Tìm hiểu về kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là gì?

1. Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là cho trứng và tinh trùng gặp nhau bên ngoài cơ thể. Với qui luật tự nhiên, chỉ có một tinh trùng chui được vào trứng và thụ tinh thành phôi. Tiến trình này được diễn ra trong phòng nuôi cấy. Sau khi thụ tinh, phôi được nuôi phát triển trong một thời gian ngắn sau đó được chuyển vào buồng tử cung. Bệnh nhân được thử máu 2 tuần sau khi đặt phôi vào để xác định có thai hay không.

2. Đối tượng cần làm thụ tinh ống nghiệm

– Tắc hai vòi trứng.

– Lạc nội mạc tử cung.

– Xin trứng.

– Hiếm muộn không rõ nguyên nhân, bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần nhưng thất bại.

– Tinh trùng ít, yếu, xuất tinh ngược hoặc không xuất tinh.

– Không tinh trùng trong tinh dịch (lấy tinh trùng bằng phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn).

– Đứt niệu đạo sau do di chứng vỡ xương chậu.

3. Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm

Bước 1: Chuẩn bị

Khởi đầu bằng thuốc ngừa thai uống.

Một số bệnh nhân sẽ được dùng thuốc ngừa thai uống một tháng trước khi vào chu kỳ chích thuốc kích thích buồng trứng. Điều này để đảm bảo sử dụng thuốc GnRH đồng vận đúng thời điểm nếu bệnh nhân có chu kỳ kinh không đều. Cũng có bằng chứng cho thấy thuốc ngừa thai uống có thể ngăn ngừa nang buồng trứng thỉnh thoảng có thể phát triển trong giai đoạn dùng thuốc GnRH đồng vận. Progesterone có thể được chỉ định dùng cho bệnh nhân vòng kinh không đều hoặc bình thường.

Ngăn ngừa đỉnh LH

Có hai cách cơ bản để ngăn ngừa trứng rụng sớm trước khi chọc hút trứng. Cách thứ nhất là dùng GnRH đồng vận (Diphereline) trước khi vào chu kỳ kích thích buồng trứng. Cách thứ hai thì dùng thuốc GnRH đối vận (Cetrotide, Orgalutran) bắt đầu sau sáu hay bảy ngày kích thích buồng trứng.

Siêu âm kiểm tra vùng chậu

Bác sĩ sĩ siêu âm kiểm tra hai buồng trứng. Nếu phát hiện có nang tồn dư sẽ trì hoãn dùng phác đồ, dùng thuốc tránh thai và hẹn siêu âm lại chu kỳ sau. Một số ít trường hợp cần phải chọc hút nang. Thủ thuật này sẽ được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ dùng một kim dài có gắn xy lanh chọc hút hết dịch nang.

Bước 2: Kích thích buồng trứng

Với phác đồ dài, bắt đầu tiêm thuốc GnRH từ ngày 21 của chu kỳ trước. Với phác đồ ngắn bắt đầu kích thích buồng trứng khi đang hành kinh. Một số thuốc thường dùng để kích thích buồng trứng là: Menogon, Menopur, Foligraf, IVF-M, Gonal-f, Puregon… Và có dùng thêm thuốc ngăn ngừa rụng trứng sớm là nhóm GnRH đối vận (Cetrotide, Orgalutran). Có thể kết hợp khởi động rụng trứng bằng GnRH đồng vận (Diphereline), dùng thuốc này nhằm giảm bớt tình trạng quá kích buồng trứng nặng. Hiện có nhiều phác đồ kích thích buồng trứng, mỗi phác đồ dựa vào một cơ chế sinh lý khác nhau dù cùng sử dụng một loại thuốc kể trên, có nhóm bệnh nhân đáp ứng với phác đồ này tốt hơn so với phác đồ khác. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng khi thay đổi phác đồ này sang phác đồ khác thì sẽ thay đổi từ đáp ứng kém sang đáp ứng tốt.

Bước 3: Theo dõi sự phát triển của nang noãn

Sự phát triển của nang noãn sẽ được đánh giá bằng cách siêu âm đường âm đạo và xét nghiệm nội tiết tố trong máu. Những khảo sát này sẽ được thực hiện nhiều lần trong chu kỳ TTTON, và dựa vào kết quả này bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc phù hợp với sự phát triển của nang noãn.

