Quả Mâm xôi được biết đến là trái cây để ăn rất giàu dinh dưỡng. Ngoài ra quả Mâm xôi, cùng với thân, rễ, lá cành còn có tác dụng chữa bệnh.
1. Quả Mâm xôi là quả gì?
1.1 Danh pháp
Tên gọi khác: Là quả của cây Mâm xôi, Phúc bồn tử, Đùm đũm, mác hủ (Tày), đũm hương.
Tên khoa học: Rubus alceaefolius Poir.
Họ: Hoa hồng (Rosaceae).
1.2 Mô tả cây
Cây mâm xôi thuộc cây bụi nhỏ, thân leo có những gai to và dẹt. Có cành mọc dài vươn ra, trên bề mặt có nhiều lông. Lá đơn, mọc kiểu so le với nhau, lá có nhiều hình dạng khác nhau như hình trứng, bầu dục hoặc gần tròn, chia thành những thùy nông không xẻ sâu và không đều, gân kiểu chân vịt, mép lá có nhiều khía răng. Mặt trên của lá có màu xanh lục sẫm phủ đầy lông lởm chởm, mặt dưới có lông mịn, mềm, có màu trắng xỉn.
Lá có cuống dài và có gai, lá kèm thường hay bị rụng sớm đi.
Hoa cụm mọc thành chùm ngắn ở kẽ lá hay ở ngọn đầu cành, lá bắc giống với lá kèm, màu sắc của hoa trắng, lá đài 5 và có lông, có khoảng 2 đến 3 cái ở phía ngoài chẻ ra ở đầu, các lá khác còn lại nguyên, cánh hoa 5, hình tròn và mỏng, nhị nhiều dài bằng cánh hoa, chỉ nhị dẹt, có nhiều lá noãn.
Quả mâm xôi thuộc kép, hình cầu, khi chín quả có màu đỏ và ăn được.
Mùa hoa quả thường vào tháng 4 – 9.
1.3 Phân bố, sinh thái
Chi Rubus L hiện nay có khoảng hơn 400 loài trên thế giới, đa số chúng là những cây mọc bụi thẳng, sống ở những vùng cận nhiệt đới và vùng ôn đới, cả ở vùng nhiệt đới ở Bắc bán cầu, có một số loài được trồng để lấy quả ăn.
Ở Việt Nam, chi có hơn 50 loài, trong đó Mâm xôi là loài phân bố rộng rãi nhiều nhất ở khắp các tỉnh thành từ vùng núi thấp, trung du đến đồng bằng.
Mâm xôi là cây ưa sống ở những nơi có ánh sáng và ẩm ướt, thường mọc bao trùm lên các cây bụi và dây leo, ở vùng đồng bằng Mâm xôi mọc lẫn vào trong các lùm bụi quanh làng.
Mâm xôi là loài cây phát triển sinh trưởng rất nhanh, cây cho ra hoa quả nhiều hằng năm, có khả năng tái sinh mạnh mặc dù bị chặt phá.
1.4 Thành phần hóa học
Trong quả Mâm xôi có chứa nhiều acid hữu cơ như acid citric, salicylic, malic, chất đường và pectin.
Lá cây Mâm xôi chứa tanin.
2. Cách sử dụng của Mâm xôi
Bộ phận dùng: cành và lá cắt thái từng đoạn rồi đem phơi khô, quả thu hoạch vào lúc chín.
Dùng quả Mâm xôi để ăn hay dùng làm mứt. Quả phơi sấy khô thường dùng làm thuốc.
3. Quả mâm xôi có tác dụng gì?
Theo Y học cổ truyền lá, cành và rễ cây mâm xôi có vị hơi ngọt, tính bình. Có tác dụng hoạt huyết, tán ứ kết, thanh nhiệt, chỉ huyết, kiện tỳ vị, giúp ăn uống ngon miệng.
Quả Mâm xôi có vị ngọt, tính bình. Quy vào hai kinh Can và Thận.
Quả Mâm xôi có tác dụng:
- Tư âm bổ Can Thận, ích khí, cường dương tăng sức mạnh, thu nhiếp tinh dịch, cố hạ tiêu.
- Quả trị các chứng tiểu nhiều, tiểu són, trị di tinh, xuất tinh sớm.
- Quả Mâm xôi dùng để chữa chứng thận hư, liệt tinh, di tinh, đái buốt, đái són. Thường dùng phơi khô sắc uống hay phối hợp với Kim anh tử, Ba kích mỗi vị 10 đến 15g.
- Hơn thế, quả Mâm xôi còn có tác dụng chữa đái dầm ở trẻ em.
Công dụng từ các bộ phận khác của cây Mâm xôi:
Dùng cành lá phơi khô của cây Mâm xôi đem phơi khô, sao vàng cho thơm rồi hãm với nước trà hay sắc nước uống trong ngày, có tác dụng dùng cho phụ nữ sau khi sinh bị mất sức, ăn uống kém ngon miệng, hay đầy trướng bụng, khó tiêu. Có thể dùng chung với lá khổ sâm.
Dùng lá và cành của Mâm xôi thường từ 20 – 30, mộc thông 15g, ô rô 15g, cho 400ml nước vào thuốc, sau đó sắc còn 100ml, uống 2 lần trong một ngày có tác dụng chữa các trường hợp bệnh viêm gan, viêm hầu họng, viêm tuyến vú.
Nước sắc lá và vỏ thân còn chữa tiêu chảy.
Lá cây Mâm xôi còn có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, gây sẩy thai.
4. Bài thuốc ứng dụng trên lâm sàng
Bổ thận, ích tủy, sinh tinh: Quả Mâm xôi, Câu kỷ tử, Ngũ vị tử, Thỏ ty tử, Xa tiền tử. Tất cả các vị thuốc đem phơi khô tán thành bột mịn nhỏ, trộn với mật ong làm hoàn để uống với nước muối pha loãng hay nước sạch. Đối với người hay bị di tinh thì bỏ Xa tiền tử dùng Liên tử (hạt sen) để dùng
Để lại một phản hồi