U máu là khối u lành tính bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chính là một hiện tượng bệnh khá phổ biến khiến cho cha mẹ cảm thấy hoang mang lo lắng cho con mình. Đây không phải là một loại bệnh nguy hiểm tới tính mạng nhưng cũng cần có kế hoạch chăm sóc, điều trị sớm để tránh hậu quả khó kiểm soát về sau cho các bé. Bài viết này chúng tôi đã tổng hợp những kiến thức cần biết về bệnh u máu ở trẻ em để cha mẹ có thể tham khảo và có giải pháp giúp con mình tốt nhất.
1. Bệnh u máu ở trẻ em là gì?
Bệnh u máu hay còn gọi là bệnh bướu máu đa phần là lành tính, được hình thành do những tế bào lót trong mạch máu. Về cơ bản thì bệnh này không gây nguy hiểm cho trẻ, cũng không di căn và không tái phát, cũng không ảnh hưởng gì đến tính mạng của trẻ.
U máu được chia làm 3 loại:
- U máu mao mạch: biểu hiện như một vết son hay một mảng màu rượu chát trên cùng mặt phẳng với da bình thường, ấn xuống không mất màu.
- U máu dạng hang: thường lớn, nhô khỏi mặt da, đa phần là u lan rộng và xâm lấn mô dưới da, cơ và có thể làm biến dạng cơ thể.
- U máu hỗn hợp: Thường gồm cả thể hang và mạch bạch huyết, gặp nhiều nhất ở tuyến mang tai, thương tổn nằm cả trong và dưới da.
2. Biểu hiện của bệnh u máu
Cấp độ 1 (nhẹ nhất): Ở giai đoạn này u chỉ giống như một cái bớt bình thường, phẳng trên da, chưa tạo thành khối và có những thay đổi về màu sắc như màu đỏ, màu đỏ tím hoặc màu xanh nhẹ.. Dấu hiệu bắt đầu xuất hiện u máu là sau khi sinh được 7-10 ngày mới được hình thành chứ không phải là xuất hiện ngay khi sinh ra.
Cấp độ 2: Vào giai đoạn này u máu phát triển thành một khối u, lúc này chúng đã nhô lên không còn là lớp da phẳng như trước kia nữa. Lúc này khối u có kích thước và hình thù rõ ràng, dễ nhận diện.
Cấp độ 3: Đến giai đoạn này thường đi kèm với những dấu hiệu như khối u bị vỡ ra hay xuất hiện những biến chứng (nhưng đa phần u máu rất ít gây ra những biến chứng).
U máu có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể trẻ sơ sinh. các vị trí phổ biến bao gồm: trên mặt, ngực, da đầu, sau lưng, tai. Kích cỡ và màu sắc của u mạch máu trên da trẻ tùy thuộc vào dạng u máu bé mắc phải.
3. Nguyên nhân gây bệnh u máu ở trẻ
Ngày nay người ta chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh u máu ở trẻ. Bệnh u máu ở trẻ hiếm khi do di truyền. Ngay cả chế độ dinh dưỡng, chăm sóc suốt thai kỳ cũng chưa cho thấy yếu tố nào có thể gây nên bệnh u mạch máu ở một đứa trẻ sau sinh.
4. Bệnh u máu ở trẻ em có nguy hiểm hay biến chứng gì không
Bệnh u máu ở trẻ sơ sinh lành tính, cũng không hề di căn, hay có những biến chứng gì nguy hiểm. Bệnh hoàn toàn không gây hại, cho nên bố mẹ có thể yên tâm. Thông thường thì u này sẽ tự động mất đi khi bé trưởng thành, có những trường hợp khối u duy trì đến khi bé lớn, tuy nhiên việc này không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Tuy nhiên khi bé có u máu để chắc chắn là không phải biểu hiện của bệnh gì khác nguy hiểm thì cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra và xét nghiệm chính xác.
5. Điều trị u máu ở trẻ
U máu lành tính và một số loại có thể tự biến mất khi trẻ lớn lên nên không cần điều trị. Tuy nhiên với một số bé kém may mắn là u máu xuất hiện trên mặt tiền gây mất thẩm mỹ. Khi bé lớn lên có thể làm bé tự ti với ngoại hình và tác động không nhỏ đến tâm lý. Vì vậy người mắc bệnh u máu cũng có thể điều trị tận gốc.
Hiện nay các chuyên gia điều trị u máu theo 3 cách sau:
Cách 1: Phá hủy bướu bằng cách dùng nhiệt, tia xạ, laser… để đốt tế bào u máu hoặc cắt bỏ khối u rồi làm lành vết thương sau.
Cách 2: Kiềm hãm sự phát triển của bướu bằng thuốc (thuốc uống, thuốc bôi) hoặc hóa trị.
Cách 3: Chờ thoái triển và xử lý di chứng.
Để điều trị theo cách nào thì cha mẹ cần đưa bé thăm khám và nhờ được tư vấn điều trị cho đúng chứ không được sử dụng thuốc tùy tiện. Tùy tuộc vào vị trí và tình trạng u máu như thế nào bác sỹ sẽ chỉ định cách điều trị nào sao cho phù hợp.
U máu là hiện tượng lành tính và không gây nguy hiểm vì thế cha mẹ không cần quá lo lắng khi bé có hiện tượng này nhé.
Để lại một phản hồi