bệnh viêm cầu thận cấp
Viêm cầu thận cấp do nhiễm khuẩn
– Vi khuẩn: thường gây bệnh viêm cầu thận cấp nhất là liên cầu tan huyết beta nhóm A, chủng 12 là chủng thường gây bệnh nhất. Thông thường nếu là nhiễm khuẩn ở cổ họng thì chủng 4, 12, 24; nếu là nhiễm khuẩn ngoài da thì chủng 14, 19, 50, 55, 57.
Một số vi khuẩn khác: tụ cầu, phế cầu, thương hàn, não mô cầu, Klebsiella Pneumoniae,…
– Siêu virus: virus gây viêm họng cấp dịch tễ, quai bị, sởi, thủy đậu, Epstein Barr, viêm gan siêu vi B, Cyto megalo Virus
– Nhiễm nấm: Histoplasmase
– Nhiễm ký sinh trùng: Plasmodium Falciparum và Malariae, Toxoplasma Gondii, sán máng,…
Viêm cầu thận cấp không do nhiễm khuẩn
– Các bệnh tạo keo: lupus ban đỏ hệ thống, viêm quanh động mạch dạng nút, Henoch- Schonlein, xuất huyết dạng thấp.
– Mẫn cảm:một số thuốc như Penicilline, Sulfamide, một số Vaccine hay mẫn cảm với một số thức ăn như tôm, cua…
Các yếu tố nguy cơ của viêm cầu thận cấp
– Tuổi: thường từ 3-8 tuổi, trong đó tuổi từ 3 – 5 thường bị viêm da, chốc đầu; tuổi từ 7 – 15 tuổi bị viêm họng, viêm amidan.
– Giới tính: ở những ca có biểu hiện lâm sàng thì bệnh nhân nam gặp nhiều hơn nữ (tỷ lệ 2:1); còn ở những thể không triệu chứng thì nam bằng nữ.
– Cơ địa: bệnh hay gặp ở người có cơ địa dị ững
– Thời tiết: lạnh dễ gây viêm họng, viêm amidan.
– Vệ sinh: đặc biệt là vệ sinh răng miệng, da.
3. Triệu chứng viêm cầu thận cấp
Một số người mắc viêm cầu thận cấp không có triệu chứng. Số khác có các triệu chứng như:
– Phù do giữ nước: ở mặt, mí mắt và chân
– Nước tiểu: lượng nước tiểu ít, nước tiểu chứa máu nên sẫm màu
– Huyết áp: tăng
-Tinh thần: hay lẫn lộn, buồn ngủ.
Ở những người lớn tuổi, các triệu chứng không đặc hiệu như:
– Nôn, buồn nôn và cảm giác khó chịu, chán ăn
– Suy nhược, mệt mỏi
– Sốt
– Đau bụng, đau khớp.
Hoặc có biểu hiện giống như bị cúm khi suy thận phát triển.
4. Điều trị viêm cầu thận cấp
Kháng sinh: được sử dụng khi có nhiễm khuẩn
Lựa chọn hàng đầu là Penicillin dạng uống hoặc dạng tiêm trong vòng 7 – 10 ngày. Nếu dùng penicillin thất bại, đổi sang một thuốc ức chế Beta-lactamase như Amoxiclin + Acid Clavulanic hoặc Cephalosporin thế hệ thứ 2, 3.
Điều trị triệu chứng
– Phù:
+ Chế độ ăn ít muối
+ Thuốc lợi tiểu: hay dung là furosemide lợi niệu, có tác dụng ức chế tái hấp thu natri ở nhánh lên quai Henle giúp thải muối và nước.Thuốc có các tác dụng phụ bao gồm: gây độc thần kinh thính giác, hạ huyết áp, giảm kali máu, mất nước ngoài tế bào, tăng acid uric máu.
– Tăng huyết áp:
+ Thuốc ức chế men chuyển: dùng trong trường hợp bệnh nhân đái tháo đường bị tăng huyết áp. Thuốc có các tác dụng phụ như: gây ho, tăng kali máu
+ Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II như: Losartan, Telmisartan..
+ Thuốc chẹn beta giao cảm: Propranolol, Atenolol, Pindolol…
+ Thuốc chẹn kênh canxi: có tác dụngkéo dài, hạ huyết áp tốt, nhưng làm nhịp tim nhanh, bốc hỏa ở mặt.
+ Thuốc giãn mạch ngoại biên: Dihydralazin
Trong viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu có thể sử dụng một hay hai loại thuốc hạ huyết áp kết hợp.
Ở trẻ em: trên 90% có viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu được điều trị bảo tồn khỏi hoàn toàn, số khác có thể có hồng cầu niệu vi thể, protein niệu nhẹ tồn tại một thời gian nhưng sẽ khỏi.
Ở người lớn: khoảng 60% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, một số tiến triển thành viêm cầu thận tiến triển nhanh, số khác chuyển thành viêm cầu thận mạn.
5. Phòng ngừa bệnh viêm cầu thận cấp
Phòng ngừa bệnh ở trẻ em ở độ tuổi nguy cơ cao từ 3-8 tuổi:
– Phát hiện và điều trị nhiễm khuẩn viêm họng, viêm xoang, các nhiễm khuẩn trên da như mụn nhọt, mủ da…
– Mặc ấm cho trẻ, phòng lạnh.
– Giữ vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh răng miệng, da.
Trẻ em sau khi ra viện vẫn cần được theo dõi. Nếu có nhiễm khuẩn họng, xoang tái phát, bệnh nhiễm khuẩn ngoài da, phải sớm điều trị diệt khuẩn. Sau 3 tháng mắc bệnh mới được hoạt động thể lực vừa phải; sau 6 tháng mới được hoạt động thể lực mạnh, và cấm tắm lạnh cho đến khi nước tiểu bình thường.
Để lại một phản hồi