Tô ngạnh: vị thuốc an thai đến từ cây Tía tô

Cây Tía tô ngoài việc là một loại rau quen thuộc, các bộ phận của loài cây này từ lá, quả, cành đều được dùng để làm thuốc. Lá Tía tô gọi là Tô diệp, quả là Tô tử (hay bị hiểu nhầm là hạt), cành là Tô ngạnh. Mỗi bộ phận này là có công dụng khác nhau trong điều trị. Trong bài viết này sẽ nói về vị thuốc Tô ngạnh, cùng với công dụng cũng như liều dùng của nó.

1. Mô tả dược liệu

1.1. Cây Tía tô

Tía tô có tên khoa học Perilla frutescens (L.) Britt, thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).

Tía tô là một loại cỏ mọc hằng năm, thân thẳng đứng có lông. Lá mọc đối, hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa to; phiến lá dài 4 – 12cm rộng 2,5 – 10cm, màu tím hoặc xanh tím, trên có lông màu tím.

Hoa nhỏ, màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành từng chùm ở kẽ lá hay đầu cành, chùm dài 6 – 20cm.

Cây tía tô
Cây tía tô

Tía tô được trồng ở khắp nơi ở Việt Nam để lấy lá ăn làm gia vị và làm thuốc. Trồng bằng hạt, chọn ở những cây to khoẻ, không có sâu bệnh. Thời kỳ gieo hạt tốt nhất là sau lập xuân vào tháng 1 – 2 dương lịch.

1.2. Dược liệu Tô ngạnh

Tô ngạnh tên khoa học là Caulis Perillae frutescensis. Là thân cành đã phơi hay sấy khô của cây Tía tô.

Dược liệu hình tại vuông, bốn góc tù. dài ngắn không đều nhau, đường kính 0,5 cm đến 1,5 cm. Mặt ngoài màu nâu hơi tía hoặc tía thẫm, bốn mặt có rãnh và vân dọc nhỏ. Mùi thơm nhẹ, vị nhạt.

Tô ngạnh - Cành của cây Tía tô phơi khô
Tô ngạnh – Cành của cây Tía tô phơi khô

2. Thu hái và bào chế 

2.1. Thu hái

Mùa thu, sau khi quả chín, cắt phần trên mặt đất, bỏ cành con và lá, loại bỏ tạp chất, phơi khô.

2.2. Bào chế

Thân Tía tô khô chưa thái, loại bỏ tạp chất. Nhúng vào nước, vớt ra, ủ mềm, thái khúc hoặc phiến dày, phơi khô.

3. Thành phần hoá học

Cho đến nay, 271 phân tử tự nhiên đã được xác định ở tía tô, bao gồm axit phenolic, flavonoid, tinh dầu, triterpen, carotenoids, phytosterol, axit béo, tocopherols và policosanols. Ngoài ra, các hợp chất riêng lẻ như axit rosmarinic, perillaldehyd, luteolin, apigenin, axit tormentic và isoegomaketone đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về tính chất dược lý của nó.

Chất perillaldehyd có mùi thơm đặc biệt của tía tô, chất perillaldehyd antioxim ngọt gấp 2.000 lần đường, khó tan trong nước, đun nóng sẽ phân giải, có độc, cho nên không dùng làm chất điều vị được, nhưng có người dùng làm ngọt thuốc lá.

4. Tác dụng dược lý

  • Chiết xuất nước từ thân và lá tía tô làm tăng tỉ lệ tiếp nhận của nội mạc tử cung mặc dù biểu hiện phụ thuộc yếu tố ức chế bệnh bạch cầu. Do tầm quan trọng của khả năng thụ thai nội mạc tử cung trong một thai kỳ thành công, chiết xuất nước từ thân và lá tía tô có thể là một ứng cử viên mới và hiệu quả để cải thiện tỷ lệ mang thai.
  • Chiết xuất từ thân cây tía tô có thể đóng một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường thông qua việc ức chế mức độ của một phần trong con đường truyền tín hiệu insulin.

5. Công dụng, liều dùng

5.1. Công dụng

Cây tía tô thường được dùng để trị cảm, tuy nhiên, bộ phận dùng chủ yếu là lá Tía tô. Cành Tía tô không có tác dụng giải cảm này, chỉ có tác dụng trị đau thượng vị, ợ hơi, buồn nôn, nôn mửa, động thai.

5.2. Liều dùng

Ngày dùng từ 5g đến 9g, dạng thuốc sắc.

6. Đơn thuốc kinh nghiệm

Trị phụ nữ có mang thai bị động thai đau bụng, đau lưng ngực, buồn nôn. Dùng bài Tử tô ẩm: Tô ngạnh 8g, Đương qui 12g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 8g, Đảng sâm 12g, Trần bì 8g, Đại phúc bì 8g, Cam thảo 4g, Sinh khương 8g, sắc nước uống.

Tóm lại, Tô ngạnh có tác dụng an thai, trị buồn nôn, nôn mửa.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*