1. Đại cương.
– Trứng cá là một bệnh viêm nang lông tuyến bã thường xuất hiện ở vùng mặt, ngực,lưng, hay gặp ở lứa tuổi thiếu niên, thanh niên.
– Biểu hiện lâm sàng có thể nhẹ: có một số nhân trứng cá, đến mức độ nặng trứng cá cục, viêm tấy, nang bọc, ngóc ngách, tạo sẹo lồi, sẹo lõm to.
– Bệnh ảnh hưởng đến tâm lý thẩm mỹ , bệnh nhân lo lắng vì tổn thương thường xuất hiện ở mặt.
– Danh pháp còn gọi trứng cá thông thường (Acne vulgaris).
2. Căn nguyên sinh bệnh.
Tuyến bã có ở hầu khắp các vùng da của cơ thể trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân, mặt mu ngón chân và môi dưới, tuyến bã thường tập trung nhiều ở vùng mặt, ngực, lưng, phần trên cánh tay.
Tuyến bã chế tiết ra chất bã (Sebrum) đổ vào phần trên nang lông, bài tiết ra da có tác dụng làm da mềm mại, chống ngấm nước và có tác dụng phần nào chống vi khuẩn, nấm.
Hiện nay người ta cho rằng các yếu tố căn nguyên sinh ra bệnh trứng cá gồm có:
– Thể địa da dầu, tăng tiết chất bã (có tính chất tố bẩm di truyền, gia đình).
– Dày sừng cổ nang lông làm chất bã bị vít tắc, không thoát ra ngoài được.
– Vi khuẩn Propionibacterium acnes (P.A).
– Nồng độ dihydrotestosteron tăng cao ở mô.
Do có thể địa da dầu tuyễn bã to ra, tăng chế tiết chất bã, chất bã tiết ra nhiều mà không thoát ra được do cổ nang lông bị dày sừng hẹp lại tạo thành nhân trứng cá (comedomes), vi khuẩn Propionibacterium acnes phân hủy chất bã tạo thành các axít béo tự do ngấm ra tổ chức xung quanh tạo nên các sẩn viêm, nếu bội nhiễm thêm tụ cầu, liên cầu…tạo nên sẩn mủ,mụn mủ. Tùy theo mức độ và cách xử trí các sẩn, mụn mủ khi khỏi có thể tạo sẹo một thời gian hay vĩnh viễn.
- Lứa tuổi thường gặp nhất là 10 – 25 tuổi ở cả nam và nữ.
- Các yếu tố ảnh hưởng:
+ Yếu tố nội tiết
+ Yếu tố xúc động thần kinh có thể làm nặng thêm bệnh.
+ Một số thuốc có thể gây trứng cá hoặc làm bệnh nặng thêm: Lithium, hydantoin, bôi corticoid, uống viên tránh thai, isoniazide, iode…
+ Yếu tố nghề nghiệp: tiếp xúc dầu khoáng…
+Trứng cá do dioxin.
3.Triệu chứng lâm sàng
3.1.Vị trí: thường gặp ở vùng mặt, ngực, lưng (nhất là vùng liên bả), phần trên cánh tay.
3.2.Tổn thương cơ bản:
Tùy theo tổn thương cơ bản và mức độ bệnh ta có thể quan sát thấy
- Trứng cá đầu trắng: trên da mặt thấy các điểm trắng 1-2 mm ở dưới da, đó chính là nhân trứng cá.
- Trứng cá đầu đen: có một điểm đen ở lỗ chân lông, đó là chất bã phần trên bị oxy hóa.
- Trứng cá sẩn viêm: có các sẩn viêm 1-3mm đường kính, nặn ra nhân trứng cá là một sợi chất bã màu trắng ngà vàng.
- Trứng cá sẩn mủ, mụn mủ: có sẩn mủ, trung tâm là mủ và nhân trứng cá, có quầng viêm đỏ bao quanh, kích thước 1-5mm.
- Trứng cá viêm tấy: bao quanh nhân trứng cá là khối viêm tấy 1-3cm đường kính, viêm đỏ sưng cứng, ấn đau, sau hóa mủ.
– Trứng cá nang bọc: có các nang bọc chìm dưới da, có vỏ xơ bao quanh, trong chứa chất bã, mủ.
4. Thể lâm sàng
4.1.Trứng cá thông thường
– Không viêm: đầu trắng, đầu đen.
– Có viêm : sẩn, mụn mủ, viêm tấy, nang bọc
4.2.Viêm nang lông do Pityrosporum ovale
Sẩn đỏ,nhỏ, viêm rõ, hay ở vùng lưng, 50% số ca tìm thấy Pityrosporum ovale.
4.3. Trứng cá do steroids: do dùng steroids ngắn hoặc dài ngày. Tổn thương là sẩn đỏ màu đỏ đồng nhất, các sẩn mủ rải rác ở mặt, lưng, cổ và cánh tay. Thường không có nhân trứng cá.
4.4.Trứng cá do mỹ phẩm: thường do bôi kem làm ẩm da.
4.5.Trứng cá sẹo lồi (Acne kelodalis): trứng cá khi lành để lại sẹo lồi.
