I. Nguyên nhân
Ngoài những dạng đặc biệt và những thể do độc tố viêm dạ dày mạn thường thứ phát sau một số rối loạn tiêu hoá kéo dài hoặc rối loạn các chức năng tiêu hoá. Những nguyên nhân được đề cập là:
1. Ăn uống
– Nuốt nhiều, nhanh, nhai không kỹ, bữa ăn không đúng giờ giấc.
– Ăn nhiều những thức ăn có nhiều chất hoá học dùng trong nông nghiệp hoặc kỹ nghệ thực phẩm.
– Ăn nhiều gia vị chua cay, uống cafe đặc, uống rượu, hút thuốc lá lâu ngày.
2. Các yếu tố cơ học, hoá lý (phóng xạ, quang tuyến) vai trò độc hại của một số thuốc (thuốc nhuận tràng dùng kéo dài các thuốc bột kiềm gây trung hoà axit dịch vị quá mức sẽ dẫn đến phản ứng đột biến tăng tiết HCL làm tổn thương niêm mạc dạ dày).
3. Các yếu tố nhiễm khuẩn gây viêm dạ dày mạn hoặc duy trì viêm dạ dày mạn (đặc biệt cần chú ý các nhiễm khuẩn ở TMH, răng, VFQ mạn). Trong bệnh Biermer thấy có vi khuẩn trong dạ dày (do nồng độ acide thấp trong dịch vị nên vi khuẩn phát triển) vai trò của Helicobacter pylory trong viêm dạ dày mạn và loét hành tá tràng đã đang được chú ý nhiều.
4. Người ta thường thấy viêm dạ dày mạn tính xẩy ra cùng với loét dạ dày, loét hành tá tràng, bệnh đại tràng chức năng, táo bón, nhiễm khuẩn ruột, túi mật viêm, trào ngược dịch mật vào dạ dày, viêm miệng nối dạ dày – hỗng tràng, ung thư dạ dày.
5. Suy dinh dưỡng, thiếu sắt, thiếu B12, yếu tố nội sinh giảm, một số thiếu hụt không đặc hiệu như thiếu acide folic, vitamin C, vitamin PP, protein.
6. Rối loạn nội tiết: suy tuyến yên, bệnh Hasimoto, thiểu năng cận giáp, bệnh Addison, bệnh đái đường.
7. Dị ứng: một số bệnh ngoài da (mày đay, eczema, lichen) hoặc do ăn uống.
8. Yếu tố miễn dịch: mới đây phát hiện thấy có các kháng thể kháng tế bào thành, kháng yếu tố nội sinh. Song ý nghĩa bệnh lý chưa rõ có thể chỉ là bằng chứng của sự tấn công đã làm biến chất của kháng nguyên, tế bào có vai trò quan trọng trong việc gây ra hoặc duy trì các tổn thương của viêm dạ dày mạn.
9. Các rối loạn tâm lý, thần kinh thực vật: có thể gây viêm dạ dày và rối loạn tiêu hoá.
10. Yếu tố di truyền: thấy rõ hơn cả trong bệnh Biermer (hấp thụ B12 kém).
Dù cho nguyên nhân nào thì viêm dạ dày cũng chỉ là hậu quả của các tấn công liên tiếp vào niêm mạc dạ dày, song cơ chế sâu xa chưa chắc chắn.
II. Triệu chứng:
1. Lâm sàng:
– Không có dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của viêm dạ dày mạn. Bệnh nhân có những rối loạn cơ năng tương tự như trong rối loạn tiêu hoá xẩy ra sớm sau khi ăn, nhất là sau bữa ăn trưa.
– Cảm giác nặng bụng, ợ hơi, nhức đầu, mặt đỏ, cảm giác đắng miệng vào buổi sáng, buồn nôn, nôn, chán ăn, táo lỏng thất thường.
– Nóng rát vùng thượng vị xuất hiện sau hoặc trong khi ăn, đặc biệt rõ sau khi ăn uống một số thứ: bia, rượu, gia vị cay chua hoặc ngọt. Sau ăn mỡ xuất hiện nóng rát có thể là do trào ngược dịch mật vào dạ dày. Có một số trường hợp nóng rát xuất hiện muộn sau bữa ăn.
– Đau vùng thượng vị: không đau dữ dội, thường chỉ là cảm giác khó chịu, âm ỉ thường xuyên tăng lên sau khi ăn.
– Khám thực thể: tình trạng gầy đi chút ít hoặc bình thường. Da khô tróc vảy, có vết ấn của răng trên rìa lưỡi, lở loét, chảy máu lợi. Lưỡi bự trắng. Đau tức vùng thượng vị khi gõ hoặc ấn sâu.
