Sài đất: cây thuốc chữa bệnh ngoài da, giải độc gan

Sài đất là một loại cỏ mọc hoang khá phổ biến ở vùng nhiệt đới. Ngoài làm rau ăn, từ lâu, sài đất được xem là một vị thuốc có tác dụng chữa nhiều bệnh ngoài da, giải độc gan…

1. Sài đất là cây gì?

Sài đất còn gọi là húng trám, ngổ núi, cúc nháp, cúc giáp, hoa múc. Tên khoa học là Wedelia calendulacea. Thuộc họ Cúc Asteraceae.

Chúng có tên húng trám vì khi vò cây có mùi trám và được một số nơi dùng ăn sống như rau húng. Người ta còn gọi là ngổ núi vì cây giống rau ngổ lại mọc hoang trong núi. Tên cúc nháp hay cúc giáp vì hoa giống hoa cúc và lá thân nham nháp.

Sài đất là một loại cỏ, thân thảo, mọc lan bò. Thân màu xanh, với các nhánh thường dài dưới 50 cm. Lá mọc đối, hình bầu dục thon dài, dài 2 – 4,5 cm. Mép lá có 3 – 5 răng cưa thưa, nông, lá và thân đều có lông trắng cứng nhỏ. Mặt trên của lá màu lục xám, có đốm trắng, mặt dưới màu nhạt hơn. Gân chính và cặp gân phụ đầu tiên nổi rõ. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, mọc ở ngọn cành, cuống cụm hoa dài 5 – 10 cm. Hoa ở vòng ngoài hình lưỡi nhỏ, đơn tính (hoa cái), hoa ở giữa hình ống, lưỡng tính.

Phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, chỉ một số ít loài ở vùng ôn đới ấm.

Ở nước ta, thảo dược này mọc hoang ở vùng núi thấp và trung du. Hiện nay, do công dụng của sài đất nên đã được trồng ở nhiều nơi.

Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất, thu hái quanh năm. Có thể dùng tươi hoặc phơi sấy khô.

Sài đất
Sài đất

2. Những cây dễ nhầm lẫn với Sài đất

Lỗ địa cúc còn có tên Bành kỳ cúc tên khoa học là Wedelia prostrata, họ Cúc Asteraceae. Cây này thường có lá ngắn hơn, hoa màu vàng nhạt, quả bế không có lông và không thu hẹp ở đầu, không có vòng lồi lên, đầu cụt.

Sài đất giả, tên khoa học Lippia modifolia (L) L.C. Rich thuộc họ Cỏ roi ngựa Verbenaceae. Cây có cành gần như vuông, nhẵn hay hơi có lông. Lá hình thìa, đầu hơi tròn, mép phía trên có răng cưa, mép phía dưới hoàn toàn nguyên. Hoa nhỏ màu xanh nhạt, có khi vàng hồng hay trắng, mọc thành bông ở nách lá, lúc đầu hình đầu sau khi kết quả thì dài ra hình như bắp ngô nhỏ dài 1 – 1,5cm trên có những hàng quả khô màu nâu đen.

Cỏ mui, tên khoa học là Tridax procumbens L., họ Cúc Asteraceae, tên khác là sài lan, sài long, cúc mui, thu thảo. Cây thảo, sống lâu năm, mọc bò. Lá mọc đối, nhiều răng nhọn, không đều. Hoa màu trắng. Quả bế, nhiều lông. Toàn cây có nhiều lông trắng dày và cứng.

3. Thành phần chứa trong cây Sài đất

Toàn cây có chứa các hợp chất wedelolacton, flavonoid, caroten, saponin, tanin, steroid, terpenoid, đường và các muối vô cơ. Những hợp chất này giúp cho sài đất có giá trị dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh.

4. Trong dân gian, Sài đất chữa bệnh gì?

Vị thuốc sài đất có vị ngọt, hơi chua, tính mát. Trong y học sử dụng để thanh nhiệt giải độc, hóa đàm, chỉ khái, lương huyết, chỉ huyết, khử ứ, tiêu thũng.