4.6.Trứng cá hoại tử: có quá trình hoại tử tạo sẹo lõm.
4.7. Trứng cá ngóc ngách (Acne conglobata): cá các nang bọc, chứa chất lầy nhầy, viêm u hạt, các nang bọc, có đường thông dò các nang với nhau, sau tạo thành sẹo dúm dó.
4.8. Trứng cá đỏ (Acne Rosacea): mũi, hai má đỏ về sau giãn mạch, có thể kém theo sẩn trứng cá, mức độ nặng có tăng sản tuyến bã thành mũi sư tử (Rhinophyma).
5. Xét nghiệm
– Chiếu đèn Wood nếu có màu da cam là cho biết có sự hiện diện của P.acnes.
– Nếu có mụn mủ nuôi cấy xác định vi khuẩn bội nhiễm và thử độ nhạy cảm kháng sinh.
-Định lượng hormon nhóm Androgen.
6. Chẩn đoán
6.1.Chẩn đoán xác định: chủ yếu dựa vào lâm sàng, vị trí vùng mặt, ngực, lưng; tổn thương là các nhân trứng cá (đầu trắng, đầu đen), sẩn viêm có nhân trứng cá ở giữa, mụn mủ, viêm tấy, nang bọc.
6.2.Chẩn đoán phân biệt
– Viêm nang lông do tụ cầu
– U mềm lây (Molluscum contagiosum) sẩn hình tròn bán cầu, trơn nhẵn, có điểm lõm ở giữa, nguyên nhân do virus.
7. Điều trị
7.1.Thuốc bôi tại chỗ
– Tretinoin: tretinoin (Retin-A) là một loại Retinoic acid (biệt dược Retin-A, Locacid, Differin) dạng dung dịch và dạng gel, có tác dụng tiêu sừng, chống lại dày sừng ở cổ nang lông, làm chất bã thoát đi được, phần nào tác dụng làm giảm nhân trứng cá chống viêm và chống vi khuẩn. Cách dùng như sau: bôi ngày một lần vào buổi tối, bôi một lớp mỏng để qua đêm, không nên bôi vùng da quanh mắt, một số bệnh nhân da nhạy cảm dễ phản ứng có thể bôi cách nhật hoặc cách hai ngày mới bôi 1 lần. Tuần đầu bôi thuốc có thể có tác dụng phụ da hơi đỏ, rát, róc vảy.Đợt bôi thuốc thường kéo dài 4-8 tuần có khi 12 tuần.Tretinoin thích hợp cho tổn thương đầu trắng, đầu đen và cả một số dạng tổn thương khác.
– Benzoyl Peroxide (Biệt dược Oxy 5 – 10, Panoxyl 2,5 – 5 – 10, Eclaran). Nhóm thuốc bôi Benzoyl peroxyde có tác dụng chống vi khuẩn, co hiệu lực hầu hết với các loại trứng cá có viêm như trứng cá sẩn, trứng cá mụn mủ, trứng cá nang bọc và trứng cá có nhân. Tác dụng thường giảm đỡ bệnh sau 4 tuần. Bôi thuốc ngày 1-2 lần, lần đầu bôi thuốc nên thử 1 vùng sau 15 phút lau rửa đi, nếu không có phản ứng gì ngày hôm sau bôi thuốc, sau 30 phút – 1 giờ lau rửa đi, sau đó hàng ngày bôi thuốc sau 1-3 giờ lau rửa đi. Người ta còn thấy dường như nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm tuyến bã, tiêu sừng tiêu nhân trứng cá, giảm viêm. Bôi 1 lớp mỏng vùng có trứng cá viêm, một số bệnh nhân bôi thuốc những ngày đầu da có thể đỏ và bong vẩy nhẹ sau đó qua đi.
– Các thuốc tróc lột da và chống da nhờn
Các thuốc này làm lột da nhẹ và chống da dầu, làm cho các nhân trứng cá thoát đi được nên đỡ bệnh. Thành phần thường có lưu huỳnh (sulfur ), Salicylic acid, resorcinol và benzoyl peroxide loại 10%, biệt dược kem Fostex ( thành phần có lưu huỳnh,Salicylic acid, resorcinol…).Sulfoxyl – Strong ,Sulfacet -R ,Novacet và benzoyl peroxide 10%.
– Thuốc bôi kháng sinh tại chỗ ( mỡ kháng sinh) thường dùng thuốc bôi có chứa Erythromycin (Biệt dược Eryfluid, Erthrogel…) hoặc Clindamycin (Biệt dược Dalacin T, Cleocin T…) và Benzamycin (có Erythromycin 3% và Benzoyl peroxide 5%).
7.2.Thuốc uống toàn thân
-Thuốc kháng sinh: chủ yếu dùng nhóm thuốc khấng sinh có tác dụng làm giảm số lượng vi sinh vât P.acnes: Tetracyclin 250mg 2-4 lần/ngày hoặc Doxycyclin 100mg 2viên/ngày, Minocyclin (Minocin) 50mg-100mg 2viên/ngày.Thường dùng một đợt 10 ngày, người ta cho rằng có thể dùng trị liệu dài ngày. Tetracyclin 0,25g 2 viên/ngày trong vài tuần đến một vài tháng, ngoài tác dụng chống P.acnes có nghiên cứu còn cho là dùng liều thấp kéo dài Tetracyclin có tác dụng ức chế sự chế tiết của tuyến bã.
