Sài hồ: Vị thuốc có tác dụng “sơ can, giải uất”

Sài hồ là cái tên chắc không mấy quen thuộc lắm với những ai chưa từng học qua về thuốc Đông dược. Đông y có một chứng, gọi tên là “Can khí uất”, ai bị chứng đó thường tính khí hay uất ức, dễ giận dỗi bực dọc, dễ stress, đời sống tinh thần thiếu vắng niềm vui. Và trong trường hợp này, Sài hồ là một vị thuốc chữa chứng này rất hiệu quả. 

Sài hồ là gì?

Đây là một loại dược liệu. Có giống Sài hồ Bắc (của Trung Quốc) và Sài hồ Nam (là cây Lức của Việt Nam). Bài viết chúng ta muốn đề cập đến hôm nay là giống Sài hồ Bắc. Nó có tên khoa học Bupleurum Chinense DC.), thuộc họ Hoa tán (Apiaceae).

Đặc điểm thực vật

Đây là loại cây thân thảo, sống lâu năm. Cây cao tầm nửa mét. Rễ cây nhỏ, hình trụ, dài 6 – 15cm, đường kính rễ 3 – 8mm. Đầu rễ phình to, ở đỉnh còn lưu lại gốc thân, dạng sơi ngắn. Phần dưới phân nhánh. Mặt ngoài rễ màu nâu đen hoặc nâu nhạt, có vết nhăn dọc theo rễ. Chất rễ cứng, dai. Phần gỗ bên trong màu trắng vàng. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Thân cây mọc thẳng, phân nhánh hình chữ chi.

Lá cây hình mác, mọc cách. Lá nhỏ, dài tầm 4 – 6cm, rộng 1 – 2cm, gân lá song song. Cụm hoa hình tán kép, mọc ở nách lá hoặc đầu cành. Cụm hoa có một trục chung nhỏ dài. Có khoảng 4 – 10 cụm hoa, mỗi cụm lại phân nhiều hoa nhỏ. Hoa màu vàng. Quả hình bầu dục, dài khoảng 5mm, ống tinh dầu nằm ở mặt tiếp giáp

Cây sài hồ thường mọc hoang ở Trung Quốc
Cây sài hồ thường mọc hoang ở Trung Quốc

Phân bố

Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở Trung Quốc, gồm các vùng: Nội Mông, Tứ Xuyên, Hà Bắc, Sơn Tây,…

Bộ phận dùng

Rễ cây.

Thu hái, bào chế, bảo quản dược liệu

Thu hái

Cây sài hồ thường được thu hoạch vào mùa thu hoặc mùa xuân. Người ta đào lấy rễ về rửa sạch đất cát, sau đó phơi khô dùng dần.

Bào chế

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

Thuốc được rửa sạch, thái nhỏ 2 – 3 ly rồi phơi hoặc sấy lửa nhẹ (40 – 50 độ). Sau đó tẩm rượu ủ 2 giờ rồi sao nhẹ lửa cho vàng đều.

Ngoài ra có thể dùng sống, cách này cũng thường dùng.

Bảo quản

Cất giữ thuốc nơi kín đáo, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Tránh những nơi ẩm thấp làm ẩm mốc thuốc, tránh mối mọt làm hư hại thuốc, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thuốc làm bạc chất thuốc.

Tác dụng của Sài hồ

Thành phần hóa học trong dược liệu

Theo nghiên cứu người ta thấy:

Trong Rễ Sài hồ có thành phần Saponin chiếm khoảng 0,5%, ngoài ra còn có chất béo, phytosterol và ít tinh dầu.

Trong thân lá chứa chất rutin.

* Tác dụng theo Y học hiện đại

Nghiên cứu tác dụng dược lý của vị thuốc này, có 2 công dụng người ta chú ý đến nhất là tác dụng chữa sốt và sốt rét của nó

Rễ sài hồ phơi khô hoặc nghiền mịn dùng làm thuốc

* Tác dụng của Sài hồ theo Y học cổ truyền

Tính vị: đắng, bình, hơi hàn. Qui kinh can – đởm.

Tác dụng: thoái nhiệt, sơ can giải uất, thăng dương.

Chỉ định:

Chứng hàn nhiệt vãng lai: sài hồ dùng để điều trị tà khí ở thiếu dương, hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đầy tức, miệng khô họng khát, thường phối hợp dùng cùng với hoàng cầm như bài Tiểu sài hồ thang. Điều trị chứng sốt cảm mạo thường phối hợp với cam thảo, nếu sốt cao thường dùng phối hợp với cát căn,  hoàng cầm , thạch cao như bài sài cát giải cơ thang.

Chứng can uất khí trệ, kinh nguyệt không đều, đau tức ngực sườn, thường dùng phối hợp với đương quy, bạch thược như bài tiêu dao tán. Đối với đau tức ngực sườn thường phối hợp với hương phụ, xuyên khung, xích thược như bài sài hồ sơ can tán.

Chứng khí hư hạ hãm, ỉa chảy lâu ngày gây trĩ sa trực tràng, sa dạ con… thường dùng cùng với nhân sâm, hoàng kỳ, thăng ma như bài bổ trung ích khí thang.

Ngoài da sài hồ còn dùng trong điều trị hạ sốt trong bệnh sốt rét thường dùng phối hợp với thường sơn, hoàng cầm, thảo quả.

Liều dùng: 3 – 10g.

Chú ý: cấm dùng ở người có chứng can dương thượng cang, can phong nội động, âm hư hỏa vượng, khí cơ thượng nghịch.

Cách dùng Sài hồ

Liều dùng 6 – 8g/1 ngày. Dùng dưới dạng thuốc sắc hay hãm, phối hợp với các vị thuốc khác trong toa thuốc.

Một số bài thuốc từ Sài hồ

  • Bài thuốc chữa cảm mạo lúc nóng lúc rét

Sài hồ, Bán hạ, Sâm, Hoàng cầm, Cam thảo, Sinh khương, Đại táo. Tất cả các vị đem sắc uống.

  • Bài thuốc chữa sa trực tràng, sa dạ dày, thoát vị bẹn

Hoàng kỳ, Đảng sâm, Đương quy, Bạch truật, Cam thảo, Trần bì, Thăng ma, Sài hồ. Các vị này đem sắc uống ngày 1 thang.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc

Những bệnh nhân thường hay nóng bức trong người, lòng bàn tay chân nóng, đau đầu, mặt đỏ,… không nên dùng Sài hồ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*