Bước 4: Trưởng thành noãn hoàn toàn và tiêm hCG

Human chorionic gonadotropin (hCG) (Pregnyl, IVF-C, Ovitrell) là một loại thuốc nội tiết kích thích noãn trưởng thành hoàn toàn. Xác định ngày tiêm hCG thích hợp rất quan trọng. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch vì thời điểm tiêm thuốc sẽ xác định thời gian chọc hút trứng. Trong phác đồ sử dụng GnRH đối vận có thể tiêm GnRH đồng vận để kích thích trưởng thành cuối cùng của nang noãn.

Bước 5: Chọc hút trứng qua ngã âm đạo

– Trứng sẽ được hút từ buồng trứng bằng kim dưới hướng dẫn của siêu âm.

– Gây mê sẽ giúp bệnh nhân bớt đau và thoải mái.

– Tổn thương mô và nhiễm trùng rất hiếm xảy ra.

Chọc hút trứng được thực hiện khoảng 34-36 giờ sau khi tiêm hCG. Bác sĩ gây mê sẽ tiêm thuốc tĩnh mạch (giảm đau và gây mê) để giảm bớt sự khó chịu xảy ra trong quá trình thực hiện thủ thuật. Hầu hết các bệnh nhân ngủ suốt quá trình thực hiện. Đầu dò siêu âm đường âm đạo dùng để quan sát buồng trứng và các nang noãn trong buồng trứng. Một kim dài có thể quan sát trên siêu âm sẽ hút dịch từng nang. Dịch hút được gồm có dịch nang, tế bào nang và trứng. Bác sĩ sẽ hút trứng và dịch nang vào trong một ống nghiệm và nhân viên phôi học sẽ tìm tìm trứng trong dịch nang dưới kính hiển vi.

Sau chọc hút có một số ít trường hợp xuất hiện ít huyết âm đạo và căng tức bụng vài ngày sau. Thông thường, bệnh nhân sẽ hồi phục bình thường trong 1-2 ngày. Nếu bệnh nhân căng tức bụng, chướng bụng, nôn và buồn nôn, đái ít…. cần thông báo cho bác sỹ.

Số lượng trứng chọc hút liên quan tới số lượng buồng trứng, vị trí buồng trứng có thể chọc hút và số lượng nang noãn phát triển khi kích thích buồng trứng. Trung bình mỗi bệnh nhân chọc hút được 8 đến 15 trứng.

Bước 6: Thụ tinh cho trứng và nuôi phôi

– Tinh trùng và trứng sẽ được đặt chung với nhau trong điều kiện đặc biệt (môi trường nuôi cấy, điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng) để thụ tinh.

– Môi trường nuôi cấy được tạo giúp thụ tinh bình thường và phôi phát triển trong giai đoạn sớm.

– Nhờ nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm mà người ta nhận biết được phôi nào phát triển tốt, phôi phát triển kém hoặc không phát triển.

Tinh trùng sẽ được lấy bằng cách thủ dâm vào buổi sáng ngày chọc hút, và tinh trùng sẽ được tách khỏi tinh dịch. Nếu bệnh nhân có khó khăn về việc lấy tinh trùng, anh ta có thể lựa chọn gửi đông tinh trùng trước đó xem như mẫu dự phòng và đôi khi đây là nguồn tinh trùng chính yếu.

Sau khi trứng được chọc hút, trứng được chuyển qua phòng thí nghiệm để được giữ trong điều kiện có thể duy trì sự phát triển. Phôi được hỗ trợ phát triển trong đĩa hoặc ống nghiệm nhỏ có môi trường nuôi cấy giống như ở ống dẫn trứng và tử cung. Những đĩa chứa phôi này sẽ được đưa vào trong tủ cấy để đảm bảo nhiệt độ và nồng độ các loại khí như O2, CO2,…

Vài giờ sau khi trứng được hút ra, tinh trùng sẽ được đưa vào môi trường có trứng (IVF), hoặc đưa một con tinh trùng vào trong trứng trưởng thành gọi là kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng (ICSI). Và trứng được nuôi tiếp trong tủ cấy. Những đĩa nuôi cấy này sẽ được khảo sát định kỳ đễ đánh giá sự phát triển của phôi.

Những ngày sau IVF hoặc ICSI, phôi sẽ được kiểm tra các đặc điểm trong quá trình phát triển. Vào ngày một, phôi phát triển bình thường có đặc điểm là một tế bào có hai nhân; giai đoạn này gọi là hợp tử. Hai ngày sau IVF/ICSI, phôi phân chia thành 4 tế bào. Và ngày thứ ba, phôi chứa 8 tế bào. Nếu nuôi đến ngày năm, phôi sẽ phát triển đến giai đoạn blastocyst (túi phôi) có từ 80 tế bào trở lên, có một khoang dịch và một khối tế bào bên trong.

