Phèn đen hay còn goi là nỗ, tạo phàn diệp là một loại thảo dược sử dụng toàn cây có nhiều công dụng, đặc biệt là trị các bệnh như mụn nhọt, lỵ, chảy máu,..
Phèn đen là gì?
Danh pháp
Tên thường gọi: nỗ, Tạo phàn diệp.
Tên khoa học: Phyllanthus reticulatus Poir.
Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả cây
Cây bụi nhỏ, cao chừng 2 đến 4m. Cành Phèn đen nhỏ mảnh gầy, mềm có màu đen nhạt, trên cành có lông màu xám sau đó nhẵn.
Lá cây mọc kiểu so le với nhau, phiến lá mỏng có hình bầu dục, hình trứng ngược hay hình trái xoan nhọn hay tù ở hai đầu, dài từ 1,5 – 3cm, rộng 0,6 cm đến 1,2cm. Hai mặt của lá nhẵn không có lông, cùng màu vơi nhau hoặc mặt trên lá có màu hơi sẫm hơn, cuống lá ngắn, lá kèm hình tam giác hẹp.
Hoa thường mọc ở kẽ lá thành chùm hay đơn độc, gồm 3 – 4 hoa đực và cái, hoa đực có 5 lá đài và 5 nhị, trong đó có 3 cái dính vào nhau và 2 cái rời nhau. Hoa đực và hoa cái đều có lá đài giống nhau, chỉ khác nhau ở hoa cái to hơn hoa đực, có bầu 6 – 12 ô, mỗi ô có 2 noãn.
Quả hình cầu khi chín quả có màu đen, bên trong hạt có màu nâu nhạt. Mùa ra hoa quả thường vào tháng 8 – 10.
Phân bố, thu hái
Phèn đen phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới, tập trung ở các nước vùng Đông Nam Á và khu vực phía Nam Trung Quốc.
Ở Việt Nam cây có ở hầu hết khắp các tỉnh thành nước ta, từ vùng trung du, vùng núi thấp dưới 500m. Các tỉnh có cây này mọc nhiều nhất là ở vùng trung du Bắc Bộ gồm Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây, Hòa Bình.
Cây thích mọc ở những nơi ẩm ướt, có thể chịu bóng, thường mọc thành bụi lớn dọc theo các bờ sông suối, ven rừng, nương rẫy. Cây có khả năng phân thành nhiều cành ngay từ gốc và ra hoa quả hàng năm.
Thường vào buổi tối cây bốc ra một mùi rất khó chịu, hoàn toàn không giống với mùi tự nhiên của nó khi vò nát.
Thành phần hóa học
Trong rễ phèn đen có chứa octacosanol, friedelin, epifriedelinol, taraxeryl acetat, taraxeron, betulin, glochidonol, frieden – 3ß – ol.
Ngoài ra vị thuốc còn chứa flavonoid.
Tác dụng của Phèn đen
Theo y học hiện đại
- Tác dụng kháng khuẩn invitro với Escherichia coli, Bacillus subtilis, Shigella flexneri.
- Cao phèn đen, đặc biệt là cao từ lá của cây có hoạt tính kháng Plasmodium falciparum invitro.
- Tác dụng ức chế co thắt cơ trơn.
- Flavonoid của Phèn đen có tác dụng ức chế hoạt tính men polyphenol-oxydase huyết thanh người invitro rõ rệt ngay cả nồng độ thấp. Do vậy có tác dụng giảm viêm đau trong các bệnh nhiễm khuẩn.
- Có tác dụng cầm máu tại chỗ.
Theo y học cổ truyền
Thuốc có vị chát, tính mát có tác dụng thu liễm, lương huyết. Chủ trị cầm máu, thu sáp, giảm đau, sát khuẩn và giải độc.
Cách sử dụng Phèn đen
Bộ phận dùng: vỏ thân, rễ, lá.
Chế biến: Lá, thân, rễ rửa sạch loại bỏ tạp rồi đem phơi khô, có thể dùng sống hay sao vàng lên.
Các bài thuốc có Phèn đen
Chữa kiết lỵ đi tiêu chảy
Rễ phèn đen 20g đã được phơi khô sao vàng, vỏ quả lựu 20g cắt nhỏ sao vàng, sắc uống chia thành 2 lần trong một ngày, dùng 3 đến 5 ngày.
Lá phèn đen tươi 20g đem rửa sạch rồi giã nát, sau đó thêm nước đã được đun sôi để nguội rồi lọc, ý dĩ 20g, cam thảo nam 12g, mạch nha 12g. Đem 3 vị thuốc phơi khô rang vàng, tán thành bột. Đem bột này pha với nước Phèn đen chia uống 2 – 3 lần trong ngày.
4.2 Chữa các trường hợp lỵ cấp tính
Rễ Phèn đen 20g, rễ seo gà 20g, vỏ rụt 10g, đem cả 3 vị thuốc sao đen sắc uống 1 lần /ngày.
Rễ phèn đen, rễ seo gà, rễ cỏ tranh và dây mơ lông mỗi vị 20g, cho thêm 2g gừng sắc uống ngày một thang.
Chữa mụn nhọt độc
Lá Phèn đen, lá bèo ván đem giã nát sau đó đắp vào chỗ mụn nhọt
Chữa chảy máu răng
Lá phèn đen phơi khô chế thành viên hay phối hợp với lá long não, xuyên tiêu ngậm chữa chảy máu chân răng.
Chữa bệnh đậu mùa, tiểu tiện khó khăn, có mủ
Vỏ thân 20 – 40g sắc uống chia 2 – 3 lần trong một ngày.
Lưu ý
Do cây phèn đen có độc tính nên nếu không dùng đúng cách, đúng liều lượng có thể gây hại đến sức khỏe và nguy hiểm tính mạng.
Để lại một phản hồi