Trong kho tàng dược liệu Đông y, có một vị thuốc sinh ra và được ấp ủ, nuôi dưỡng trong lòng đất. Vị thuốc ấy tính mát, được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc bổ thận, bổ huyết, mát huyết. Vị thuốc đó mang tên Sinh địa, cái tên đã nói lên xuất xứ.
1. Đặc điểm cây thuốc Sinh địa
1.1. Thân cây
Sinh địa (Rehmannia glutinosa) là cây thân thảo, sống lâu năm. Cây trưởng thành có thể cao 40 – 50cm. Các đốt trên thân rất ngắn, mỗi đốt mang 1 lá. Thân không có khả năng phát sinh cành. Các đốt thân phía trên dài ra nhanh ở thời kỳ cây bắt đầu ra hoa. Ngoài ra, trên thân có lông tơ mềm màu tro trắng phủ toàn thân (phủ cả lá và hoa). Sau khi ra hoa, cây đạt chiều cao tối đa.
1.2. Bộ rễ
Bộ rễ của Sinh địa gồm 4 loại: rễ hom, rễ tơ, rễ bất định và rễ củ. Trong đó, rễ củ là bộ phận thu hoạch, nó phình ra thành củ, gọi là củ Sinh địa.
Củ Sinh địa mọc theo giai đoạn trưởng thành, lúc đầu mọc thẳng đứng, sau đó phát triển ngang. Chiều dài của củ là 15 – 20cm, đường kính biến động 0,5 – 3,4cm, vỏ màu hồng nhạt, phần ruột màu vàng nhạt. Phần sát gốc với thân của củ kém phát triển tạo thành cuống có chiều dài vào khoảng 4 – 7cm.
1.3. Lá cây
Trên thân cây, lá mọc quanh gốc theo các đốt thân. Phiến lá hình trứng ngược, đầu lá hơi tròn, dài khoảng 3 – 15cm, rộng khoảng 2 – 6cm. Đây là loại lá đơn nguyên và mép lá có răng cưa tù, không đều. Lá có nhiều gân chính và gân phụ nổi rõ nhưng phiến lá vẫn mềm. Bên cạnh đó, trên mặt lá còn có một lớp lông mềm màu tro trắng làm cho lá có màu lục hơi ngả bạc.
1.4. Hoa và quả
Hoa Sinh địa khá đẹp, là hoa tự chùm, phát sinh từ đỉnh sinh trưởng của thân. Đài và cánh hoa đều hình chuông. Loại hoa này là hoa 5 cánh, phía dưới hơi cong, dài 3 – 4cm. Mặt ngoài màu tím sẫm, mặt trong hơi vàng và có những đốm tím. Ngoài ra, hoa có 4 nhị gồm 2 nhị lớn và 2 nhị lại kém phát triển. Mùa hoa nở rộ từ tháng 3 đến tháng 4.
Quả: Trong điều kiện sinh thái tại Việt Nam, rất hiếm thấy Sinh địa kết quả. Nhưng ở Trung Quốc, mùa quả rơi vào khoảng tháng 5 đến tháng 6. Mỗi quả có từ 200 đến 300 hạt, hạt nhỏ có màu nâu nhạt, dạng hình trứng.
1.5. Phân bố
Cây có nguồn gốc từ vùng ôn đới ẩm của Trung Quốc, được trồng ở nhiều tỉnh của nước này. Hiện Trung Quốc vẫn đang độc quyền loại sản phẩm này. Một số nước khác như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam cũng trồng với quy mô nhỏ.
Năm 1958, cây được di thực vào Việt Nam. Hiện nay, Sinh địa được trồng ở nhiều tỉnh từ Bắc vào Nam, như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Cao Bằng…
2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
2.1. Bộ phận dùng
Bộ phận làm thuốc của cây Sinh địa chính là phần rễ phình lên thành củ. Chọn lấy những củ to, mập, vỏ vàng mỏng, mềm, cắt ngang có màu đen nhánh, nhiều nhựa không thối nát là tốt.
Khi thu hoạch, người ta bỏ các củ vào nước để thử. Củ nào nổi trên mặt nước là Thiên hoàng, nửa chìm nửa nổi là Nhân hoàng, còn loại chìm hẳn dưới nước mới là Địa hoàng, là thứ người ta dùng làm thuốc.
2.2. Thu hái
Cây được trồng ở tỉnh nào cũng được, chỉ cần nhiệt độ không dưới 3°C kéo dài nhiều ngày.
Đối với các tỉnh miền núi cao hay nơi lạnh nhiều, mỗi năm chỉ có thể trồng được một vụ. Vào cuối xuân (tháng 3, tháng 4 dương lịch) thì trồng và thu hoạch vào tháng 8 – 9. Nếu trồng vào mùa thu, cây không phát triển được vào mùa lạnh.
Còn ở các tỉnh miền trung du và đồng bằng mỗi năm có thể trồng hai vụ. Một vụ trồng vào tháng 1 – 2, thu hoạch vào tháng 7 – 8, một vụ trồng vào tháng 7 – 8 và thu hoạch vào tháng 2 – 3.
2.3. Chế biến
Theo Trung y:
Lấy 10kg Sinh địa tươi, chọn riêng củ to béo khoảng 6kg, rửa sạch, phơi nắng cho vỏ se lại. Còn 4kg loại bé nhỏ vụn thì cũng rửa sạch, cho vào cối giã nát, đổ vào 300ml rượu trắng, lại giã, vắt lấy nước tẩm vào 6kg trên, phơi sấy hoặc sấy khô (theo Lý Thời Trân).
