Tim sen (tâm sen): dược liệu quý đối với sức khỏe

Sen từ lâu đã được biết đến là quốc hoa của Việt Nam. Nó quý không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn bởi công dụng tuyệt vời từ các bộ phận của cây. Trong đó, tim sen được xem là vị thuốc quý trong tự nhiên. Dược liệu này thường dùng để hãm trà uống giúp ngủ ngon, thư giãn tinh thần. 

Giới thiệu chung

Tim sen hay còn gọi là tâm sen. Trong Đông y, tim sen là vị thuốc quen thuộc với tên gọi là Liên tâm.

Tim sen có tên khoa học là Embryo Nelumbinis hoặc Plumula Nelumbinis. Đây là chồi mầm được phơi hay sấy khô của cây sen. (Tên khoa học Nelumbo nucifera, Họ Sen súng Nelumbonaceae).

Mô tả cây

Cây thảo, sống ở nước. Thân rễ mập, mọc bò dài trong bùn gọi là ngó sen hay ngẫu tiết, ăn được.

Lá (liên diệp) hình tròn, mọc lên khỏi mặt nước.

Hoa to, mọc riêng lẻ trên cuống dài và thẳng, màu hồng, hồng đỏ hoặc trắng. Nhị nhiều, màu vàng. Bộ nhụy gồm nhiều lá noãn rời nằm trên một đế hoa hình nón ngược (gương sen).

Quả (gọi là hạt sen) chứa một hạt (liên nhục). Hai lá mầm dày, chồi mầm (liên tâm) gồm 4 lá non gập vào phía trong.

Hình ảnh tâm sen
Hình ảnh tim sen (tâm sen)

Phân bố, thu hái

Sen được trồng ở nhiều nơi trong nước ta, đặc biệt ở vùng Đồng Tháp Mười. Đây là cây ưa khí hậu nóng ẩm của vùng nhiệt đới. Khi đưa sen lên trồng ở vùng núi cao Sapa (trên 1500 m) thì thấy cây sinh trưởng, phát triển kém hoặc chết. Mùa thu hái sen thường vào các tháng 7- 9.

Việt Nam là nước có sản lượng sen lớn. Hàng năm cung cấp từ vài trăm tấn đến 1000 tấn hạt sen cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cách bào chế

Hạt sen sau khi thu hoạch, bóc tách lấy chồi mầm màu xanh bên trong (tim sen). Sau đó, phơi khô hoặc sấy khô trước khi dùng. Tùy mục đích, có thể được sao vàng hoặc chế với các dược liệu khác để làm tăng tác dụng điều trị.

Thành phần hóa học

Tim sen chứa:

  • Alcaloid tỷ lệ 0,85- 0,96% trong đó nelumbin là hoạt chất chủ yếu quyết định vị đắng.
  • Ngoài ra có asparagin, flavonoid, sterol, polysaccharid và tinh dầu dễ bay hơi.

Tác dụng của tim sen

1. Theo Y học hiện đại

Dược liệu này có nhiều tác dụng dược lý đã được nghiên cứu. Trong đó là tác dụng nổi bật trên hệ tim mach, thần kinh, đặc tính kháng khối u.

Tác dụng hỗ trơ hệ tim mạch của tim sen

Liensinin, isoliensinin và senin- các alcaloid chiết từ tim sen có tác dụng hạ áp. Thông qua làm giãn cơ trơn mạch máu và kiểm soát thụ thể kênh canxi. Đặc tính này tương tự với cơ chế của các thuốc hạ áp hiện nay. Ngoài ra, liensinin còn cho thấy tác dụng chống loạn nhịp tim.

ổn định huyết áp và nhịp tim với liều lượng thích hợp.
Tâm sen giúp ổn định huyết áp và nhịp tim với liều lượng thích hợp

Ngoài việc kiểm soát huyết áp, các hoạt chất trong dược liệu này còn có khả năng ức chế kết tập tiểu cầu, giúp làm tan huyết khối trong lòng mạch. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng cùng với các thuốc chống kết tập tiểu cầu vì nguy cơ chảy máu đáng kể. Điều này hứa hẹn những lợi ích khả quan cho các bệnh nhân có vấn đề về tim mạch trong tương lai.