Một điều quan trọng cần lưu ý: bởi vì sẽ có một số trứng và phôi bất thường, nên đừng nghĩ rằng tất cả trứng sẽ thụ tinh và tất cả phôi sẽ phát triển bình thường. Cơ hội của phôi tạo thành thai liên quan tới sự phát triển bình thường của phôi, nhưng điều này không chắc chắn. Bởi vì, không phải tất cả phôi quan sát thấy phát triển bình thường cũng có bộ gen bình thường, và cũng không phải tất cả phôi phát triển chậm sẽ có bộ gen bất thường. Tuy nhiên, hình thái quan sát được dưới kinh hiển vi là hướng dẫn hữu ích và phổ biến để chọn lựa những phôi tốt chuyển vào buồng tử cung.

Mặc dù tất cả các bước đều làm tốt, nhưng có một số tình huống xảy ra trong phòng thí nghiệm làm không có thai:

– Trứng không thụ tinh.

– Một hoặc nhiều trứng thụ tinh bất thường, làm thay đổi bộ nhiễm sắc thể của phôi.

– Trứng thụ tinh có thể thoái hoá trước khi phân chia thành phôi, hoặc phôi phát triển không trọn vẹn.

– Nhiễm khuẩn hoặc sự cố trong phòng thí nghiệm có thể làm mất phôi hoặc làm hỏng một số hoặc tất cả trứng hay phôi.

– Thiết bị trong phòng thí nghiệm có thể bị hư, và hoặc mất điện kéo dài có thể xảy ra, điều này có thể phá huỷ trứng, tinh trùng và phôi.

– Những tình huống bất ngờ khác có thể ảnh hưởng bất kỳ giai đoạn nào hoặc làm trở ngại sự hình thành thai.

Bước 7: Chuyển phôi

– 2-3 ngày sau chọc hút trứng, những phôi đẹp sẽ được lựa chọn để chuyển.

– Số lượng phôi chuyển ảnh hưởng tỉ lệ có thai và tỉ lệ đa thai.

– Tuổi người mẹ và hình thái của phôi ảnh hưởng nhiều nhất lên kết quả có thai.

– Những phôi không chuyển còn lại nếu đủ chất lượng sẽ được đông lạnh và có thể chuyển vào những chu kỳ kế tiếp.

Phôi thường được chuyển vào ngày 3 hoặc ngày 5 sau chọc hút trứng. Bác sĩ sẽ đưa một ống mềm qua cổ tử cung vào trong tử cung và đặt phôi trong lòng tử cung. Trong suốt quá trình này thường không cần phải gây mê, và bệnh nhân sẽ xuất viện sau khi nằm nghỉ vài giờ.

Bước 8: Bổ sung nội tiết tố

– Phôi có thể làm tổ thành công trong buồng tử cung tuỳ thuộc vào sự hỗ trợ nội tiết tố đầy đủ.

– Progesterone được dùng thường quy vì lý do này.

Bổ sung progesterone có thể bằng thuốc uống, thuốc tiêm hoặc đặt âm đạo và trong một số trường hợp phải phối hợp nhiều cách. Bắt đầu bổ sung thuốc vào ngày chọc hút. Thông thường các tế bào trong nang trứng sẽ sản xuất progesterone sau chọc hút. Khi chọc hút các tế bào này có thể bị lấy đi cùng với trứng. Bổ sung progesterone sẽ giúp nội mạc chuẩn bị tốt để đón nhận phôi làm tổ.

Thuốc được sử dụng mỗi ngày cho đến ngày thực hiện xét nghiệm βhCG. Nếu xét nghiệm có thai sẽ phải dùng liên tục progesterone thêm vài tuần.

Bước 9: Thử thai

Cần phải làm xét nghiệm thử thai cho dù có ra huyết âm đạo nhiều hay ít. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán xác định có thai và được thực hiện 10-14 ngày sau chuyển phôi. Có thể làm lại xét nghiệm sau hai ngày nếu kết quả dương tính. Nếu xét nghiệm âm tính, bác sĩ sẽ hướng dẫn ngừng thuốc progesterone.