2. Cận lâm sàng
2.1. X-quang: có hình ảnh các niêm mạc thô không đồng đều, bờ cong lớn nham nhở hình răng cưa.
2.2. Nội soi dạ dày: phát hiện được các thể:
– Viêm long: thường có tăng tiết, niêm mạc xung huyết phù nề, đôi khi xung huyết lốm đốm.
– Viêm phì đại: ngoài kiểu viêm dạ dày phì đại thực thụ (nếu niêm mạc thô to) còn có thể nổi cục, thể khảm, thể polype, thể giả u.
– Viêm dạ dày thể loét trợt: các tổn thương niêm mạc hình tròn, nông, có bờ rõ.
– Viêm dạ dày teo: Mới đầu niêm mạc phẳng không mượt, về sau mất dần nếp, teo, nhạt màu, có mạch máu nổi.
2.3. Sinh thiết dạ dày:
– Viêm dạ dày mạn thể nông: Lớp đệm xung huyết phù nề, xâm nhiễm tế bào viêm, tróc biểu mô. Các tuyến vẫn bình thường về số lượng và hình thái.
– Thể viêm teo dạ dày: Nhiều bạch cầu trong tổ chức đệm. Giảm số lượng tuyến và các tuyến teo nhỏ.
Nếu các tế bào tuyến của dạ dày có hình thái giống tế bào tuyến của ruột (loạn sản ruột) thì đó là thể nặng của tuyến teo dạ dày.
2.4. Xét nghiệm dịch vị:
– Trong viêm dạ dày nhẹ: nồng độ HCl giảm, nhưng khối lượng dịch tiết bình thường hoặc hơi tăng.
– Trong viêm teo dạ dày: lượng dịch tiết và nồng độ HCl giảm nhiều dần tiến tới vô toan.
III. Tiến triển- Biến chứng
1. Tiến triển:
Viêm dạ dày mạn tiến triển từ từ, hình thái niêm mạc thay đổi dần từ viêm phì đại đến viêm teo (thể teo đơn thuần, thể teo có loạn sản).
2. Biến chứng:
– Ung thư dạ dày.
– Xuất huyết tiêu hoá.
– Viêm quanh dạ dày tá tràng.
– Viêm túi mật mạn, viêm tuỵ mạn.
IV. Điều trị:
1. Chế độ ăn uống:
Ăn chậm, nhai kĩ, ăn những loại thức ăn dễ tiêu, nấu chín kĩ, khoảng cách giữa các bữa ăn hợp lí. Tránh loại thức ăn nhiều chất xơ, quá nóng, quá lạnh hoặc cứng rắn. Kiêng các chất cay, chua, mỡ rán, rượu, cafe, thuốc lá.
2. Thuốc:
– Phải thận trọng khi dùng thuốc, tránh dùng các loại thuốc độc hại cho dạ dày nhất là khi phải dùng thuốc kéo dài.
– Khi phải cho các thuốc: Corticoid, Resecpin… thì nên dùng các thuốc băng se niêm mạc.
– Thuốc băng se niêm mạc:
Smecta gói 3,925 gr x 3 gói/ ngày uống trước hoặc giữa bữa ăn
– Thuốc chống co thắt, ức chế tiết dịch:
Atropin 1/4mg x 1 ống/ 24h tiêm dưới da.
Gastozepin viên 25 mg x 2v/ ngày uống trước bữa ăn.
– Thuốc an thần (không dùng kéo dài)
Seduxen 5mg x 2v/ ngày (sáng, tối).
Meprobamat 0,4 x 1v/ngày (tối).
– Kháng sinh (khi có nhiễm khuẩn, viêm miệng nối).
Ampicilin 0,25 x 4-6v/24h một đợt 7-10 ngày.
Flagyl 0,25 x 4-6v/24h một đợt 7-10 ngày.
– Nếu có giảm toan thì dùng:
HCl 10% x 30 giọt và Pepsin 0,2gr: trộn lẫn trong 100ml nước ngày uống 2-3 lần trong bữa ăn. Hoặc dùng các men tiêu hoá.
– Vitamin B, PP.
– Trong thiếu máu: Fe, B12.
3. Phải điều trị kịp thời các bệnh kết hợp nếu có như:
+ Viêm nhiễm ở răng, miệng, tai mũi họng.
+ Viêm đại tràng, chống táo bón.
+ Điều trị rối loạn thần kinh thực vật.
+ Tẩy giun sán.
Để lại một phản hồi