Nhục quế (Cortex Cinnamomi) là một gia vị quen thuộc trong ẩm thực phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngoài là gia vị độc đáo với sự nồng ấm từ mùi hương, Quế còn là một vị thuốc thường dùng trong Y học cổ truyền.
1. Bộ phận dùng, thu hái và phân loại
Nhục quế thuộc họ Long não Laureacea.
Tên gọi khác: Quế Thanh, Quế Quỳ, Quế quan (Quế trồng từ Srilanca), Quế bì…
Nguồn cung cấp Quế ở quốc tế chủ yếu từ Srilanca. Hiện nay, Việt Nam ta tự trồng và cung ứng Quế làm thuốc lẫn gia vị. Quế được trồng nhiều ở dọc dãy núi Trường Sơn, từ Thanh Hóa đến Quãng Ngãi. Trong đó nổi tiếng về chất lượng là Quế được trồng tại Thanh Hóa.
1.1. Bộ phận dùng
Vỏ thân, vỏ cành to, còn cành nhỏ gọi là Quế chi. Thu hái vào tháng 4 – 5 và tháng 9 – 10. Do thời gian này Quế nhiều nhựa, bóc dễ, không bỏ sót lòng. Quế bóc sót lòng được coi là kém giá trị.
1.2. Chế biến
Lấy lạt buộc quanh thân và cành to, cách mặt đất 20 – 40cm do Quế lấy từ sát gốc được coi là chất lượng kém. Mỗi dây lạt buộc cách nhau 40 – 50cm để cắt cho đều. Sau đó đục gõ cho đứt vỏ quanh thân, cành theo đường dây lạt đã buộc. Tiếp tục đục gõ theo chiều dọc, cách nhau khoảng 40cm. Khi đã cắt ngang và dọc xong, người ta lại lấy que nứa vót nhọn và mỏng lách vào khe cắt, vỏ quế tự tách ra. Quế tách xong lại bổ dọc với chiều rộng từ 5 – 10cm.
1.3. Phân loại
- Phần vỏ được lấy từ thân cách mặt đất 1,2m đến chỗ chia cành thứ nhất gọi là Quế thượng châu. Loại này được coi là quế chất lượng nhất.
- Quế được bóc ở những cành to gọi là quế thượng biểu.
- Quế được bóc ở những cành nhỏ gọi là quế chi. Ngoài ra, Quế chi còn được lấy từ các cành quế non, chặt nhỏ rồi đem phơi.
Chế biến: sau khi thu hái, ngâm quế một ngày, lấy ra để khô nước rồi đem đi ủ. Mùa nóng ủ khoảng 3 ngày, mùa lạnh ủ khoảng 7 ngày.
2. Tác dụng theo Y học cổ truyền
Tính vị: cay, ngọt, nóng. Quy kinh tỳ, thận, tâm, can.
Tác dụng: bổ hoả trợ dương, tán hàn chỉ thống, ôn kinh thông mạch.
Chỉ định:
Điều trị thận dương bất túc, mệnh môn hoả suy gây liệt dương, lạnh tử cung, lưng lạnh đau, đái đêm nhiều lần, hoạt tinh di niệu thường dùng với phụ tử, sơn thù nhục, thục địa như bài thận khí hoàn, hữu quy ẩm. Điều trị hạ nguyên hư suy, dương hư bố lên trên ()thượng phù) gây mặt đỏ, khó thở, ra mồ hôi, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, mạch vi nhược có thể dùng can khương dẫn hoả quy nguyên, thường dùng với ngô thù du, ngũ vị tử, nhân sâm, mẫu lệ.
Điều trị hàn tà nội tập, hoặc tỳ vị hư hàn có thể dùng nhục quế tán bột hoà với rượu uống, hoặc dùng với can khương, cao lương khương. Điều trị tỳ thận dương hư gây đau bụng, nôn, tứ chi quyết lãnh, đại tiện lỏng thường dùng với phụ tử, can khương, nhân sâm như bài quế phụ lý trung hoàn.