Khi dùng Sinh địa thì ủ 1 ngày, dùng dao đồng thái lát mỏng, phơi khô.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: có 3 giai đoạn:
- Sấy lần 1: Rễ củ đào về không bị sứt mẻ, không rửa nước, chọn riêng thành 4 loại to nhỏ, rải riêng từng loại cho vào lò sấy. Sấy trong 6 – 7 ngày, sấy đến khi các củ đều mềm.
- Ủ: Các loại củ đã mềm rồi, phơi nơi khô ráo, thoáng gió trong 5 – 6 ngày, rồi xếp vào bao bố tời ủ lên. Ủ 2 – 3 ngày.
- Sấy lần 2: Sấy lại lần nữa đến khi vỏ ngoài khô khoảng 80% là được.
2.4. Bảo quản
Cất nơi kín đáo, khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc.
3. Thành phần hóa học
Trong Sinh địa, người ta đã lấy ra được một số hoạt chất: manit C6H8(OH)6, rehmanin là một glucozit, glucoza và một ít caroten.
4. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu, Sinh địa có một số tác dụng dược lý:
- Tác dụng với huyết quản: Khi dùng Sinh địa với liều lượng nhỏ thì làm co mạch máu, liều lượng lớn thì làm giãn mạch máu, có tác dụng lên tĩnh mạch, làm gây mê động vật thí nghiệm.
- Tác dụng đối với đường huyết: Khi dùng nước sắc Sinh địa hay dùng Remanin 0,5g/kg khối lượng tiêm cho thỏ thì huyết đường giảm xuống, sau 7 giờ mới trở lại bình thường. Người ta cho rằng trong cây Sinh địa có một loại chất tan trong nước, có phản ứng trung tính, màu vàng nhạt giống như dầu, có thể chứa Nitơ và Sulfua làm giảm huyết đường trong máu.
- Ngoài những tác dụng trên, Sinh địa còn có các tác dụng khác như cầm máu, ức chế quá trình hình thành kén của một số loại vi trùng.
- Tác dụng cường tim, hạ áp, cầm máu, bảo vệ gan, lợi tiểu, chống phóng xạ, chống nấm.
- Dược liệu có tác dụng ức chế miễn dịch kiểu corticoid nhưng không làm ức chế hay gây teo tuyến thượng thận.
5. Công dụng của vị thuốc Sinh địa theo YHCT
Tính vị: ngọt, đắng, lạnh. Qui kinh tâm, can, phế.
Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm sinh tân.
Chỉ định:
Chứng nhiệt nhập doanh huyết, miệng khô, lưỡi hồng giáng, sốt cao, hôn mê, thường dùng cùng huyền sâm như bài thanh doanh thang. Điều trị ôn bệnh giai đoạn cuối, sốt chưa dứt, âm dịch hao tổn, đêm sốt ngày lạnh, lưỡi hồng, mạch sác thường dùng cùng với miết giáp, thanh cao, tri mẫu như bài thanh doanh miết giáp thang.
Chứng huyết nhiệt vong hành, ban chẩn, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, băng lậu (đều dùng tươi) như bài tứ sinh hoàn.
Chứng tân dịch hao tổn, nội nhiệt tiêu khát, thường dùng cùng sinh hoàng kỳ. Điều trị ôn bệnh thương âm, trường táo tiện bí thường phốp hợp với huyền sâm, mạch môn như bài tăng dịch thang.
Liều dùng: 10 – 30g.
Chú ý: không dùng khi tỳ hư khí trệ, bụng chướng đầy.
6. Liều dùng, chú ý
- Liều dùng: 8 – 16g/ngày.
- Chú ý: Những người ăn uống kém, khó tiêu nên thận trọng khi dùng Sinh địa.
7. Một số bài thuốc sử dụng Sinh địa
7.1. Bài thuốc chữa sốt cao, khát nước, lưỡi đỏ thẫm
Sinh địa 16g, Huyền sâm 12g, Mạch môn 12g, Trám 2 quả đập vụn. Sắc uống.
7.2. Bài thuốc bổ máu, bổ thận
Cháo Sinh địa: Sinh địa cắt lát mỏng tầm 2 chén cùng nửa chén gạo, nấu trong nồi sành hay nồi đất thật nhừ. Thêm 2 chén sữa, 1 chén mật ong nấu thật kỹ để ăn.
7.3. Bài thuốc đại bổ huyết, ích thận tinh, bổ tiêu hóa
Sinh địa 10kg, giã thật kỹ vắt lấy nước cốt nấu với cao Ban long 1,5kg, Gừng sống 0,5kg, giã vắt lấy nước cốt. Mật ong 2 bát, rượu tốt 4 bát.
Đầu tiên, nấu nước Sinh địa cho sôi kỹ, rồi dùng rượu mà nghiền hạt Tử tô chín 4g, cùng giã lấy nước cốt cho vào đun sôi. Sôi chừng 20 – 30 lần, lúc đó mới cho cao Ban long vào. Đợi cao chảy hết mới cho nước Gừng và nước mật, đựng vào bình, uống lúc lỏng.
Để lại một phản hồi