-Khi có trứng cá mụn mủ, viêm tấy có thêm vai trò của vi khuẩn khác (tụ cầu, liên cầu…) nên chuyển dùng một đợt kháng sinh khác như Ampixilin, Cephalosporin hoặc Trimethoprim.
-Trị liệu hormon có lựa chọn: chỉ dùng cho bệnh nhân nữ bị trứng cá. Thuốc tránh thai (oral contraceptives) có tác dụng ức chế sự tăng tiết Androgen của buồng trứng. Thường dùng loại cyproteron acetate (Biệt dược Dian 35) 1viên/ngày, chống chỉ định cho bệnh nhân bị u vú và viêm niêm mạc cổ tử cung. Trong các ca dùng thuốc mà trứng cá lại tăng lên thì ngừng thuốc.
– Spirolactone 100-200mg/ngày trong 3-6 tháng cho phụ nữ ngoài 30 tuổi.
– Isotretinoin (Accutane viên nang 10, 20, 40mg,acnotin 10 mg) Isotretinoin (13_cis retinoic acid) là thuốc thuộc nhóm retinoid (vitamin A acid) có tác dụng hiệu quả cao điều trị trứng cá, nhưng phần nào độc hại và tốn kém, chỉ nên dùng cho các trường hợp trứng cá nặng, dai dẳng (trứng cá viêm tấy, nang bọc, ngóc ngách). Thuốc có tác dụng làm giảm chế tiết chất bã, giảm sừng hóa nang lông và giảm số lượng P.acnes. Bệnh nhân nữ nếu chỉ định dùng Isotretinoin phải đảm bảo trước khi dùng thuốc là đang không có thai, trong thời gian dùng thuốc và sau khi dùng thuốc 1-3 tháng đảm bảo không có thai, vì một trong những tác dụng phụ là thuốc có thể gây quái thai. Liều dùngbắt đầu 0,5mg/kg/ngày sau đó tăng lên 1mg/kg/ngày, có thể dùng thuốc này trong vòng 4-5 tháng.
– Biotin 5mg 2viên/ngày, có thể dùng hàng tháng.
– Vitamin A 50.000-100.000 IU/ngày.
7.3. Các phương pháp khác
– Chích nặn nhân trứng cá: dùng cái chích nặn nhân trứng cá (extractor Schamberg) chích nặn nhân trứng cá, làm thoát mụn mủ và nang trứng cá sẽ mau lành hơn. Chú ý vô khuẩn và bôi thuốc gây tê bề mặt vùng da chích nặn trứng cá.
– Tháo bỏ nặn nhân trứng cá bằng keo cyanoacylate: bôi keo cyanoacylate vào mụn trứng cá dùng que nhựa dính vào chỗ đó, sau 1 phút nhắc ra kéo theo nhân trứng cá bị dính chặt vào que thủy tinh hay tấm plastic.
– Phương pháp lột bằng băng khía vạch: dán băng khía vạch lên mặt vài giây rồi bóc đi, làm nhiều lần có khi đến 30 lần, cho đến khi nhìn thấy lớp lấp lánh, mục đích là làm bật nút vít tắc ở cổ nang lông để nhân trứng cá thoát đi được.
– Xoa bóp da mặt: hàng ngày chỉ nên rửa mặt 2-3 lần, rửa mặt bằng tay nhẹ nhàng tránh làm xây xước da, xoa bóp nhẹ nhàngda mặt giúp lưu thông chất bã.
– Có thể rửa mặt ngày 2 lần bằng xà phòng Acne aid bar có tác dụng tẩy bớt chất bã nhờn ở da.
– Tránh căng thẳng thần kinh
– Hạn chế ăn nhiều đường, Sô-cô-la.
7.4.Giải quyết sẹo trứng cá
Các tổn thương trứng cá thường để lại sẹo nhỏ, mềm nông, sau một thời gian mới hết. Một số trường hợp bị sẹo lồi, sẹo phì đại hoặc sẹo teo lõm cá biệt là sẹo hốc lõm to như hố băng.
Với các trường hợp trứng cá sẹo lồi có thể giải quyết bằng tiêm Triamcinolone acetonide vào dưới sẹo lồi.
Với các trường hợp sẹo hốc lõm người ta có thể lựa chọn một trong các phương pháp sau:
.Hớt, bào da(Dermabraion)
. Cấy Silicon vào da: cấy polymethylsiloxane có tính dẻo, 300centristrokes.
.Cấy collagen vào dưới da chữa sẹo mềm nông và sâu. Cấy collagen da bò tinh khiết hòa tan, tiêm số lượng nhỏ 1 tháng 3 lần. Tuy nhiên cách này không có hiệu quả với sẹo hốc lõm to.
Để lại một phản hồi