Nhân sâm là dược liệu quý mà hầu như mọi người đều biết đến. Có rất nhiều giai thoại và chuyện kể về tác dụng thần kỳ của loại dược liệu đại bổ này. Tuy nhiên, liệu bạn có hiểu biết đúng về công dụng và cách dùng của Nhân sâm? Khi nào dùng và khi nào không được dùng Nhân sâm?
1. Mô tả
Nhân sâm có tên tiếng Anh là Rhizoma et Radix Ginseng. Nó là thân rễ và rễ đã phơi hay sấy khô của cây Nhân sâm, tên khoa học là Panax ginseng C.A.Mey, họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Sâm trồng gọi là Viên sâm, sâm mọc hoang gọi là Sơn sâm.
1.1. Cây Nhân sâm
Cây Nhân sâm là một cây sống lâu năm, cao chừng 0,6 m. Rễ mọc thành củ to.
Lá mọc vòng, có cuống dài, lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Nếu cây mới được 1 năm (nghĩa là sau khi gieo được 2 năm) thì chỉ có 1 lá với 3 lá chét. Nếu cây Nhân sâm được 2 năm cũng chỉ có 1 lá với 5 lá chét. Cây Nhân sâm 3 năm có 2 lá kép, cây Nhân sâm 4 năm có 3 lá kép, cây Nhân sâm 5 năm trở lên có 4 đến 5 lá kép. Tất cả đều có 5 lá chét (đặc biệt có thể có 6 lá chét) hình trứng, mép lá chét có răng cưa sâu. Bắt đầu từ năm thứ 3 trở đi, cây Nhân sâm mới cho hoa, kết quả.
Hoa xuất hiện vào mùa hạ. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành, hoa màu xanh nhạt, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ 2 núm.
Quả mọng hơi dẹt to bằng hạt đậu xanh, khi chín có màu đỏ, trong chứa 2 hạt.
1.2. Dược liệu Nhân sâm
Viên sâm
Sâm trồng, phơi hoặc sấy khô. Rễ cái có hình thoi hoặc hình trụ tròn, mặt ngoài màu vàng hơi xám. Phần trên hoặc toàn bộ rễ có nếp nhăn dọc rõ, có khía vân ngang, thô, không liên tục, rải rác và nông. Phần dưới có 2 đến 3 rễ nhánh và nhiều rễ con nhỏ, dài, thường có mẩu dạng củ nhỏ không rõ.
Chất tương đối cứng, mặt bẻ màu trắng hơi vàng, có tinh bột rõ. Tầng phát sinh vòng tròn, màu vàng hơi nâu. Vỏ có ống tiết nhựa, dạng điểm, màu vàng nâu và những kẽ nút dạng xuyên tâm. Mùi thơm đặc trưng, vị hơi đắng và ngọt.
Hồng sâm
Hấp, sấy và phơi khô rễ Viên sâm thu được Hồng sâm.
Sơn sâm
Nhân sâm mọc hoang, phơi hay sấy khô. Dược liệu là rễ cái, dài bằng hoặc ngắn hơn thân rễ; có hình chữ V, hình thoi hoặc hình trụ, dài 2 cm đến 10 cm. Mặt ngoài màu vàng hơi xám, có vân nhăn dọc, đầu trên có các vòng vân ngang, trũng sâu, dày đặc. Cây thường có 2 rễ nhánh; các rễ con trông rõ ràng, mảnh dẻ, nhỏ, sắp xếp có thứ tự; có mấu nổi lên rõ gọi là “mấu hạt trân châu”. Thân rễ mảnh dẻ, nhỏ, dài. Bộ phận trên có các vết sẹo thân, dày đặc, các rễ phụ tương đối nhiều.
2. Thu hái và bào chế
2.1. Thu hái
Thường thu hoạch Nhân sâm vào mùa thu (tháng 9 đến tháng 10), ở những cây trồng từ 4 năm trở lên, rửa sạch, phơi nắng nhẹ hoặc sấy nhẹ đến khô. Hoặc chế bằng cách đồ rồi ép để được Hồng sâm.
