1. Triệu chứng của huyết áp thấp
Huyết áp thấp là khi huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu ) dưới 90mmHg, huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) dưới 60mmHg.
Do huyết áp thấp nên áp lực máu đưa đến các cơ quan trong cơ thể chậm và yếu; dẫn đến các biểu hiện như: Uể oải, mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, tức ngực, ngủ không sâu, mắt mờ, hơi thở nhanh, da lạnh, khát nước. Nếu huyết áp quá thấp, bệnh nhân có thể bị trụy tim mạch, ngất xỉu…
Tình trạng huyết áp thấp kéo dài có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.
2. Phân loại huyết áp thấp
Có thể phân thành 3 loại như sau:
- Huyết áp thấp nguyên phát: Có liên quan đến thể chất nội sinh của cơ thể, gặp nhiều ở nữ giới từ 20 – 40 tuổi người gầy và có xu hướng di truyền.
- Huyết áp thấp thứ phát: Có liên quan mắc một số bệnh mạn tính gây thiếu máu hoặc dinh dưỡng mất cân bằng kéo dài gây ra các bệnh về máu, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, suy giáp, lao phổi…
- Tụt huyết áp tư thế: Khi đang nằm, nếu ngồi hoặc đứng dậy, bệnh nhân đột ngột thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày, nhức đầu, mất thăng bằng có khi ngã.
Huyết áp thấp có triệu chứng mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu
3. Nguyên nhân gây ra huyết áp thấp
- Huyết áp thấp thường gặp trong trường hợp tân dịch hao tổn vì đổ nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy cấp tính mạn tính, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh, rối loạn tiền mãn kinh, phụ nữ có thai, thiếu vitamin B12.
- Hoặc do mắc các bệnh mạn tính rối loạn nhịp tim, nhịp tim chậm, các bệnh đái tháo đường, cường tuyến giáp, Parkinson, chấn thương sọ não, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất, bệnh về gan, nhiễm trùng máu, dị ứng,
- Do tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng các thuốc lợi tiểu, giãn mạch, thuốc yếu sinh lý, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau… dẫn đến huyết áp thấp.
- Nguy hiểm nhất trong bệnh huyết áp thấp là hạ huyết áp tư thế hay huyết áp thấp do trung gian, đó là khi phải đứng quá lâu dẫn đến hạ huyết áp. Hoặc do các cơ quan của hệ tim mạch, hệ thần kinh của cơ thể hư yếu không thích ứng với những sự thay đổi đột ngột. Tụt huyết áp nhiều lần gây tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể.
4. Phòng ngừa huyết áp thấp
- Người bệnh nên ăn nhiều bữa trong ngày với các loại thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa giúp tăng huyết áp. Nên ăn mặn hơn người bình thường. Uống các loại nước có tác dụng nâng huyết áp như: Trà sâm, trà gừng, trà đặc, cà phê.
- Không nên ăn uống những thức ăn có tính lợi tiểu như: Rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô… Hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn, mướp đắng, lòng trắng trứng gà, nước cam, khoai lang tím, tảo biển, ớt, quả kiwi… là những thực phẩm gây hạ huyết áp.
Trà sâm tốt cho người ngừa huyết áp thấp
Không nên thức khuya. Nằm ngủ nên để đầu thấp, chân cao. Giữ ấm khi ngủ. Ngủ dậy không thay đổi tư thế đột ngột. Đầu tiên là ngồi dậy trên giường, rồi buông chân xuống đất, sau đó từ từ đứng lên, nếu thấy xuất hiện triệu chứng gì nên ngồi xuống hoặc nằm xuống ngay và gác chân lên cao.
- Nên tắm nước nóng để tăng cường lưu thông máu nhưng không nên tắm quá lâu. Tập thể dục đều đặn, có thể đi bộ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, bơi.
- Cuối cùng kiểm tra lại các thuốc đang dùng có nguy cơ gây hạ huyết áp hay không. Có th́ể đọc kỹ lại chỉ định dùng thuốc và tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
5. Bài thuốc điều trị huyết áp thấp
Y học cổ truyền chia chứng huyết áp thấp thành 3 thể cơ bản. Tuỳ từng thể bệnh mà dùng bài thuốc điều trị khác nhau.
5.1. Thể tâm dương hư:
Biểu hiện: Tinh thần mệt mỏi, chân tay lạnh, tim hồi hộp, mạch nhỏ, yếu.
Bài thuốc: Quế chi 15g, nhục quế 15g, cam thảo chích 15g, ngũ vị tử 25g.
Cách dùng: Sắc uống ngày một thang, uống liền trong 7-10 ngày là một liệu trình.
5.2. Thể khí huyết hư
Biểu hiện: Đầu váng, mắt hoa, tai ù, ngại nói, tinh thần mệt mỏi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế sác.
Bài thuốc: Đảng sâm 15g, ngũ vị tử 10g, sơn thù 12g, cam thảo 10g, mạch môn đông 12g, sinh địa 12g, kỷ tử 12g.
Cách dùng: Sắc uống, ngày một thang, uống liền 7-10 ngày là một liệu trình.
5.3. Thể khí hư, dương hư
Biểu hiện: Sắc mặt nhợt, thở gấp, ngại nói, mệt mỏi, vô lực, chân tay lạnh, di tinh, họạt tinh, chất lưỡi bệu, rêu trắng, mạch trầm tế vô lực.
Bài thuốc: Hoàng kỳ 30g, ngũ vị tử 30g, đẳng sâm 30g, mạch môn đông 10g, sài hồ bắc 3g.
Cách dùng: Sắc uống, ngày một thang, uống liền trong 10 ngày là một liệu trình.
Để lại một phản hồi