1. Ung thư buồng trứng là gì?
Tên gọi khác: Ovarian Cancer.
Buồng trứng là một cơ quan sinh sản của người phụ nữ. Tại đây buồng trứng sẽ tạo ra các tế bào trứng, hoàng thể và chức năng nội tiết (tiết ra các hormone sinh dục) góp phần vào quá trình sinh sản.
Ung thư buồng trứng là tình trạng khối bướu ác tính xuất hiện ở một trong 2 buồng trứng hoặc ở cả 2 buồng trứng. Ung thư buồng trứng diễn ra âm thầm với các triệu chứng mơ hồ, khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn trễ như bướu lan tràn ổ bụng, di căn đến các cơ quan khác…
2. Các yếu tố nguy cơ của ung thư buồng trứng
Vẫn chưa biết rõ chính xác nguyên nhân gây ra ung thư buồng trứng. Nhưng ung thư xuất hiện là do sự biến đổi đột ngột của gen trong cơ thể làm cho tế bào bình thường trở thành tế bào ung thư rồi các tế bào này nhân lên tạo thành khối u sau đó tấn công, lan rộng và nhân lên không kiểm soát.
Các yếu tố nguy cơ có thể làm cho phụ nữ mắc phải ung thư buồng trứng bao gồm:
– Tuổi tác: theo thống kê ung thư buồng trứng chiếm tỉ lệ cao và có thể gây ra tử vong ở những phụ nữ trên 55 tuổi.
– Tiền sử gia đình, gen di truyền: bệnh có liên quan đến đột biến gen BRCA1 và BRCA2, tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nếu trong gia đình có người bị bệnh ung thư buồng trứng, vú, nội mạc tử cung, ung thư đại trực tràng.
– Béo phì, thừa cân khó kiểm soát: nghiên cứu từ hiệp hội ung thư Hoa Kỳ cho thấy, tỷ lệ tử vong do ung thư buồng trứng chiếm tỉ lệ cao hơn ở những người béo phì; chế độ ăn nhiều mỡ hay đạm, đặc biệt là sữa và các sản phẩm từ sữa hay lactose.
– Phụ nữ vô sinh hoặc sử dụng các loại thuốc nội tiết tố, kích trứng: Những người phụ nữ ít sinh con hoặc không có con có tỉ lệ nguy cơ mắc bệnh càng cao. Ngược lại, phụ nữ sinh con nhiều, cho con bú làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
– Một số yếu tố liên quan như: hút thuốc lá, ít vận động,…
3. Triệu chứng của ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là căn bệnh diễn ra âm thầm lặng lẽ và khó nhận biết giai đoạn đầu. Các triệu chứng ban đầu của ung thư buồng trứng thường là:
Tình huống sớm:
– Thường phát hiện qua khám sức khỏe, thường là sau khi siêu âm.
– Triệu chứng thường gặp là đau vùng bụng dưới.
Tình huống trễ: thường gặp.
– Sờ được bướu vùng bụng dưới khi bướu lớn.
– Báng bụng do bướu gieo rắc trong ổ bụng.
– Đau khắp bụng do bướu lớn, chèn ép và xâm nhiễm mô lân cận.
– Đôi khi kèm theo các triệu chứng của rối loạn nội tiết (như nam hóa), xuất huyết âm đạo…
Các triệu chứng như: chán ăn, sụt cân, ăn không ngon miệng, táo bón,… là tình trạng chung của nhiều bệnh lý khác nhau, nhiều phụ nữ có thể gặp phải nhưng không phải bị ung thư buồng trứng. Chỉ có thể xác định chắc chắn bệnh khi làm các xét nghiệm chuẩn đoán.
Phương tiện cận lâm sàng
Các cận lâm sàng thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư buồng trứng
– Dấu ấn sinh học bướu: CA-125, AFP, βHCG.
– Hình ảnh học: siêu âm, chụp cắt lớp (CT SCAN), cộng hưởng từ (MRI).
Giai đoạn của ung thư buồng trứng:
Giai đoạn I – Ung thư khu trú ở buồng trứng.
