Định nghĩa
Hội chứng suy hô hấp cấp nặng – SARS là gì?
Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) là một dạng viêm phổi nặng. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 11 năm 2002. Trong vòng vài tháng, khách du lịch và người Trung Quốc đi sang nước ngoài đã làm bệnh lan rộng ra 29 quốc gia toàn cầu.
Dù 9/10 người nhiễm bệnh SARS có thể hồi phục, bệnh nhân SARS nếu không được chữa trị sẽ tử vong. Do đó, các nhà chức trách đã nhanh chóng tuyên truyền cách phòng ngừa, dấu hiệu nhận biết bệnh, phương pháp chẩn đoán cùng khuyến cáo cách ly bệnh nhân để bệnh không tiếp tục bùng phát.
Vào tháng 7 năm 2003, sự bùng nổ của bệnh chấm dứt và không có trường hợp bệnh nào xảy ra kể từ năm 2004.
Những ai thường mắc phải bệnh SARS?
Phần lớn bệnh nhân là người lớn trên 65 tuổi. Nếu bạn bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim hoặc có sức đề kháng yếu và mắc thêm bệnh SARS, bạn sẽ dễ bị biến chứng và nguy cơ tử vong tăng cao.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh SARS là gì?
Dấu hiệu ban đầu của hội chứng suy hô hấp cấp nặng là cúm, sốt 38°C hoặc cao hơn; theo sau đó là ớn lạnh, run rẩy, đau cơ, đau đầu, ho khan và mệt mỏi.
Triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm viêm phổi nặng và giảm ô-xi huyết (máu không có đủ ô-xi).
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn phải nhập viện ngay nếu phát hiện mình có các triệu chứng của SARS như sốt cao, nhức mỏi cơ và ho.
Nếu bạn bị bệnh tim, cao huyết áp hoặc tiểu đường và có triệu chứng của SARS, bạn cần phải cấp cứu để bệnh không biến chứng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh SARS là gì?
Nguyên nhân gây bệnh hội chứng suy hô hấp cấp nặng là virus Corona (Cô-rô-na) thuộc chủng virus gây bệnh cảm lạnh thông thường. Dơi và các loài cầy hương là “thủ phạm” truyền virus này cho người qua đường hô hấp, nghĩa là bạn sẽ bị lây bệnh nếu hít phải hơi nước trong không khí chứa virus.
Bạn cũng sẽ bị lây bệnh SARS nếu tiếp xúc gần như:
- Đụng vào những vật có chứa nước bọt, nước mắt, nước tiểu và phân của người bệnh SARS
- Ôm, hôn hoặc cùng ăn uống với người nhiễm bệnh
- Đụng vào những vật như tay nắm cửa, điện thoại và nút bấm thang máy mà người bệnh SARS đã chạm qua
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh SARS?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Tiếp xúc với người bị SARS hoặc động vật mang virus Corona trước đó;
- Đi đến vùng hoặc quốc gia bùng phát dịch SARS;
- Không vệ sinh trước khi và sau khi ăn, vệ sinh cá nhân kém.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán SARS?
Bác sĩ chẩn đoán SARS qua các triệu chứng thực thể và thăm khám, điều tra dịch tễ như bạn có vừa đi du lịch ở đâu, bạn đã tiếp xúc với ai, v.v…
Các xét nghiệm máu và xét nghiệm phân sẽ được chỉ định thực hiện để xem trong máu và phân bạn có virus Corona hay kháng nguyên chống lại virus không.
Chụp X-quang và chụp cắt lớp (CT) cũng có thể cần thiết nếu bác sĩ nghi ngờ SARS biến chứng sang viêm phế quản và viêm phổi.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh SARS?
Hiện nay, SARS vẫn chưa có thuốc đặc trị. Nếu bị SARS, bác sĩ sẽ thiết kế phác đồ điều trị bao gồm các hình thức hỗ trợ người bệnh tự đề kháng virus như: dùng máy trợ thở ô-xi, vật lí trị liệu, chỉ định thuốc kháng sinh và kháng virus để người bệnh không bị nhiễm thêm bệnh khác.
Cần lưu ý các loại thuốc kháng virus được kê đơn không thể chữa lành bệnh SARS mà chỉ ngăn các virus khác xâm nhập cơ thể bạn. Nếu có triệu chứng sưng phổi, bác sĩ sẽ chỉ định thêm kháng viêm steroid.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh SARS?
Bạn có thể kiểm soát bệnh SARS của mình và ngăn SARS lây sang người khác nếu lưu ý những điều sau đây:
- Uống thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
- Rửa tay kĩ bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng nước rửa tay có cồn. Sử dụng chất diệt khuẩn để làm sạch những bề mặt thường đụng vào.
- Che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho.
- Đeo khẩu trang, kính bảo hộ và găng tay dùng một lần để ngăn ngừa bệnh lây lan nếu giúp đỡ hoặc chăm sóc ai đó mà bạn nghi ngờ mắc bệnh SARS.
- Làm theo tất cả những biện pháp cách ly trong ít nhất 10 ngày sau khi các triệu chứng biến mất.
- Không ăn uống, sử dụng đồ dùng, khăn hoặc giường chung với bất kì ai.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất
Để lại một phản hồi