Bước 10: Theo dõi thai giai đoạn sớm

Theo dõi sát thai kỳ là cần thiết nhằm xác định có sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung hoặc tình trạng đa thai để có điều trị thích hợp. Dùng nội tiết Progesterone hỗ trợ hoàng thể thai nghén.

Các thông tin cần biết

– Tỉ lệ thành công có thai lâm sàng là 28 – 30% mỗi chu kỳ điều trị.

– Tỉ lệ có thai từ chuyển phôi trữ là 35 – 38%.

– Tỉ lệ có thai ở phụ nữ độ tuổi dưới 35 cao hơn sau 35 tuổi. Tuy nhiên cơ hội thành công của bạn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

4. Cách chăm sóc bà mẹ sau khi thụ tinh ống nghiệm

Cách chăm sóc cho bà mẹ sau khi thụ tinh ống nghiệm

Tương tự như người có thai bình thường, người mẹ cần tuân thủ tốt, nghiêm túc lịch khám thai, lịch hẹn với bác sĩ để theo dõi tốt nhất sức khỏe của bản thân, của thai nhi. Đảm bảo một điều rằng nếu có bất cứ điều gì bất thường, bác sĩ sẽ phát hiện và can thiệp kịp thời.

Tuân thủ lịch khám thai

– 3 tháng đầu (tính từ ngày đầu kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày): chị em cần khám lần đầu sau trễ kinh 2 hoặc 3 tuần. Khám lần 2, lúc thai được 11 – 13 tuần 6 ngày để đo độ mờ da gáy. Khám phụ khoa ít nhất 1 lần.

– 3 tháng giữa (tính từ tuần 14 đến tuần 28 tuần 6 ngày): chị em cần khám mỗi tháng một lần.

– 3 tháng cuối (tính từ tuần 29 đến tuần 40): tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể: tuần 29 – 32: khám 1 lần, tuần 33 – 35: 2 tuần khám 1 lần, tuần 36 -40: 1 tuần khám 1 lần.

Chú ý: Lịch khám thai sẽ thay đổi khi có dấu hiệu bất thường xảy ra (đau bụng, ra nước, ra huyết…)

Bổ sung vitamin đều đặn theo chỉ định

– Bổ sung sắt, canxi và các vi chất quan trọng khác trong thai kỳ: Cung cấp sắt và acid folic suốt thai kì. Cụ thể, sắt 30-60mg/ngày uống lúc đói bụng, Acid folic 400mcg-1000mcg/ngày, canxi 1000mg-1500mg/ngày.

Tham gia đầy đủ những xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ

– 3 tháng đầu: Bà bầu cần tham gia những xét nghiệm sau: Xét nghiệm máu (Huyết đồ, HBsAg, HIV, giang mai, đường huyết lúc đói); Nhóm máu RH, Rubella: IgM, IgG (tiền sử sảy thai liên tiếp thử thêm: CMV, toxoplasmosis); Double text: đo độ mờ da gáy (thai 12 tuần); Nước tiểu với 10 thông số; Siêu âm đủ để xác định tuổi thai, tình trạng thai: thai trứng, đa thai, dọa sảy, thai lưu, siêu âm đo độ mờ da gáy; Khám các chuyên khoa khác: răng hàm mặt, tim mạch tìm các bệnh mạn tính.

– 3 tháng giữa: Nghiệm pháp dung nạp đường huyết ở tuổi thai tuần 24 đến 28 tuần tầm soát đái tháo đường thai kì (chỉ định: béo phì, tăng cân nhanh, tiền sử gia đình đái tháo đường, tiền sử bản thân: sinh con to, thai dị tật, thai lưu lớn không rõ nguyên nhân, đường huyết lúc đói > 105mg/dL); xét nghiệm Triple test, tổng phân tích nước tiểu; tiêm phòng uốn ván tuần thứ 26 mũi 1, tuần 30 mũi 2.

– 3 tháng cuối: Bà bầu cần làm tổng phân tích nước tiểu; siêu âm đủ.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

– Thai phụ cần ăn đủ chất, đa dạng, đủ 4 nhóm dinh dưỡng. Bà bầu cần tăng trung bình 9 -12kg trong suốt quá trình mang thai. Thai phụ ăn đủ chất, khoảng 300kcal/ngày.

Quan hệ tình dục cũng như phụ nữ có thai bình thường: quan hệ không thô bạo.

Nguồn: Thạc sĩ Võ Văn Khoa – BV Đại học Y dược Huế

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*