2.2. Bào chế
- Viên sâm: Ủ mềm, thái phiến mỏng, phơi khô.
- Sơn sâm: Khi dùng tán thành bột hoặc giã nát hay phân ra thành miếng nhỏ.
3. Thành phần hoá học của Nhân sâm
Một số loại hợp chất đã được phân lập từ Nhân sâm, bao gồm polysacarit, ginsenoside, peptide, ligans…
Polysacarit là thành phần phong phú nhất của Nhân sâm. Hàm lượng polysacarit trong Nhân sâm đã được báo cáo là gần 40% (tính theo trọng lượng).
Ginsenosides, được gọi là saponin, được coi là thành phần hoạt tính sinh học chính của Nhân sâm.
4. Hoạt tính sinh học
4.1. Chống lão hoá
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất Nhân sâm đã được chứng minh là cải thiện khả năng học tập và trí nhớ ở động vật bình thường, già hoặc bị tổn thương não. Cơ chế thông qua việc chống oxy hoá mạnh của Nhân sâm.
4.2. Chống đái tháo đường
Năm 2001, Chung et al. báo cáo rằng sử dụng đường uống của rễ Nhân sâm cho chuột KKAy mắc bệnh tiểu đường trong 4 tuần làm giảm mức đường huyết tương tự như thuốc nhạy cảm với insulin.
Năm 2004, đã có báo cáo rằng chiết xuất ethanol trong Nhân sâm hoang dã có thể ngăn ngừa đái tháo đường tuýp 2 và béo phì ở chuột IRC thông qua việc cải thiện chỉ số kháng insulin và giảm đường kính tế bào mỡ trắng và nâu.
4.3. Hoạt động miễn dịch
Ginsan, một loại polysacarit trong Nhân sâm đã được chứng minh có tác dụng điều hoà miễn dịch mạnh. Năm 2005, ginsan đã được tìm thấy là cải thiện tình trạng ức chế miễn dịch do bức xạ.
4.4. Chống ung thư
Nhân sâm đã được chứng minh là có đặc tính chống ung thư mạnh mẽ. Các hợp chất saponin và không saponin từ rễ Nhân sâm đã được báo cáo cho thấy những hoạt động gây độc tế bào, chống lại các loại tế bào ung thư khác nhau trong nuôi cấy.
Hợp chất K, chất chuyển hóa ginsenoside, đã được tìm thấy là ức chế sự phát triển của tế bào ung thư bạch cầu đơn nhân (năm 2005). Rg3 đã được phát hiện ức chế sự tăng sinh tế bào khối u và gây ra apoptosis tế bào ở những con chuột bị ung thư gan. Năm 2009, Fishbein et al. đề xuất Nhân sâm đỏ như một liệu pháp tiềm năng, bổ trợ trong điều trị ung thư đại trực tràng, thông qua tác động hiệp đồng.
4.5. Hoạt động thần kinh
Bổ sung phần saponin của Nhân sâm có thể làm tăng lượng norepinephrine và dopamine (DA) trong não chuột. Tổng số saponin trong Nhân sâm có thể điều chỉnh hệ thống tế bào thần kinh dopaminergic gây ra bởi methamphetamine. Năm 2009, người ta đã báo cáo rằng chiết xuất Hồng sâm có thể điều chỉnh biểu hiện các yếu tố tăng trưởng thần kinh trong mô hình chuột đa nang gây ra bởi steroid.
4.6. Hoạt động điều hòa lipid và chống huyết khối
Người ta thấy rằng saponin, một trong những thành phần chính của Nhân sâm Panax có ảnh hưởng đến chuyển hóa lipid. Saponin kích thích sự hấp thụ, chuyển hóa và vận chuyển lipid. Ngoài ra, nó cũng làm giảm nồng độ cholesterol và chất béo trung tính trong huyết tương, ức chế sự hình thành xơ vữa động mạch chủ ở động vật bị tăng cholesterol máu do sử dụng lâu dài cholesterol cao hoặc do ăn chế độ ăn có chứa cholesterol cao.
