Tiểu hồi: Vị thuốc giúp cho đường tiêu hóa

Tiểu hồi hay còn gọi là Hồi hương, là một vị thuốc khá phổ biến trong các đơn thuốc Y học cổ truyền chữa các chứng đau bụng, đầy bụng, ăn khó tiêu… 

1. Đặc điểm của Tiểu hồi

Tiểu hồi (Fructus Foeniculi) là quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Tiểu hồi (Foeniculum vulgare Mill.), họ Hoa tán (Apiaceac).

Đây là cây thân thảo, sống hằng năm hoặc 2 năm, cao khoảng 1m. Thân hình trụ rỗng, có rãnh dọc. Lá mọc so le xẻ rất sâu tới tận gân lá. Hoa nhỏ, mọc thành cụm, màu vàng.

Quả nhỏ như hạt thóc, mặt ngoài màu xanh hơi vàng hoặc vàng nhạt, hơi thuôn về phía 2 đầu, có khía dọc và có mùi đặc trưng.

Quả của cây Tiểu hồi
Quả của cây Tiểu hồi

2. Phân bố, thu hái, chế biến

Tiểu hồi ưa khí hậu mát mẻ, được trồng nhiều ở Ấn Độ (50%), sau đó là Trung Quốc, Ai Cập. Ở Việt Nam, cây được trồng ở các tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng với diện tích còn hạn chế, chỉ ở mức thử nghiệm, chủ yếu phải nhập.

Người ta thu hái vào cuối năm khi quả gần chín. Nếu để quá già, vỏ quả chuyển sang màu vàng, lúc này rất dễ rụng.

Sau khi hái về đem phơi khô ngay rồi bảo quản. Tùy vào mục đích sử dụng mà có thể chế biến theo những cách sao, tẩm muối hoặc chích muối.

Hoa Tiểu hồi có màu vàng rực rỡ
Hoa có màu vàng rực rỡ

3. Thành phần hóa học

Thành phần chính trong tiểu hồi là tinh dầu. Đây là chất lỏng không màu hay màu vàng nhạt. Tinh dầu chứa chủ yếu Anethol với hàm lượng lên đến 50 – 60%.

4. Công dụng thường dùng

Theo Đông y, tiểu hồi vị cay, tính ấm, mùi thơm.

Tiểu hồi có tác dụng trừ hàn, giảm đau, hỗ trợ chức năng tiêu hóa, tiêu thực, cầm nôn. Ngườ ta thường dùng để chữa các chứng đầy bụng, ăn không tiêu, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau lưng do chức năng thận suy giảm, ngộ độc thức ăn.

  • Ở Trung Quốc, khi dùng người ta chế với muối để trị thoát vị bìu, đau bụng kinh.
  • Ở Ấn Độ, cây được dùng làm thuốc cho trẻ nhỏ. Tinh dầu Tiểu hồi có tác dụng gây trung tiện nhẹ, chữa đau bụng và đầy hơi cho trẻ nhỏ. Đây cũng là thuốc trị giun móc, giun đũa tốt.
  • Ở Indonesia, nước sắc Tiểu hồi là một thành phần trong phức hợp thuốc trị lao phổi. Còn có thể dùng để bôi chữa bệnh phong.

Ngoài ra, nó cũng là một loại gia vị dùng trong các món ăn của người Trung Hoa hoặc có thể pha trà uống. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm Thảo quả: Vị thuốc có công dụng trị hôi miệng, Đinh hương: công dụng trị nấc lâu đời.

Tinh dầu Hồi hương chữa được nhiều bệnh
Tinh dầu Hồi hương chữa được nhiều bệnh

5. Tác dụng dược lý của Tiểu hồi

5.1. Tác động đến hệ tiêu hóa

Tinh dầu Hồi hương có tác dụng tăng nhu động ruột và tăng tiết dịch của dạ dày và ruột, kích thích trung tiện lúc đầy bụng.

Một số nghiên cứu nói rằng nó còn có tác dụng chống co thắt, góp phần cải thiện đáng kể các triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích (IBS) như đau bụng hoặc khó chịu bụng, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón…

Ngoài ra, tinh dầu Hồi hương còn có khả năng chống loét dạ dày nhẹ.

5.2. Kháng viêm, giảm đau, chống oxy hóa

Trong nhiều trường hợp, viêm là một phản ứng bình thường của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước các chấn thương, nhiễm trùng. Tuy nhiên tình trạng viêm kéo dài có thể là nguyên nhân của các bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường…

Dùng đường uống chiết xuất từ ​​Tiểu hồi cho thấy tác dụng ức chế các phản ứng viêm cấp tính và bán cấp, chống dị ứng và giảm đau. Những kết quả này hỗ trợ việc sử dụng chiết xuất methanolic của Tiểu hồi trong việc làm giảm viêm.

5.3. Hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm

Nghiên cứu ống nghiệm cho thấy Tiểu hồi và những hợp chất của nó có các đặc tính kháng khuẩn chống lại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn gram âm và gram dương.

Ngoài ra, người ta còn thấy nó có hiệu quả kháng nấm cao hơn so với Clotrimazole diệt nấm thương mại.

5.4. Giảm triệu chứng tiền mãn kinh

Theo kết quả của một số nghiên cứu, Tiểu hồi đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm các triệu chứng của “cơn bốc hỏa”, âm đạo khô, khó thở, liên quan đến chức năng tình dục, thỏa mãn tình dục và rối loạn giấc ngủ.

6. Một số bài thuốc kinh nghiệm

6.1. Chữa ăn không tiêu, đầy bụng khó thở, hen

Quả Tiểu hồi, hạt Cải trắng, hạt Củ cải, hạt Tía tô lượng bằng nhau. Tán nhỏ, uống mỗi lần 1g, ngày 3 lần. Dùng ngoài thì lấy bột này chưng nóng với rượu, gói vải xoa chườm ngực, bụng.

6.2. Ôn ấm cơ thể, thích hợp trong những ngày giá rét

Trà Tiểu hồi: Tiểu hồi 10g, Đường đỏ lượng vừa đủ. Tiểu hồi rửa sạch, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được. Khi dùng chế thêm đường đỏ với lượng thích hợp, uống thay trà trong ngày.

Trà Tiểu hồi giúp làm ấm cơ thể
Trà Tiểu hồi giúp làm ấm cơ thể

6.3. Chữa đau lưng do thận suy kém

Quả Tiểu hồi tán bột 4g, cho vào bầu dục lợn (1 cái) rồi nướng. Ăn trong ngày, liên tục 7 ngày.

6.4. Bổ thận, tráng dương

Tiểu hồi 8g, cật dê hai quả, Đậu đen 100g, Đỗ trọng 15g, gia vị vừa đủ. Cách làm:

  • Cật dê rửa sạch, xắt từng miếng nhỏ.
  • Tiểu hồi, Đậu đen, Đỗ trọng rửa sạch, để ráo, cho vào túi vải gạc.
  • Bỏ tất cả vào nồi, thêm lượng nước vừa đủ, nấu 30 – 60 phút, thêm gia vị cho vừa ăn.

Bài thuốc này rất tốt cho những người đau lưng, lạnh tay chân, chân gối mỏi, sinh hoạt tình dục yếu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*