Giai đoạn II – Ung thư được phát hiện ở một hoặc cả hai buồng trứng đã xâm nhiễm đến các cơ quan lân cận ở vùng chậu.
Giai đoạn III – Ung thư một hoặc 2 buồng trứng, di căn phúc mạc ngoài vùng chậu, lan tràn khắp ổ bụng, và/ hay di căn hạch vùng.
Giai đoạn IV – Ung thư di căn đến các cơ quan xa (như gan, phổi hoặc các hạch bạch huyết ở xa).
4. Điều trị ung thư buồng trứng
Hiện nay, tùy vào thời gian phát hiện và giai đoạn của bệnh mà người ta sử dụng các phương pháp điều trị như sau:
Phẫu thuật ung thư buồng trứng:
Việc phẫu thuật này bao gồm cắt bỏ 1 trong 2 buồng trứng hoặc cả 2 buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, các hạch bạch huyết lân cận hoặc một phần mô mỡ. Tùy vào giai đoạn phát hiện của bệnh mà phần cắt bỏ ít hay nhiều. Nếu phát hiện ở giai đoạn I, các bác sĩ có thể chỉ cắt 1 buồng trứng và ống dẫn trứng. Đối với những giai đoạn trễ, bướu lan tràn ổ bụng, có thể phẫu phuật làm giảm tổng khối bướu, để hỗ trợ cho việc điều trị hóa trị sau mổ.
Hóa trị ung thư:
Hóa trị liệu là phương pháp có thể thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh khi khối u đã biến chuyển ở giai đoạn sau, hóa trị liệu có thể làm thu nhỏ khối u, ngăn khối u lan rộng trước khi thực thiện phẫu thuật. Hoặc sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được cho sử dụng thuốc chống ung thư để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Xạ trị ung thư:
Xạ trị có vai trò hạn chế trong điều trị ung thư buồng trứng. Mục tiêu của xạ trị trong ung thư buồng trứng là để kiểm soát các triệu chứng đau, không phải để điều trị. Tuy nhiên xạ trị cũng có thể giúp tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại trong vùng chậu hoặc sử dụng nếu ung thư tái phát lại.
5. Phòng ngừa bệnh ung thư buồng trứng
Để phòng ngừa ung thư buồng trứng ở phụ nữ, cần phải thực hiện những biện pháp sau:
– Cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, hạn chế sử dụng các loại thuốc nội tiết tố, thuốc kích trứng.
– Phụ nữ đang cho con bú nên kéo dài thời gian cho con bú trên 6 tháng, vì theo các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi cho con bú, tuyến vú sẽ tiết ra Oxytocin giúp sản sinh nhiều hoocmon sinh dục. Hoóc-môn sinh dục nhiều sẽ giúp phụ nữ phòng tránh được ung thư buồng trứng.
– Chú ý đến chế độ dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung nhiều vitamin, rau củ quả, thực đơn giàu protein và ít chất béo.
– Uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp cơ thể thúc đẩy tuần hoàn máu và ngăn ngừa ung thư.
– Cần phải có một chế độ ăn uống điều độ hợp lý và sinh hoạt khoa học, tốt cho sức khỏe như: uống đủ nước mỗi ngày; có thói quen tập luyện thể dục – thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể…
– Không lạm dụng thuốc, giảm stress, căng thẳng và giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan…là cách tốt để ngăn ngừa ung thư buồng trứng và nhiều bệnh khác.
– Nói không với rượu bia, thuốc lá và điều chỉnh cân nặng một cách hợp lý để tránh tình trạng béo phì.
– Khám phụ khoa định kì mỗi 6 tháng/lần là biện pháp tốt nhất để phát hiện và điều trị kịp thời ung thư buồng trứng, tránh các biến chứng nguy hiểm đồng thời bảo vệ chức năng sinh sản cũng như tính mạng của người phụ nữ.
Nguồn: Thạc sĩ Võ Văn Khoa – BV Đại học Y dược Huế
Để lại một phản hồi