Vi khuẩn ăn thịt người?

Vi khuẩn Whitmore có mức độ nguy hiểm cao

Vi khuẩn Whitmore có mức độ nguy hiểm cao

Đôi lúc chúng ta nghe thấy trên các phương tiện truyền thông về loại vi khuẩn đáng sợ có tên vi khuẩn ăn thịt người. Vậy vi khuẩn ăn thịt người là gì, nó có thực sự “ăn thịt người” hay không, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Vi khuẩn ăn thịt người là gì?

Trên thực tế không có vi khuẩn nào ăn thịt người theo nghĩa đen, mà cụm từ “vi khuẩn ăn thịt người” hay được các phương tiện truyền thông sử dụng về bản chất là các vi khuẩn gây hiện tượng viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis – NF).

Viêm cân mạc hoại tử là một nhiễm khuẩn sâu dưới da không thường gặp, tiến triển rất nhanh, có nguyên nhân do độc tố của vi khuẩn gây viêm và phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ. Loại vi khuẩn hay gây viêm cân mạc hoại tử nhất là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (group A beta hemolytic streptococcal – GABHS). Ngoài ra còn nhiều loại vi khuẩn khác gây viêm cân mạc hoại tử, chẳng hạn như Vibrio vulnificus, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Klebsiella, Clostridium (Clostridium perfringens, Clostridium septicum,…), E. coli, Aeromonas hydrophila,…

Viêm cân mạc hoại tử thường được phân làm hai loại. Viêm cân mạc hoại tử loại I là do nhiễm khuẩn hỗn hợp (nhiễm nhiều loại vi khuẩn), thường kết hợp giữa một loài vi khuẩn yếm khí kết hợp với một hoặc nhiều loại vi khuẩn yếm khí tùy nghi. Viêm cân mạc hoại tử loại II là do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, và giữa hai loại viêm cân mạc hoại tử thì viêm cân mạc hoại tử loại II chiếm đa số trường hợp.

Viêm cân mạc hoại tử - vi khuẩn ăn thịt người
Hình ảnh viêm cân mạc hoại tử ở chân người bệnh

Hàng năm trên toàn Hoa Kỳ có khoảng 600 tới 700 trường hợp được chẩn đoán viêm cân mạc hoại tử, tỉ lệ tử vong khoảng 25% tới 30%. Viêm cân mạc hoại tử hiếm khi xảy ra ở trẻ em.

1.1 Liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (group A beta hemolytic streptococcal – GABHS)

Liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A là loại vi khuẩn gram dương, trong môi trường nuôi cấy chúng đứng thành cặp hoặc nối với nhau thành chuỗi với độ dài khác nhau. Trên môi trường nuôi cấy thạch huyết cừu, khuẩn lạc liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A là những cụm có hình tròn, nhỏ, trong suốt tới mờ đục, bao quanh cụm là một vùng hồng cầu bị phá hủy hoàn toàn.

1.2 Vibrio vulnificus

Vibrio vulnificus là phẩy khuẩn gram âm có khả năng di động. Vibrio vulnificus là một trong các loài Vibrio (có khoảng 12 loài Vibrio gây bệnh ở người, quen thuộc hơn cả là Vibrio cholerae và Vibrio parahaemolyticus gây nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính với biểu hiện là tiêu chảy nghiêm trọng), thuộc họ Vibrionaceae.

Vibrio vulnificus thường thấy ở các vùng biển nước ấm và sinh trưởng tốt khi nhiệt độ nước đạt trên 200C. Vibrio vulnificus không có mối liên quan với sự ô nhiễm.

1.3 Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)

Tụ cầu vàng là loại vi khuẩn gram dương, kỵ khí tùy nghi, thuộc họ Staphylococcaceae. Ở môi trường thạch, khuẩn lạc tụ cầu vàng có hình tròn, trơn bóng, sau 24h xuất hiện màu vàng đậm, màu cam hoặc màu trắng.

