Quýt là một loại trái cây phổ biến ở nước ta, thường được ăn trong mùa nắng nóng. Quýt có mùi thơm dễ chịu mà ai cũng thích thú. Ngoài là một loại trái cây, theo y học cổ truyền, nó còn là một vị thuốc.
Quýt là gì?
Chúng ta đều biết quýt là một loại trái cây phổ biến khắp cả nước, bên cạnh đó, nó còn là một loại thuốc quý.
Dân gian hay gọi Quýt hoặc Quýt Xiêm hoặc Trần bì (vỏ quýt).
Có tên khoa học là Citrus reticulata Blanco. (C. nobilis Lour var. deliciosa Swingle. C. deliciosa Tenore). Thuộc họ Cam- Rutaceae.
Mô tả thực vật
Quýt là cây gỗ nhỏ, có dáng chắc và đều, thân và cành có gai. Lá quýt là lá đơn, mọc so le; phiến lá hình ngọn giáo hẹp, có khớp, có viền mép trên cuống lá. Hoa quýt nhỏ, có màu trắng, ở nách lá, có mùi thơm dịu. Quả quýt thì chắc ai cũng biết rồi nhỉ? Nó có hình cầu hơi dẹt, màu vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm; hạt xanh.
Phân bố
Trên thế giới
Có nguồn gốc ở Trung Quốc và Ấn Ðộ. Nhưng có lẽ vì quýt ngon, ngọn, nên người ta trồng khắp các châu lục.
Tại Việt Nam
Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều nhất là ở Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế …
Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại
Kháng nấm và các vi khuẩn gây hại
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng dầu quýt có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc, và nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, như vi khuẩn E.coli, Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn vàng).
Hỗ trợ điều trị ung thư
Nghiên cứu in Vitro về tác dụng của nước ép quýt đối với việc nuôi cấy tế bào ung thư cho thấy rằng nước ép đã kìm hãm sự phân chia tế bào ung thư rõ rệt. Trong nghiên cứu này, tác dụng của nước ép trái cây chưa chín nhiều hơn là trái cây đã chín.
Chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa
Hạt và vỏ của các loại trái cây họ cam chanh (chanh, bưởi, kiwi, dưa, cam, nho) đã được nghiên cứu là có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa. Trong đó, hoạt tính chống oxy hóa cao nhất được tìm thấy trong vỏ của giống nho trắng, và hạt cam quýt.
Hạ lipid máu
Trong nghiên cứu của Rafeeq Alam Khan và cộng sự về tác dụng hạ lipid máu của quả quýt lên cholesterol, triglycerides, LDL và HDL với liều 1ml/kg quýt trong 30 và 45 ngày trên chuột thí nghiệm tăng lipid máu. Thì thấy HDL (loại mỡ tốt) tăng đáng kể trong 30 ngày và giảm cholesterol toàn phần đáng kể sau 30 ngày.
Bảo vệ chức năng gan
Mehmet Karaca và cộng sự, đã nghiên cứu hoạt động bảo vệ gan ở chuột bị gây độc carbon tetrachloride của chiết xuất tinh dầu của cam. Tinh dầu cam làm giảm đáng kể mức ALT (một loại men gan) huyết thanh, nhưng không ảnh hưởng đến AST (một loại men gan). Kết quả cho thấy dầu cam có tác dụng bảo vệ gan yếu nếu bị ngộ độc gan cấp tính do carbon tetrachloride.
Theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, các thầy thuốc thường bóc lấy vỏ quả quýt chín, phơi khô để làm Trần bì. Trần bì để càng lâu càng tốt; để lấy vỏ quả ngoài gọt hết lớp vỏ trong. Quả nếu còn xanh, thì cũng được bóc lấy vỏ phơi khô, lúc này được gọi là Thanh bì. Hạt của quả chín, phơi khô, gọi là Quất hạch.
Phần mà chúng ta ăn được là thịt quýt, trong phần thịt, có nước. Nước có vị chua ngọt, tính mát; có tác dụng giải khát, mát phổi, khai uất, trừ đờm, khoan khoái.
Tinh dầu vỏ quả và lá quýt, có tác dụng Chữa ho đờm và giúp tiêu hoá.
Vỏ xanh (Thanh bì) lại có vị đắng, cay, tính ấm. Với tác dụng hành khí, giảm ứ đọng, trừ thấp, giảm đau và tăng tiêu hoá mạnh hơn trần bì.
Vỏ chín (Trần bì) vị đắng the, mùi thơm tính ấm; có tác dụng hành khí, tiêu đờm trệ, tốt cho tiêu hóa, giảm ứ đọng tại hệ thống tiêu hóa.
Các lưu ý khi sử dụng quýt
Quýt là một loại trái cây lành tính, nên các bạn có thể sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, đối với các vị thuốc như Quất bì, Thanh bì, thì cần tham khảo thêm bác sĩ y học cổ truyền trước khi sử dụng:
- Không có đàm thấp, không nên dùng
- Ho khan do âm hư, người khô khốc, không nên dùng
Cam quýt chứa một lượng đáng kể axit xitric và vitamin. Đồng thời, đó cũng là một nguồn giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường. Các tài liệu cho thấy rằng trái cây họ cam quýt có tác dụng chống ung thư; kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống ung thư, chống viêm, và kháng thương hàn và bảo vệ gan thích hợp.
Tinh dầu quýt là một trong những loại tinh dầu tốt nhất để cải thiện chứng lo âu và cảm giác buồn nôn. Giới khoa học gọi đây là liệu pháp mùi hương (aromatherapy), tinh dầu được khuếch tán vào trong không khí, vào cơ thể qua đường hô hấp.
Do đó, những lúc áp lực từ cuộc sống khiến bạn bị căng thẳng; hãy nghĩ đến tinh dầu làm từ vỏ quýt nhé. Hãy tượng tượng, sau 1 ngày làm việc, bạn được về nhà; bỏ vài giọt tinh dầu trong máy khuếch tán, bật bản nhạc không lời và nằm tận hưởng cuộc sống của chính mình. Thật tuyệt phải không nào?
Qua bài viết trên, hy vọng quý độc giả đã hiểu thêm về quýt – loại trái cây thân thuộc nhưng đem đến nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.
Để lại một phản hồi