Những năm gần đây, tỏi đen nổi lên như một “thần dược” trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý như kháng viêm, giảm hình thành khối u, giảm đường huyết… Tỏi đen có thực sự đem lại những lợi ích như vậy hay không?
Tỏi đen là gì?
Tỏi là một loại gia vị tự nhiên phổ biến. Gần đây có nhiều nghiên cứu chức năng của tỏi như một loại thực phẩm chữa bệnh. Một loạt các tác dụng điều trị của tỏi tươi đã được quan sát thấy như: tác dụng chống ung thư; kháng khuẩn, kháng virus; chống đái tháo đường, chống tăng huyết áp,; bảo vệ tim mạch, bảo vệ gan; giảm lipid huyết; tác dụng chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch.
Mặc dù tỏi có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, mức tiêu thụ tỏi trên toàn cầu đang giảm. Một số người không muốn ăn tỏi sống vì mùi và vị hăng của nó, và tỏi sống có thể gây khó chịu đường tiêu hóa ở một số người. Các nhà khoa học lĩnh vực thực phẩm đã phát triển các chế phẩm tỏi lâu năm để giảm bớt những khó chịu này.
Tỏi đen, một chế phẩm từ tỏi. Nó được biết đến như một loại thực phẩm chức năng phổ biến ở Châu Á. Tỏi đen được sản xuất điều chế ở khoảng nhiệt độ từ 40–90°C và độ ẩm tương đối là 60–90% trong 10 ngày. Trong quá trình này, các hợp chất có mùi khó chịu trong tỏi tươi được chuyển đổi tự nhiên thành các hợp chất ổn định và an toàn.
Kết quả là tỏi đen có vị chua ngọt và kết cấu giống như thạch. Quá trình gia nhiệt dẫn đến phản ứng Maillard, tạo ra màu nâu sẫm đặc trưng và tạo ra các hợp chất chống oxy hóa.
Thành phần hóa học
Nhiệt độ và thời gian ủ khác nhau tạo ra sự khác biệt về nồng độ của các thành phần hoạt tính trong tỏi đen.
Tỏi đen chứa các hợp chất hoạt tính sinh học. Chẳng hạn như phenol, flavonoid, pyruvate, thiosulfate; S-allylcysteine (SAC) và S-allyl mercapto cysteine (SAMC)… Các chất này, có nguồn gốc từ allicin, chịu trách nhiệm cho hoạt động chống oxy hóa chính.
Tác dụng dược lý
Chống oxy hóa
Hoạt động chống oxy hóa là đặc tính mạnh nhất của loại gia vị này. Tỏi đen chứa nhiều loại chất chống oxy hóa, chẳng hạn như dẫn xuất tetrahydro-β-carboline, N -fructosyl glutamate, N -fructosyl arginine, allixin, selen, N-alpha- (1- deoxy- d -fructos-1-yl) – l -arginine (Fru-Arg),… Pyruvate là phân tử chống oxy hóa chính. Nồng độ pyruvate trong tỏi đen cao hơn trong tỏi tươi.
Tỏi đen cho thấy hoạt động chống oxy hóa trong các mô hình động vật như là giảm tổn thương do tia cực tím UVB gây ra trên da chuột; giảm tổn thương gan oxy hóa mãn tính do rượu gây ra và các triệu chứng buồn nôn ở chuột; điều hòa chuyển hóa lipid ở những con chuột có chế độ ăn giàu chất béo, những con chuột bị stress.
Tác dụng kháng viêm
Một số hợp chất thể hiện tác dụng chống viêm trong tỏi đen được xác định là pyruvate, 2-linoleoyl glycerol và 5-hydroxymethylfurfural. Pyruvate có hoạt tính chống viêm cũng như hoạt động chống oxy hóa. Pyruvate làm giảm các hóa chất gây viêm trong cơ thể như nitric oxide, prostaglandin E2, các cytokine viêm.
Ngoài ra, có tác dụng chống viêm bằng cách ức chế hoạt động COX-2 và 5-lipoxygenase, các cytokine gây viêm và leukotrienes trong các tế bào.
Tuy nhiên, tác dụng chống viêm của tỏi đen thấp hơn tỏi tươi. Nói chung, hoạt động chống viêm tỷ lệ thuận với hoạt động chống oxy hóa, nhưng ở tỏi đen thì không.
Tác dụng ngăn ngừa khối u
Tỏi đen cho thấy tác dụng ngăn ngừa phụ thuộc vào liều lượng ở một số bệnh ung thư trong các thử nghiệm tế bào; ức chế sự tăng sinh tế bào và gây ra quá trình “chết theo chu trình” – apoptosis ở tế bào ung thư dạ dày người, tế bào ung thư ruột kết HT29, ung thư phổi A549, ung thư gan HepG2 và tế bào ung thư vú MCF-7,…1
Tác dụng giảm đường huyết
Tỏi đen cũng cho thấy tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường và động vật béo phì. Sử dụng nấm men (Saccharomyces cerevisiae) trong loại tỏi này làm giảm lipid máu ở chuột béo phì do đái tháo đường.
Tỏi đen làm giảm sự đề kháng insulin và mức cholesterol toàn phần và chất béo trung tính trong huyết thanh. Nó đồng thời làm tăng mức cholesterol loại tốt (HDL) ở chuột. Bổ sung tỏi đen trong 12 tuần làm giảm các thông số lipid máu ở bệnh nhân tăng cholesterol máu nhẹ.2
Tác dụng bảo vệ khác
Ở tim chuột, tỏi đen tạo ra tác dụng làm giãn động mạch vành trước và sau khi tái tưới máu. Do thiếu máu cục bộ và ngăn ngừa sự giảm co bóp cơ tim do thiếu máu cục gây ra.
Chiết xuất ethanol của loại tỏi này làm tăng trí nhớ và số lượng tế bào Purkinje ở chuột, có thể có tác dụng bảo vệ thần kinh.
Tỏi đen cho thấy tác dụng chống huyết khối đối với sự kết tập tiểu cầu do thrombin ở chuột và người.
Các tác dụng trên nhờ hoạt tính chống oxy hóa mạnh của loại gia vị này.
Hạn chế của tỏi đen
So với tỏi tươi, tác dụng của tỏi đen thấp hơn. Nồng độ đường tăng và nồng độ allicin giảm trong quá trình xử lý; nó gây ra tác dụng chống viêm thấp hơn. Bởi vì, Allicin kích hoạt kênh, thụ thể và có liên quan đến một loạt các tác dụng sinh lý kể trên.
Tuy nhiên, sử dụng tỏi đen trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề trong việc kiểm soát chảy máu trong khi phẫu thuật. Vì loại tỏi này có tác dụng chống đông máu. Các bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng đông cần lưu ý vấn đề này. Bởi vì nó có thể làm tăng thời gian chảy máu.
Cách chế biến, sử dụng
Một số cách bạn có thể sử dụng loại gia vị này như thêm vào nước tương để món xào thêm hương vị, nêm canh súp, trộn với mayonnaise, món salad, mì ống, pizza…
Các thành phần trong tỏi đen vẫn chưa được phân tích đầy đủ, do không có đủ các nghiên cứu. Các thành phần hóa học, hàm lượng thay đổi theo thời gian, nhiệt độ, áp suất. Hơn nữa, sự thay đổi của các đặc tính hóa lý và hàm lượng là kết quả của các giống tỏi khác nhau; bao gồm các yếu tố nông học, di truyền và môi trường.
Hiện nay, tỏi đen đang được “quảng cáo” với nhiều công dụng. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định tác dụng điều trị của loại tỏi này.
Để lại một phản hồi