4.7. Chữa lành vết thương và loét
Ginsenoside Rh3 được chuyển hóa từ ginsenoside R5 có thể cải thiện viêm da mãn tính hoặc bệnh vẩy nến. Năm 2003, người ta phát hiện Rb1 có tác dụng chống loét thông qua việc tăng tiết chất nhầy.
5. Công dụng và liều dùng
5.1. Công dụng
Đại bổ nguyên khí, bổ máu, bổ cả năm tạng, an thần ích trí.
Chủ trị: người yếu, mệt mỏi, thở ngắn, chân tay lạnh, mạch đập nhỏ yếu, ăn khó tiêu, dễ tiêu phân sống, kém ăn, ho suyễn, khô khát, miệng khát nước, nóng trong người, tiểu nhiều, bệnh lâu ngày gầy yếu, tim hồi hộp, kiệt sức, hay choáng ngất.
Nhân sâm là một vị thuốc bổ quý hiếm trong y học cổ truyền, làm tăng thể lực và trí lực. Nó được dùng trong trường hợp cơ thể suy yếu, kiệt sức, mệt mỏi và trong thời gian dưỡng bệnh.
5.2. Liều dùng
Ngày dùng từ 4 g đến 10 g, dùng đơn độc hoặc phối hợp trong các bài thuốc. Dạng thuốc hãm hoặc lấy dịch chiết bằng cách: thái lát mỏng cho vào chén sứ, thêm ít nước, đậy nắp, đun cách thủy đến khi chiết hết mùi vị.
6. Bài thuốc kinh nghiệm
6.1. Độc sâm thang
Nhân sâm 40g. Nước 400 ml (2 bát) sắc còn 200 ml (1 bát), cho uống từng ít một, không kể thời gian. Chữa cơ thể quá suy nhược sau khi mất máu nhiều, thần kinh suy nhược. Uống xong cần nằm yên.
6.2. Tứ quân tử thang
Nhân sâm 10g, Bạch truật 9g, Phục linh 9g, Cam thảo (chích thảo) 6g. Tất cả tán thành bột. Mỗi lần dùng 6g sắc với 200 ml nước còn 150 ml, uống không kể thời gian. Chữa ăn uống kém, thở ngắn, hay mệt mỏi, mặt nhợt nhạt, chân tay đau mỏi, nôn mửa.
6.3. Sâm phụ thang
Nhân sâm 40g (có thể 20g), Chế phụ tử 20g (có thể dùng 10g), Sinh khương 3 nhát, Táo đen 3 quả, nước 3 bát (600 ml) sắc còn 200 ml (1 bát) chia làm nhiều lần uống trong ngày. Chữa những trường hợp mạch suy, kiệt, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh.
6.4. Sâm tô ẩm
Nhân sâm, Tô diệp, Cát căn, Tiền hồ, Bán hạ, Phục linh mỗi vị 22,5g. Trần bì, Cam thảo, Cát cánh, Chỉ xác, Mộc hương mỗi vị 15g tán nhỏ trộn đều. Mỗi lần dùng 12g, nước 150 ml, gừng 7 lát, táo 1 quả. Sắc uống lúc còn nóng. Chữa ngoại cảm phong hàn, phát sốt sợ rét, đau đầu ngạt mũi, ho nhiều đờm.
7. Kiêng kỵ
- Nhân sâm phản Lê lô, Ố tạo giác, Hắc đậu nên không được dùng chung. Không dùng dụng cụ bằng sắt khi chế Nhân sâm.
- Khi dùng Nhân sâm, không nên uống trà hoặc ăn củ cải.
Để lại một phản hồi