Ở nhiều nơi dùng làm rau để ăn sống với thịt hay cá.

Từ năm 1961, bệnh viện Bắc Giang đã sử dụng sài đất như một vị thuốc có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, điều trị các bệnh viêm ngoài da, sưng khớp nhiễm trùng, đau mắt, viêm họng, áp xe. Ngoài ra, có địa phương dùng vị thuốc này để chữa bệnh viêm bàng quang với kết quả tốt.

Liều thường dùng 50 – 100 g sài đất tươi hoặc 20 – 40 g sài đất khô.

Ở Trung Quốc ghi nhận, sài đất được dùng để chữa bạch hầu, ho gà, viêm họng, viêm amidan.

5. Những nghiên cứu khoa học về tác dụng của Sài đất

Sài đất đã được chứng minh có nhiều tác dụng tốt đối với một số bệnh lý ở người, tuy nhiên các nghiên cứu đa phần ở mức thử nghiệm trên động vật mà chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số tác dụng đã được chứng minh:

5.1. Điều trị các bệnh ngoài da

Một lượng lớn các thành phần phenolic có trong sài đất, giúp cho thảo dược này có hiệu quả trong điều trị viêm. Vì vậy, đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng chữa lành vết thương của nó. Các kết quả cho thấy, sài đất là một cây thuốc thảo dược rất hữu ích trong điều trị bệnh ngoài da.

Ngoài ra, dịch chiết từ lá tươi của cây sài đất đã được các bác sĩ ở Ấn Độ dùng ngoài để điều trị các vấn đề về da, viêm da, chàm và mụn trứng cá.

5.2. Tác dụng bảo vệ gan

Loại thảo dược này được sử dụng phổ biến do tác dụng bảo vệ gan. Tác dụng này là do các hợp chất wedelolactone và demethylwedelolactone (dẫn xuất Coumestans) chứa trong cây. Do đó, sài đất còn được dùng như một thành phần chính trong một số công thức dược phẩm chống độc gan.

5.3. Tác dụng kháng viêm, giảm đau

Kết quả một nghiên cứu cho thấy tác dụng giảm đau và kháng viêm của chiết xuất sài đất trên mô hình động vật tương đương với các loại thuốc giảm đau như Aspirin, Morphine và Indomethacin.

Tác dụng này được cho là do các hợp chất flavonoid, triterpenoid, steroid…

5.4. Tác dụng nhuộm màu tự nhiên

Lá được sử dụng để nhuộm tóc màu xám và cải thiện rụng tóc.

Nước ép của chúng được sử dụng để xăm, màu được tạo ra là một màu xanh đen không thể xóa được.

Gốc được giã nát và được sử dụng làm thuốc nhuộm đen.

5.5. Đối với phụ nữ

Sài đất có chứa isoflavanoid, được sử dụng hỗ trợ điều trị xuất huyết tử cung và rong kinh. Loãng xương ở phụ nữ xảy ra chủ yếu do thiếu hụt estrogen sau mãn kinh. Các nghiên cứu trên mô hình chuột cho thấy isoflavone làm giảm sự thiếu hụt estrogen ở chuột bị cắt bỏ buồng trứng. Do đó, có tác dụng chống loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.  

Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây còn cho thấy sài đất có tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa, hỗ trợ điều trị bệnh tiền liệt tuyến, giảm lo âu, bảo vệ niêm mạc dạ dày và viêm khớp tự miễn.

6. Lưu ý

  • Không nên tự ý sử dụng Sài đất làm thuốc tại nhà khi chưa tham khảo ý kiến của các thầy thuốc Y học cổ truyền.
  • Dùng sài đất cùng lúc với thuốc Tây y có thể gây phản ứng phụ có hại cho sức khỏe.
  • Cây Sài đất rất dễ bị nhầm lẫn với cây lỗ cúc địa thường có lá ngắn hơn, hoa có hình dáng tương tự như sài đất nhưng màu vàng nhạt.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*