Tang bạch bì: Vị thuốc từ vỏ rễ cây Dâu tằm

Vị thuốc Tang bạch bì là vỏ rễ của cây Dâu tằm (Morus alba L.) đã được phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có vị ngọt, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt ở phế, bình suyễn, lợi tiểu và giảm phù. 

1. Đặc điểm Tang bạch bì

1.1. Danh pháp

Tên gọi khác: Vỏ rễ cây Dâu.

Tên khoa học: Cortex Mori radicis.

Thuộc họ: Dâu tằm (Moraceae).

1.2. Mô tả cây 

Cây gỗ nhỏ, cao trung bình 2 – 3 m, có thể cao tới 15 m. Lá mọc so le, phiến lá hình bầu dục, nguyên hoặc chia thành 3 thùy, có lá kèm, đầu lá nhọn hoặc hơi tù, phía cuống hơi tròn hoặc hơi bằng, mép có răng cưa to. Từ cuống lá tỏa ra 3 gân rõ rệt.

Hoa đơn tính, khác gốc, hoa đực mọc thành bông, có lá đài, 4 nhị (có khi 3). Hoa cái cũng mọc thành bông hay thành khối hình cầu, có 4 lá đài. Quả bế bao bọc trong các lá đài, màu đỏ, sau đen sẫm, ăn được, còn dùng làm thuốc hoặc ngâm rượu.

Cây Dâu tằm
Cây Dâu tằm

1.3. Phân bố

Cây Dâu tằm có nguồn gốc Trung Quốc, đã được di thực vào Việt Nam từ lâu. Hiện nay, Dâu tằm được trồng ở khắp nơi. Cây được trồng để làm thuốc, lấy quả và lấy lá nuôi tằm.

1.4. Đặc điểm sinh trưởng

Cây ưa ẩm và sáng, thường được trồng trên diện tích lớn ở bãi sông, đất bằng, cao nguyên. Mùa hoa tháng 4 – 5, mùa quả tháng 5 – 6.

1.5. Bộ phận dùng

Toàn bộ cây đều được sử dụng để làm thuốc. Tang bạch bì là vỏ rễ phơi sấy của cây.

1.6. Bào chế

Vào mùa xuân, thu đào lấy rễ. Các vùng phía Nam, mùa đông vẫn có thể đào lấy rễ được, rửa sạch đất cát, bỏ các rễ nhỏ. Nhân lúc còn tươi, cạo bỏ lớp vỏ thô màu vàng nâu ở ngoài, dùng dao tách lấy phần vỏ, bỏ phần lõi gỗ, đem phơi khô.

Tang bạch bì được bào chế bằng cách để nguyên rễ, cạo bỏ lớp vỏ thô bên ngoài, rửa sạch, để ráo, thái mỏng 2 – 3 mm, sấy khô. Loại này có tác dụng tốt trong tả phế hành thủy, thường dùng trong phù thũng tiểu ít.

Sao Tang bạch bì được bào chế bằng cách lấy lớp vỏ trắng, bỏ vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng hoặc hơi cháy, lấy ra để nguội.

Mật chích Tang bạch bì được bào chế bằng cách cho mật và nước sôi vào cùng sợi Tang bạch bì, trộn đều, cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi không dính tay, lấy ra để nguội. Cứ mỗi 10 kg Tang bạch bì dùng 3 kg mật. Loại này mạnh về giảm ho, giảm suyễn.

Dược liệu Tang bạch bì
Dược liệu Tang bạch bì

1.7. Bảo quản

Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm và nhiệt độ cao.

2. Hoạt chất trong cây

2.1. Thành phần hóa học

Moracin O, oxyresveratrol, moracin R, moracin P, mulberroside C, wittifuran E, isomulberrofuran G, mulberrofuran G, norartocarpetin, morin, morusin, sanggenon C, sanggenon D, cathayanin B…

2.2. Tác dụng dược lý

Cho thỏ uống nước sắc Tang bạch bì 2g/kg, thấy có sự gia tăng đáng kể lượng nước tiểu trong vòng 6 giờ. Từ 7 đến 24 giờ lượng nước tiểu trở lại bình thường.