Điều trị phong hàn thấp tý, thường dùng với độc hoạt, tang ký sinh, đỗ trọng như bài độc hoạt ký sinh thang. Điều trị hàn tà nội tập gây đau tức ngực thường dùng với phụ tử, can khương. Điều trị dương hư hàn ngưng thường dùng với lộc giác giao, bào khương, ma hoàng như bài dương hoà thang.
Điều trị bế kinh, thống kinh thường dùng với đương quy, xuyên khung, tiểu hồi hương như bài tiểu phúc trục ứ thang.
Liều dùng: 2 – 5g, nên cho sau hoặc tán bột dùng ngoài 1 – 2g/lần.
3. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý nhục quế
Thành phần hóa học: các hợp chất diterpenoid, phenyl glycosid, chất nhầy, các hợp chất flavonoid, tanin, coumarin. Tinh dầu chiếm 1 – 5%, trong đó chứa 65 – 95% là andehit cinnamic, acetat cinamyl, acetat propyl phenyl, eugenol.
Trong tinh dầu quế Trung Quốc người ta không thấy eugenol. Tinh dầu dễ tan trong ethanol 70% và acid acetic khan.
Tác dụng dược lý: kích thích hô hấp, tuần hoàn, tăng bài tiết, gây co mạch, tăng nhu động ruột và co bóp tử cung. Tinh dầu có chất sát trùng mạnh.
4. Cách sử dụng trong cuộc sống hàng ngày
Lấy miếng quế mài ra, hòa cùng nước để uống.
Pha như pha trà: gọt quết thành từng miếng nhỏ, bỏ vào ấm cho nước nóng vào rồi rót đổ bỏ ngay. Thêm nước sôi lần hai, chờ ngấm rồi để nguội uống. Có thể hãm 2 – 3 lần nước để uống, loại tốt có thể hãm 5 – 6 lần nước.
Rượu quế: nhục quế 6g rượu vừa đủ. Nhục quế giã nát, ngâm rượu trong 3 ngày, uống ấm. Thích hợp dùng khi bị đau nhức mình mẩy do cảm lạnh.
5. Một số bài thuốc và báo cáo khoa học nhục quế
- Trị đau thắt lưng:
Châu Quảng Minh dùng bột Nhục quế trị đau lưng do thận dương hư 102 ca. Gồm có viêm cột sống do phong thấp, viêm cột sống dạng thấp, đau do chấn thương và đau lưng chưa rõ nguyên nhân. Mỗi lần uống 5g, ngày 2 lần, trong 3 tuần. Tỷ lệ có kết quả 98%. Những ca có xương tăng sinh chụp lại X quang đều không thay đổi nhưng đau giảm hoặc hết. Tác dụng phụ gây khô miệng, táo bón (Tạp chí Trung tây y kết hợp 1984, 2:115).
- Điều trị vảy nến, mề đay:
Nghiên cứu của Truyền Thế Trân: dùng chất chiết xuất của Nhục quế trị 19 ca vẩy nến và 23 ca mề đay. Mỗi lần uống 25 – 50 mg (1 – 2 viên) ngày 3 lần. Đối với vẩy nến uống 4 – 8 tuần còn mề đay sau khi hết uống tiếp 5 – 14 ngày.
Kết quả: Vẩy nến khỏi 7 ca, kết quả tốt 2 ca, có hiệu quả 7 ca, không kết quả 3 ca, tỷ lệ kết quả 84,1%.
Mề đay khỏi 11 ca, tốt 9 ca, tiến bộ 1 ca, không kết quả 2 ca, tỷ lệ kết quả 91,2% (Học báo Y học viện Hà nam 1981, 2:385).
- Trị nhiễm độc phụ tử:
Nhục quế 5 – 10g ngâm nước uống, sau khi uống 5 – 15 phút, bệnh nhân nôn, sau 15 – 30 phút các triệu chứng giảm. Nếu không giảm tiếp tục uống 3 – 5g cách uống như trên. Theo báo cáo của bệnh nhân, sau khi uống thuốc 15 – 30 phút, có cảm giác tim đập mạnh hơn, chân tay ấm lại, cảm giác tê ở môi lưỡi và chân tay giảm dần (Báo Tân Trung y 1987, 5:53).
Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích cho độc giả về nhục quế, loại dược liệu – gia vị thông dụng của mọi nhà.
Để lại một phản hồi