1. Nhiễm trùng đường niệu là gì?
Tên gọi khác: Viêm tiết niệu, Viêm đường tiết niệu, Nhiễm trùng đường tiết niệu, Nhiễm trùng tiết niệu, Nhiễm trùng niệu, Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, Nhiễm trùng đường tiểu.
Nhiễm trùng tiết niệu là một bệnh lý nhiễm khuẩn liên quan đến đường tiết niệu của cơ thể bao gồm: thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt và niệu đạo. Trong đó thường gặp nhất là nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng niệu đạo.
Nhiễm trùng tiết niệu thường gặp ở phụ nữ do có niệu đạo ngắn hơn so với nam giới. Tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và bất kỳ đối tượng nào.
Các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng đường niệu gồm:
– Bế tắc đường ra của bàng quang do sỏi bàng quang, do u xơ tiền liệt tuyến, hay do hẹp niệu đạo.
– Các bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng tống xuất nước tiểu của bàng quang làm bàng quang luôn có một lượng nước tiểu ứ đọng sau tiểu tiện (liệt bàng quang sau chấn thương cột sống, bệnh lý bàng quang thần kinh).
– Những dị tật bẩm sinh của đường tiết niệu, đặc biệt là trào ngược bàng quang-niệu quản.
– Suy giảm miễn dịch.
– Đái tháo đường.
– Hẹp bao quy đầu.
– Có thai hoặc mãn kinh.
– Sỏi thận.
– Giao hợp với nhiều bạn tình.
– Hẹp niệu đạo do bẩm sinh hoặc do chấn thương.
– Bất động lâu ngày (chấn thương, bại liệt).
– Uống ít nước.
– Chứng són phân.
2. Triệu chứng của nhiễm trùng đường niệu
Nhiễm trùng tiết niệu thường bao gồm những triệu chứng sau:
– Buồn tiểu thường xuyên
– Tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu không kiểm soát.
– Nước tiểu đục, có mùi, có mủ hoặc có máu.
– Ở phụ nữ, cảm thấy đau vùng xương mu.
Ngoài ra có thể gặp các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn, nôn mửa hay run rẩy, đau lưng nếu nhiễm trùng vùng thận; nếu nhiễm trùng bàng quang sẽ có biểu hiện đau bụng dưới, tức bụng. Thường xuyên đi tiểu và có thể tiểu ra máu. Nhiễm trùng niệu đạo làm bệnh nhân đi tiểu buốt và các dịch tiết từ niệu đạo.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường tại đường tiết niệu, nghi ngờ mắc bệnh cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.
3. Nguyên nhân mắc bệnh nhiễm trùng đường niệu
Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng tiết niệu thường là do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli), đôi khi trường hợp hiếm có thể do vi khuẩn hoặc một số loại nấm gây ra. Vi khuẩn E.coli có thể được tìm thấy trong ruột, trên da hoặc gần hậu môn, trong đường tiết niệu và di chuyển vào các bộ phận khác. Ở phụ nữ, hậu môn với đường tiết niệu gần nhau hơn so với nam giới nên nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu có thể thông quá các ống thông tiểu, sỏi thận, hoặc dị tật làm tắc nghẽn đường tiết niệu, khi quan hệ tình dục.
Nhiễm trùng đường tiết niệu không lây nhiễm, có thể xảy ra từ nơi khác rồi di chuyển đến thận, Và khi quan hệ tình dục có thể gây đau đối với người đang bị nhiễm trùng tiết niệu và gây ra nhiễm trùng nặng hơn.
Một số nguyên nhân khác có thể gây nhiễm trùng như:
– Do thuốc hóa trị cyclophosphamide và cyclosporine hoặc một số loại thuốc khác.
– Xạ trị ở vùng xương chậu, xạ trị ung thư cổ tử cung.
– Đặt ống thông trong một thời gian dài.
– Chất sản phẩm dùng chất hóa học như xà phòng tạo bọt, dung dịch vệ sinh phụ nữ gây dị ứng và dẫn đến nhiễm trùng.
– Biến chứng của bệnh khác như sỏi thận, u tuyến tiền liệt…
4. Điều trị nhiễm trùng đường niệu
Trong một số trường hợp bệnh nhẹ như viêm bàng quang nhẹ có thể tự khỏi mà không cần chữa trị, tuy nhiên để tránh tình trạng biến chứng nặng cần phải thận trọng khi bị nhiễm trùng đường tiểu. Phải điều trị kỹ càng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Thuốc được dùng trong điều trị nhiễm trùng tiết niệu thường là kháng sinh. Tuy vào tình trạng bệnh, mức độ nặng nhẹ mà có thể sử dụng các loại kháng sinh khác nhau như Nitrofurantoin, Cephalosporin, Sulfonamide, Amoxicillin, Trimethoprim-sulfamethoxazole, Doxycycline (không dùng cho trẻ dưới 8 tuổi), Quinolone (không nên dùng cho trẻ em, phụ nữ mang thai).
Khi điều trị các bệnh nhiễm trùng tiết niệu, triệu chứng có thể khỏi sau vài ngày, tuy nhiên cần điều trị kéo dài 10-15 ngày để dứt điểm bệnh cũng như đề phòng viêm bể thận.
Nhiễm trùng đường tiểu do tác nhân là Chlamydia trachomatis và Mycoplasma hominis cần được chỉ định điều trị với tetracycline hoặc doxycycline dài ngày.
Đối với nhiễm trùng đường tiểu nguyên nhân do bất thường giải phẫu đường tiết niệu hoặc biến chứng tạo mủ cần phải phẫu thuật.
Nhiễm trùng đường tiểu có thể tái phát nhiều lần trong một năm, có thể phải điều trị kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm.
Xét nghiệm nước tiểu thường xuyên là biện pháp để đánh giá hiệu quả trong quá trình điều trị.
5. Phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường niệu
Để phòng ngừa nhiễm trùng tiết niệu, cần thực hiện những biện pháp sau:
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân.
– Không sử dụng các chất gây dị ứng cho đường tiết niệu.
– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, uống nhiều nước trước và sau khi giao hợp.
– Thay tả cho trẻ khi trẻ bị dính phân.
– Uống nhiều nước để tống vi khuẩn ra khỏi đường tiểu.
– Không nên nhịn tiểu quá lâu.
– Cần tập cho trẻ thói quen vệ sinh sau khi đại và tiểu tiện để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo.
– Sử dụng thực phẩm tăng cường sức đề kháng như vitamin C.
– Tiểu tiện và vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ.
Nguồn: Thạc sĩ Chung Tuấn Khiêm – BV Bình Dân
Để lại một phản hồi