Tàu bay là loại cây cỏ hoang dại mọc ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, từ xa xưa đã được ông bà ta sử dụng như một loại rau dại ăn hàng ngày, không chỉ là loại rau dại cứu đói trong những mùa kháng chiến oanh liệt, rau tàu bay còn là 1 vị thuốc với nhiều công dụng hữu ích.
Rau tàu bay là gì?
Mô tả
Rau tàu bay còn có tên gọi là Kim thất, Ngải rét, Sra tây (Kho), Lảo lộc (Tày). Câu có tên khoa học: Gynura crepidioides Benth. Thuộc họ Cúc (Asteraceae)
- Tàu bay là loại cây thảo mập mọc đứng cao khoảng 1m.
- Thân tròn hoặc có khía, màu xanh mọng nước.
- Lá tàu bay mỏng, có dạng hình trứng dài, bản lá to, phần chóp phiến lá có hình thoi, phần dưới có những thuỳ xẻ sâu; mép lá có răng cưa, có mùi thơm nhẹ.
- Cụm hoa dạng đầu, mọc ở nách lá hoặc ở ngọn, gồm nhiều hoa màu hồng nhạt, bao chung gồm hai hàng lá bắc hình sợi. Hoa tàu bay lưỡng tính, có mào lông mịn, trắng, hợp thành ngù, mềm. Hoa nở khoảng từ tháng 9 đến tháng 2, ra quả khoảng từ tháng 10 đến tháng 3. Đầu các nhụy hoa lúc khô biến thành các túm bông nhẹ, dễ bay theo gió, đem theo nhụy và hạt cây phát tán đến những nơi thuận lợi để tiếp tục sinh sôi.
- Các nhụy hoa khô mang hạt bay theo gió để khuếch tán.
- Quả bế hình trụ , có mào lông ở đỉnh.
- Cây ra hoa quả mùa xuân, hạ.
- Cây tàu bay thân mọng nước mọc hoang dại ở khắp nơi ở Việt Nam
- Hạt tàu bay theo gió gieo giống khắp mọi miền.
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây tàu bay là loại cây mọc hoang trong tự nhiên thường tập trung ở các nước vùng khí hậu nhiệt đới như Châu Á. Ngoài ra, cây còn có thể mọc ở châu phi, các đảo ở đông nam Địa Trung Hải,…
Ở Việt Nam, nó mọc rất phổ biến ở các bãi hoang sau nương rẫy, ven đường đi ở đồi, bìa rừng, ven khe suối. Lượng quả tàu bay nhiều dễ theo gió phát tán đến nhiều nơi.
Bộ phận sử dụng
- Bộ phận dùng: Lá và ngọn
- Thường thu hái quanh năm
- Chế biến: Sau khi hái xong, rửa sạch và phơi khô
- Bảo quản: Nhiệt độ 25 – 28 độ C, tránh nơi ẩm ướt
Tác dụng của Rau tàu bay
Thành phần hoá học
Thành phần dinh dưỡng tính theo % như sau:
nước 93,1; protein 2,5; glucid 1,9; cellulose 1,6; dầu xuất không protein 3,7; khoáng toàn phần 0,9, trong đó có calcium 81mg%, phosphor 25mg%, carotene 3,4mg% và vitamin C 10mg%.
Tác dụng dược lý của Rau tàu bay
Tác dụng làm lành vết thương
Theo nghiên cứu công bố ngày ngày 22 tháng 8 năm 2020 của 2 tác giả người Việt Nam Đặng thị Phương Thảo và Nguyễn Minh Cần Chiết xuất hydroethanolic từ lá cây tàu bay có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, tăng sinh nguyên bào sợi, co vết thương và tạo mạch từ đó giúp làm lành vết thương nhanh hơn.
Có đặc tính chống đông máu dùng trong điều trị rối loạn đông máu.
Chiết xuất methanol từ lá cây tàu bay có tác dụng kéo dài thời gian đông máu, prothrombin và thời gian thromboplastin một phần hoạt hóa trong máu có thể được khai thác trong điều trị rối loạn đông máu.
Bảo vệ tế bào β và phòng chống đái tháo đường.
Các thành phần thực vật chống oxy hóa như phenol và flavonoid có vai trò bảo vệ chống lại các bệnh thoái hóa do stress oxy hóa như bệnh đái tháo đường. Dịch chiết cây tàu bay có hoạt tính bảo vệ tế bào β và chống đái tháo đường.
Công dụng
Theo y học cổ truyền: Do có vị đắng, mùi thơm, tính bình có tác dụng thanh can hỏa, giải độc, se da, tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng nên cây được sử dụng làm thuốc.
Người ta thường dùng cả cây tàu bay phơi khô làm thuốc để trị cảm sốt, hạ nhiệt, kích thích tiêu hóa và lợi tiểu.
Để lại một phản hồi