Tràm và tinh dầu tràm: Hương liệu pháp tự nhiên

Tràm còn gọi là chè cay hay chè đồng, là loài cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Tràm chứa nhiều tinh dầu, được xem là hương liệu có tác dụng kháng khuẩn. 

1. Đặc điểm cây Tràm gió

Có nhiều loài tràm nhưng chỉ có những loài thuộc chi Melaleuca như tràm gió, tràm trà là thường được chọn dùng làm thuốc

Tràm gió là cây thân gỗ, thường ở dạng bụi từ 0,5 – 2m, có thể cao đến 4 – 5m. Khi còn non thì lớp vỏ cây bóng mượt. Sau đó trưởng thành thì lớp vỏ mịn đó cứng dần và trở nên sần sùi..

Lá cây tràm gió mọc so le, cuống lá màu xanh vàng nhạt. Phiến lá hình mác có những gân lá chạy dọc theo gân chính. Ban đầu lá mỏng mềm về sau lá dày cứng và giòn hơn. Lá dài 6 – 12 cm, rộng 2 – 3 cm.

Hoa nhỏ màu trắng hay vàng nhạt, không cuống, mọc thành bông ở đầu cành. Sau đó từ đầu bông hoa cành lại tiếp tục mọc dài ra và mọc thêm lá cho nên bông hoa nằm giữa cành và lá cây.

Quả tràm dạng nang rất cứng có 3 ngăn hình tròn đường kính khoảng chừng 13mm cụt ở đỉnh, đài cứng ôm sâu vào quả. Hạt hình trứng dài khoảng 1mm.

Tràm gió
Tràm gió

2. Phân bố, thu hái, chế biến

2.1. Phân bố

Cây tràm mọc hoang khắp nơi trong nước ta. Mọc nhiều nhất ở miền nam là cây tràm nước (tràm cừ) phổ biến ở các tỉnh thành có đất ngập mặn như: Kiên giang, Đồng tháp, Sóc Trăng, Cà Mau,… lá cây tràm nước cũng được dùng chiết xuất tinh dầu.

Ở phía bắc tràm mọc nhiều ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, ở vùng núi của Thái Nguyên, Vĩnh Phúc

Hiện nay ở xã Phong An, Phong Điền và Lộc Thủy, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế người dân đã tổ chức trồng tràm gió để bổ sung cho nhu cầu về nguồn nguyên liệu ngày một tăng cao.

Tràm mọc hoang còn được tìm thấy ở các nước Campuchia, Malaysia, Philippines, Indonesia, miền nam Trung Quốc… Ở Úc mọc nhiều cây tràm trà nên tràm trà còn được gọi là tràm Úc.

2.2. Thu hái và chế biến

Lá tràm và cành non được thu hái vào cuối hạ đến đầu thu, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch hằng năm. Sau đó đem phơi trong râm hoặc sấy nhẹ đến khô để bảo quản.

Tinh dầu tràm gió được chưng cất từ lá tươi của cây tràm gió bằng phương pháp cất kéo hơi nước.

3. Thành phần hóa học

Thành phần chính của lá tràm là tinh dầu khoảng 2,25 – 2,5%.

Tinh dầu tràm gió được chưng cất ra có các tinh chất chính là: Cineol (eucalyptol), α-terpineol. Tinh dầu tràm để đạt tiêu chuẩn phải có hàm lượng cineol > 40% (Theo Dược điển Việt Nam 2018).

4. Tác dụng dược lý

Theo Y học cổ truyền: Lá tràm có vị cay, tính ấm có công năng phát tán phong hàn, giảm đau, sát trùng, dùng chữa cảm mạo có sốt, đau nhức xương khớp, đau thần kinh, tiêu chảy, dùng ngoài chữa viêm da, mẩn ngứa.

Vỏ cây tràm tính bình, hiệu quả an thần, chữa chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ.

Theo Y học hiện đại: Hoạt chất Cineol và α-terpineol đều có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm và chống sung huyết.

5. Công dụng thường dùng

5.1. Cành và lá tràm

Dùng lá và cành non cây tràm, 20g/lít nước, đem hãm hoặc sắc để uống thay nước, giúp tiêu hóa tốt, chữa ho.

Ngâm rượu với tỉ lệ tràm – rượu 1:5, uống liều trung bình 2 – 5g cồn/ngày.

Kết hợp cùng những thảo dược khác để xông trị cảm lạnh.

  • Lá tràm khô 10 – 15g sắc uống, dùng để trị phong thấp, đau nhức xương khớp, đau thần kinh, tiêu chảy do viêm ruột.
  • Lá tràm tươi đem sắc lấy nước rửa hoặc làm nước tắm, dùng chữa viêm da, mẩn ngứa.

5.2. Tinh dầu tràm

Hiện nay tràm được sử dụng phổ biến dưới dạng tinh dầu, thông qua quá trình cất kéo hơi nước.

Tinh dầu tràm có đặc điểm rất khác với các loại dầu gió đó là không mang tính nóng, không bỏng rát vì vậy nên sử dụng rất tốt và phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tinh dầu tràm
Tinh dầu tràm

Loại tinh dầu này được biết đến như là một kháng sinh tự nhiên có nhiều công dụng:

  • Giữ ấm cơ thể, tránh gió, phòng ho, cảm lạnh.
  • Hỗ trợ phòng ngừa cảm cúm, sổ mũi, nghẹt mũi, cúm H5N1.
  • Tránh đầy hơi, khó tiêu.
  • Giảm sưng, ngứa do các vết côn trùng cắn, chống muỗi.
  • Giảm đau, nhức xương khớp.
  • Dùng để tắm và xông hơi.

6. Kiêng kỵ

Cành và lá tràm không nên dùng cho người cơ thể suy nhược, tân dịch khô, táo bón hoặc ho khan.

7. Lưu ý khi sử dụng Tinh dầu tràm

  • Tránh sử dụng tinh dầu tràm ở những vùng da nhạy cảm: vùng có vết thương hở, da mặt, da cổ, da đầu, vùng da gần bộ phận sinh dục…
  • Sử dụng khi cần thiết, tránh lạm dụng.
  • Liều lượng thích hợp: 4 – 5 giọt khi pha nước tắm, 3 – 4 giọt/lần xông tinh dầu, 1 – 2 giọt/lần xoa.
  • Tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.
  • Tinh dầu tràm có nhiều lợi ích nhưng mẹ chỉ nên dùng dầu tràm cho bé trong những trường hợp bé bị cảm lạnh, bị ho hoặc bị côn trùng cắn.
  • Không để tinh dầu rơi vào mắt hay để trẻ uống phải.

Tràm là một vị thuốc có nhiều tác dụng tốt, được sử dụng phổ biến trong đời sống. Tuy nhiên cũng như nhiều vị thuốc khác, trước khi sử dụng bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia về thảo dược. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*