Ngưu tất: Dược liệu chữa bệnh xương khớp hiệu quả

Ngưu tất từ lâu đời đã được sử dụng trong điều trị đau nhức xương khớp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, dược liệu còn có những lợi ích khác. 

Ngưu tất là gì?

Tên khoa học

  • Còn có tên khác: hoài ngưu tất, cỏ xước hai răng.
  • Tên khoa học Achyranthes bidentata Blume.
  • Họ Dền Amaranthaceae.
  • Ta dùng rễ phơi hoặc sấy khô để làm thuốc (Radix Achyranthes bidentata).
  • Theo y văn cổ: ngưu tất có hình dạng giống đầu gối của con trâu (ngưu là trâu, tất là đầu gối).

Mô tả Ngưu tất

Đây là loại cỏ xước hai răng nên người ta thường nhầm với cỏ xước Achyranthes aspera L. (tức là ngưu tất nam).

Cây có thân mảnh, hơi vuông, thông thường cao 1m, nhưng đôi khi có thể cao đến 2m. Lá mọc đối có cuống, dài từ 5 đến 12 cm, rộng từ 2 đến 4cm, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên. Cụm hoa mọc thành chùm ở đầu cành hoặc kẽ lá.

Phân bố, thu hái

Hiện nước ta đang trồng giống cây di thực từ Trung Quốc. Giống cho rễ to hơn cây cỏ xước mọc hoang ở nước ta.

Ta cũng có thể tìm cây cỏ xước ở nước ta dùng thay thế cho ngưu  tất được. Tuy nhiên, ta cần lưu ý liều lượng để đạt hiệu quả cao nhất.

Đặc điểm tự nhiên củ cây Ngưu Tất
Đặc điểm tự nhiên của cây Ngưu tất

Tác dụng dược lý của Ngưu tất

Thành phần hóa học

Trong rễ ngưu tất người ta chiết xuất được saponin, rhamnose, ecdysterone, inokosteron, muối kali

Tác dụng dược lý theo Y học hiện đại

Thoái hóa khớp là một rối loạn liên quan đến khớp, một trong những lý do hàng đầu gây tàn tật, ảnh hưởng đến 250 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới, tăng dần theo tuổi, đặc biệt sau 65 tuổi. Chondrocytes là thành phần thiết yếu của sụn khớp, rất quan trọng để duy trì cấu trúc vật lý của sụn. Cây giúp bảo vệ các chức năng của tế bào chondrocytes thông qua điều chỉnh các chu trình hoạt động của tế bào. Từ đó, bảo vệ sụn khớp, cải thiện và làm chậm quá trình thoái hóa khớp.

Ngưu tất được tác giả Đoàn Thị Nhu ghi nhận có tác dụng hạ cholesterol máu và hạ huyết áp.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy cây còn làm co bóp tử cung ở các động vật thí nghiệm như thỏ, chuột, chó, v.v… Tác dụng này có thể hỗ trợ điều trị trong đau bụng kinh. Tuy nhiên, không được sử dụng ở phụ nữ có thai.

Tác dụng theo Y học cổ truyền

Tính vị: đắng, ngọt, chua bình. Qui kinh can thận.

Tác dụng hoạt huyết thông kinh, bổ can thận, cường cân cốt, lợi niệu thông lâm, dẫn hoả (huyết) hạ hành.

Chỉ định:

Điều trị các chứng ứ huyết trở trệ gây kinh bế, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều… thường dùng cùng với đào nhân, hồng hoa, đương qui. Điều trị chấn thương sưng đau, đau lưng thường dùng với tục đoạn, đương qui, nhũ hương, một dược.

Điều trị can thận hao hư gây đau lưng mỏi gối thường dùng với đỗ trọng, tục đoạn, thục địa. Điều trị tý chứng lâu ngày gây đau tê lưng dùng với độc hoạt, tang ký sinh.

Điều trị nhiệt lâm, huyết lâm, sa lâm thường dùng với hoạt thạch như bài ngưu tất thang. Điều trị thuỷ thũng tiểu tiện bất lợi thường dùng với địa hoàng, trạch tả, sa tiền tử như bài tế sinh thận khí hoàn. 

Điều trị đau đầu hoa mắt mắt đỏ do can dương thượng cang thường dùng với đại giả thạch mẫu lệ như bài trấn thang tức cam thang. Nếu vị hoả thượng viêm gây đau quanh răng, miệng lưỡi mọc mụn thường dùng với địa hoàng, thạch cao, tri mẫu như bài ngọc nữ tiễn. Nếu khí hoả thượng nghịch, bức huyết vong hành gây nôn ra máu chảy máu cam thường dùng với bạch mao căn, sơn chi, đại giả thạch.

Liều dùng: 6 – 15g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, kinh nguyệt quá nhiều. Không nên dùng khi tỳ hư tiết tả.

Cách sử dụng Ngưu tất

Người ta đào rễ mang về, ta rửa sạch rồi đem phơi hoặc sấy cho khô

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt.

Các bài thuốc từ Ngưu tất

Ngày dùng từ 3 – 9 gram dưới dạng thuốc sắc.

Ngưu tất thường được sử dụng trong nhiều bài thuốc, cùng nhiều vai trò khác nhau từ chính cho đến phụ.

Bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh: Độc hoạt, tang ký sinh, tần giao, phòng phong, tế tân, đương quy, bạch thược, xuyên khung, sinh địa, đỗ trọng, ngưu tất, nhân sâm, phục linh, nhục quế, cam thảo. Bài thuốc có tác dụng ích bổ can thận, bổ khí huyết, khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc, trị đau các khớp, đau khắp cơ thể của người cao tuổi, người ở độ tuổi trung niên, kể cả nam và nữ.

Bài thuốc Ngưu tất tán: Ngưu tất, Quế chi, Thược dược, Đào nhân, Đương quy, Mẫu đơn bì, Diên hồ sách, Mộc hương. Có tác dụng với các chứng kinh nguyệt khó, kinh nguyệt thất thường, đau khi có kinh ở những phụ nữ thể lực tương đối tốt. Không dùng cho phụ nữ có thai.

Lưu ý

  • Do ngưu tất có tính chất phá huyết hành ứ nên phụ nữ có thai không được dùng.
  • Không kết hợp ngưu tất với hùynh hỏa, qui giáp, lục anh, bạch tiền.
  • Ngưu tất có tính hoạt, không dùng cho người di tinh, mộng tinh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*