Tụ cầu vàng có thể gây nhiễm khuẩn huyết
Hình ảnh tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)

2. Con đường nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

Vi khuẩn ăn thịt người thường xâm nhập vào cơ thể nhất qua các vết thương hở, đồng thời nó cũng có thể xâm nhập qua:

  • Vết cắt nhỏ, vết trầy xước.
  • Côn trùng cắn.
  • Phẫu thuật (rất hiếm gặp).

Trong một số trường hợp con đường nhiễm vi khuẩn gây viêm cân mạc hoại tử không thể xác định rõ. Một khi đã xuất hiện, viêm cân mạc hoại tử sẽ diễn tiến rất nhanh và phá hủy mô liên kết, mô mỡ và mô cơ.

Phòng tránh bệnh Whitmore
Vi khuẩn ăn thịt người xâm nhập vào cơ thể con người qua vết cắt nhỏ, vết trầy xước

3. Triệu chứng nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

Các triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn ăn thịt người thường xuất hiện trong vòng 24h kể từ khi nhiễm khuẩn, và thường không xuất hiện đơn lẻ mà xuất hiện kết hợp với nhau. Các dấu hiệu có thể xuất hiện là:

  • Đau tăng mạnh ở khu vực xung quanh của vết thương, vết cắt, chỗ trầy xước,…
  • Tại chỗ vết thương đau hơn rất nhiều so với mức độ đau mà vết thương có thể thực sự gây ra.
  • Khu vực xung quanh vết thương sưng, nóng, đỏ.
  • Các triệu chứng giống cúm chẳng hạn như tiêu chảy, buồn nôn, sốt, chóng mặt và cảm giác khó chịu.
  • Cảm giác khát nước nhiều vì cơ thể mất nước.

Các triệu chứng tiến triển sẽ xuất hiện ở quanh vị trí nhiễm khuẩn trong vòng 3 tới 4 ngày sau khi nhiễm khuẩn, bao gồm:

  • Sưng, có thể xuất hiện ban màu tím.
  • Các vùng da lớn chuyển sang màu tím, sau đó xuất hiện mụn nước chứa đầy dịch sẫm màu có mùi khó chịu.
  • Da mất màu, bong da, tuột da khi hoại thư mô xảy ra.

Các triệu chứng nghiêm trọng thường xảy ra trong vòng 4 tới 5 ngày sau khi nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Tụt huyết áp nghiêm trọng.
  • Sốc nhiễm độc.
  • Lơ mơ, hôn mê.
Bệnh whitmore
Ở giai đoạn tiến triển, các vùng da lớn chuyển sang màu tím

4. Chẩn đoán nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

Chẩn đoán sớm vi khuẩn ăn thịt người hay viêm cân mạc hoại tử rất quan trọng bởi bệnh tiến triển vô cùng nhanh chóng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể chẩn đoán sớm bởi những dấu hiệu và triệu chứng của viêm cân mạc hoại tử tương tự như triệu chứng của cúm hoặc của một nhiễm khuẩn da không nghiêm trọng.

Chẩn đoán viêm cân mạc hoại tử thường dựa trên các triệu chứng tiến triển, chẳng hạn như xuất hiện các bóng khí dưới da. Các xét nghiệm dịch và mẫu mô sẽ được thực hiện để nhận diện loại vi khuẩn mà bệnh nhân đã nhiễm.

Người nhà và những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc viêm cân mạc hoại tử cần được đánh giá và chẩn đoán nếu xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn.

5. Điều trị khi nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

Điều trị sẽ bắt đầu trước cả khi nguyên nhân gây viêm cân mạc hoại tử được xác định, và quá trình điều trị cần phối hợp các phương pháp khác nhau. Thời gian điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch.
  • Phẫu thuật để loại bỏ phần mô tổn thương hoặc hoại tử nhằm ngăn chặn nhiễm khuẩn lan tràn.
  • Sử dụng các thuốc nâng huyết áp.
  • Phẫu thuật cắt cụt chi bị tổn thương trong một số trường hợp.
  • Liệu pháp oxy cao áp (hyperbaric oxygen therapy – HBOT) để điều trị vết thương.
  • Theo dõi tim mạch, hỗ trợ oxy.
  • Truyền máu.
  • Truyền kháng thể để hỗ trợ chống nhiễm khuẩn.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*