Tim sen giúp điều hòa hệ thần kinh

Hiện nay, các vấn đề về rối loạn thần kinh như: trầm cảm, lo âu, mất ngủ…đang xảy ra ở mức báo động và là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng sống của con người.

Các nghiên cứu đã chứng minh, chiết xuất alcaloid từ liên tâm giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm thông qua ức chế quá trình viêm thần kinh. Ngoài ra, còn chống lo âu nhờ vào tăng cường chất dẫn truyền thần kinh như GABA. Nelumbin, thành phần tạo ra vị đắng cho liên tâm còn thể hiện tác dụng an thần, giúp ngủ ngon.

 
Cải thiện giấc ngủ
Tim sen giúp cải thiện giấc ngủ ở người lớn tuổi

Tác dụng kháng khối u của tim sen

Các alcaloid như: isoliensinin, liensinin… tìm thấy trong tim sen có khả năng làm chậm sự phát triển của khối u.  Các hoạt chất này có khả năng ức chế tăng sinh, di cư, bám dính, xâm lấn của khối u. Ngoài ra, còn làm tế bào ung thư chết theo chu trình. Đây là một tín hiệu khả quan, tuy nhiên cần có thêm nhiều các nghiên cứu lâm sàng để khẳng định tác dụng này.

Ngoài các tác dụng kể trên, tim sen còn: ức chế sự phát triển của vi khuẩn, chống oxy hóa, kháng viêm, điều chình nồng độ đường và lipid máu.

2. Theo Y học cổ truyền

Tim sen có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh Tâm. Có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng tâm an thần. Chủ trị các bệnh:

  • Tâm phiền (tức ngực, hồi hộp, lo sợ, hâm hấp sốt khó chịu), mất ngủ.
  • Trị nôn mửa có máu.
  • Di tinh, mộng tinh.

Ngày dùng 2 -4 gram dạng thuốc sắc, hãm hoặc hoàn, tán. Thường phối hợp tim sen với các vị thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị

Các bài thuốc từ tim sen

1. Bài thuốc giúp an thần, trị mất ngủ

Nguyên liệu: Tim sen 5g, lá vông 20g, Táo nhân 10g, Hoa nhài tươi 10g.

Chế biến:

Tim sen sao thơm. Táo nhân sao đen, đập dập. Lá vông sấy khô, tán bột.

Đem trộn các dược liệu lại, hãm với 1 lít nước, cho hoa nhài vào khi nước thuốc còn ấm.

Cách sử dụng: uống làm nhiều lần trong ngày để phát huy tác dụng tốt.

2. Bài thuốc hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim

Nguyên liệu: Liên tâm 3g cho vào cốc, đổ nước sôi hãm 10 – 15 phút.

Cách sử dụng: Ngày uống 1 – 2 lần giúp hỗ trợ điều trị các vấn đề về tim mạch, huyết áp.

3. Bài thuốc hỗ trợ điều hòa đường huyết

Nguyên liệu: Liên tâm 8g; Thạch cao 20g, Sa sâm – Thiên môn, Mạch môn, Hoài sơn, Bạch biển đậu – Ý dĩ mỗi vị 12g.

Cách sử dụng: sắc uống ngày 1 thang.

Lưu ý khi dùng

Trong dân gian, tim sen thường được sử dụng để pha trà và không có tác dụng phụ nào được báo cáo. Tuy nhiên, do chứa hàm lượng alcaloid cao nên dược lực mạnh, có khả năng gây độc tính trên tim. Do đó, cần chú ý liều dùng và không nên dùng kéo dài. Ngoài ra, nếu sử dụng tim sen lâu dài có thể làm giảm ham muốn tình dục.

 
Trà tâm sen tuy phổ biến nhưng bạn cũng nên chú ý tác dụng phụ
Trà tâm sen tuy phổ biến nhưng bạn cũng nên chú ý tác dụng phụ

Những lưu ý khi dùng:

  • Không uống trà khi bụng đói.
  • Không dùng tim sen ẩm mốc để pha trà.
  • Không dùng cho: trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hay cho con bú, rối loạn kinh nguyệt…

Tim sen là loại dược liệu quý bởi những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, nhất là trong việc điều trị mất ngủ. Tuy nhiên, việc lạm dụng kéo dài có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như: mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, lo âu… Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng để tránh tác dụng phụ của các loại dược liệu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*