Chiết xuất từ Tang bạch bì có tác dụng trị suyễn thông qua tăng cường CD4(+)CD25(+)Foxp3(+) điều tiết tế bào T và ức chế cytokine Th2 trên chuột.

Chiết xuất từ Tang bạch bì có khả năng hạ huyết áp, giảm tổn thương cơ tim, giảm phì đại và xơ hóa cơ tim do bệnh đái tháo đường.

Dịch chiết có tác dụng an thần, giảm đau, hạ nhiệt và chống co giật nhẹ. Tang bạch bì cũng có tiềm năng trong điều trị bệnh thoái hóa thần kinh do có tác dụng phát triển sợi trục thần kinh tế bào PC12 thông qua ức chế dòng Ca++.

Ngoài ra, dược liệu còn có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, kháng u, kháng khuẩn, hạ đường huyết.

3. Công dụng điều trị

Tính vị: ngọt hàn. Qui kinh phế .

Tác dụng: tả phế bình suyễn, lợi niệu tiêu thũng.

Chỉ định:

Điều trị phế nhiệt khái suyễn thường dùng với địa cốt bì như bài tả bạch tán. Điều trị thủy ẩm ứ trệ phế, chướng mãn xuyễn tức thường dùng với ma hoàng, hạnh nhân, đình lịch tử. Nếu phế hư có sốt, ho xuyễn, khó thở, ra mồ hôi trộm, thường dùng với nhân sâm, ngũ vị tử, thục địa như bài bổ phế thang.

Điều trị chứng phù thũng thường phối hợp với phục linh bì, đại phúc bì như bài ngũ bì ẩm.

Ngoài ra còn có tác dụng chỉ huyết thanh can điều trị chảy máu cam do can dương can hoả thượng cang.

3.5. Liều dùng

Dùng 10 – 15 g, sắc uống.

Muốn lợi tiểu, tả phế, thanh nhiệt nên dùng loại tươi. Phế hư suy ho nhiều nên dùng loại chích mật.

3.6. Lưu ý

Không dùng Tang bạch bì cho người bị hen suyễn và ho do phế hàn (phổi nhiễm lạnh).

Bệnh nhân tiểu nhiều thận trọng khi sử dụng. 

4. Một số bài thuốc

4.1. Chữa ho ra máu

Tang bạch bì 600 g. Ngâm nước vo gạo 3 đêm. Tước nhỏ. Cho thêm 250 g gạo nếp. Sao vàng, tán nhỏ. Trộn đều. Ngày uống 2 lần. Mỗi lần 8 g chiêu bằng nước cơm.

4.2. Ho lâu năm

Tang bạch bì, vỏ rễ cây Chanh, mỗi loại 10 g, sắc uống trong ngày.

Vị thuốc có công dụng trị ho lâu năm
Vị thuốc có công dụng trị ho lâu năm

4.3. Trẻ em ho có đờm

Tang bạch bì 4 g sắc với nước cho uống.

4.4. Trong phế có nhiệt, ho nhiều, da khô nóng, lưỡi đỏ rêu vàng

Tang bạch bì 15 g, Địa cốt bì 15 g, Ngạnh mễ 15g, Cam thảo 3 g. Sắc nước uống trước bữa ăn.

4.5. Phế hư, hơi thở ngắn, ra mồ hôi, ho

Nhân sâm 9 g, Hoàng kỳ (chích mật) 24 g, Ngũ vị tử 6 g, Tang bạch bì (chích mật) 12 g, Thục địa 24 g, Tử uyển 9 g. Sắc uống.

4.6. Phù toàn thân, ngực bụng đầy trướng, tiểu ít

Tang bạch bì 9 g, Trần bì 9 g, Sinh khương bì 6 g, Đại phúc bì 9 g, Phục linh bì 24 g. Sắc uống.

4.7. Rụng tóc

Lấy Tang bạch bì giã dập, ngâm nước. Đun sôi nửa giờ. Lọc, lấy nước đó gội đầu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*