Vạn niên thanh: Ngoài làm cảnh còn có tác dụng chữa bệnh

Cây Vạn niên thanh, với nhiều tên gọi khác độc đáo như Ngưu vĩ thất, Xung thiên thất, Khai khẩu kiểm, Thanh ngư đảm, Trúc căn thất,… thường được sử dụng với mục đích làm cảnh hoặc phong thủy. Tuy nhiên, ngoài tác dụng ấy, loài cây này cũng được biết đến như vị thuốc có khả năng chữa bệnh. 

1. Tổng quan về Vạn niên thanh

1.1. Mô tả dược liệu

Vạn niên thanh có tên khoa học là Rhodea japonica Roth, thuộc họ Bách hợp (Liliaceae)Là loài cây nhỏ, sống nhiều năm. Cây có thân rễ ngắn và to, rễ nhiều và nhỏ.

Lá mọc từ thân rễ, hình mác, dài 30 – 35cm, rộng 5 – 8cm. Cây có phiến dài, gốc có bè to mọc ốp vào nhau, đầu thuôn nhọn, mép nguyên hơi lượn sóng, 2 mặt nhẵn, mặt trên bóng, gân chính rõ.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông ngắn gồm nhiều hoa nhỏ, màu lục nhạt.

Qủa mọng, hình cầu, khi chín màu đỏ hay vàng da cam.

Mùa hoa quả: tháng 4 – 8.

vạn niên thanh
Vạn niên thanh còn được gọi là Ngưu vĩ thất, Xung thiên thất, Khai khẩu kiểm,…

1.2. Đặc điểm phân bố

Vạn niên thanh sinh trưởng và phát triển ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, thường được tìm thấy ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan… và phía nam Trung Quốc.

Ở nước ta, cây phổ biến ở vùng rừng có khí hậu ẩm ướt, nhiều nhất là các chân núi đá vôi và có nhiều mùn như Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nội…Cây hiện được nhân giống và trồng để làm cảnh.

1.3. Bộ phận dùng Vạn niên thanh

Toàn cây được sử dụng làm thuốc, nhưng phổ biến vẫn là thân và rễ.

1.4. Hoạt chất trong Vạn niên thanh

Theo nhiều nghiên cứu, trong dược liệu này có chứa các chất như: rodexin A, rodexin B, rodexin C.

Vạn niên thanh
Vạn niên thanh sinh trưởng và phát triển ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm

2. Công dụng của Vạn niên thanh

Theo Đông y, Vạn niên thanh là vị thuốc có vị cay, hơi đắng, tính hàn, hơi có độc. Cây có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, tiêu thũng, giải độc, giảm đau.

Cây được dùng chữa bạch hầu, ho, suyễn, vàng da cổ trướng, viêm đường tiết niệu, viêm ruột.

Cách dùng: Có thể dùng toàn cây tươi 15 – 30g. Rửa sạch, nghiền nát, ép lấy nước cốt uống.

Nếu chế với ít giấm rồi ngâm và nuốt dần dần lại chữa viêm họng. Có thể dùng liều cao để gây nôn.

Dùng ngoài, lấy cây tươi, giã nát, đắp chữa bỏng, mụn nhọt, viêm da mủ chảy nước, trĩ, sa trực tràng, kết hợp lấy lá nấu nước rửa.

3. Các bài thuốc chứa Vạn niên thanh

3.1. Hỗ trợ điều trị suy tim

Người trưởng thành bị suy tim có thể dùng 20 – 15 g dược liệu. Lấy cây sắc cùng 150 ml nước đến khi cạn còn 50 ml là được. Cho thêm 120 ml nước vào phần bã thuốc, lại sắc đến khi còn 40 ml là được. Trộn thuốc hai lần sắc vào nhau chia thành 3 lần để uống trong ngày. Thời gian điều trị từ 7 – 10 ngày. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, có thể sử dụng thêm 1 liệu trình tương tự.

3.2. Điều trị cảm nắng đau bụng

Dùng 10 – 30 g cây sắc nước uống trong ngày.

3.3. Điều trị viêm tuyến mang tai

Sử dụng 20 – 30 g rễ cây tươi, rửa sạch, để ráo, giã nhỏ. Sau đó đắp thuốc vào vùng da bị tổn thương. Mỗi ngày thực hiện 2 lần để thấy hiệu quả điều trị.

3.4. Vạn niên thanh giúp lợi tiểu, thanh nhiệt

Thảo dược hơi đắng, tính hàn nên có tác dụng thanh nhiệt. Nước chiết từ rễ và thân Vạn niên thanh có thể hỗ trợ giúp lợi tiểu, chữa nóng trong người.

Vạn niên thanh
Vạn niên thanh là vị thuốc có thể điều trị các bệnh bạch hầu, viêm họng, lợi tiểu, thanh nhiệt

3.5. Điều trị vết thương do ngã

Có thể dùng rễ cây để nấu nước uống như trà, giúp điều trị bong gân, sưng đau, gân cốt không linh hoạt.

3.6. Điều trị rắn cắn

Dùng rễ Vạn niên thanh tán thành bột mịn sau đó bôi vào vết rắn cắn.

3.7. Điều trị trĩ sưng đau

Người bệnh có thể chỉ dùng cây Vạn niên thanh để nấu nước xông rửa hậu môn.

3.8. Hỗ trợ điều trị liệt dương

Dùng cây cắt ngang cho vào ấm nước, đun sôi, để nguội. Dùng uống có thể bồi bổ cơ thể, điều trị liệt dương và hỗ trợ tim mạch.

4. Lưu ý khi sử dụng

Vạn niên thanh vốn là vị thuốc quý trong vườn dược liệu của nước ta. Cây thường được sử dụng rộng rãi trong điều trị Đông y. Tuy nhiên, bản thân nó là vị thuốc có chứa chất độc, có thể gây ngứa da hoặc khó chịu ở mắt nếu dính vào.

Nếu sử dụng một lượng lớn lá có thể gây nôn mửa, sùi bọt mép. Vì vậy, quý bạn đọc không tự ý sử dụng dược liệu này, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn.

Cây Vạn niên thanh với nhiều tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, tiêu thũng, giải độc, giảm đau. Vị thuốc có thể hỗ trợ điều trị các bệnh bạch hầu, viêm họng, lợi tiểu, thanh nhiệt…Tuy nhiên, như đã lưu ý ở trên, cây có thể gây độc nếu không sử dụng đúng liều lượng. Vì vậy, quý bạn đọc cần tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi dùng để mang đến hiệu quả tốt nhất.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*