Từ rất lâu, Mướp hương đã trở thành một món rau ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày. Hình ảnh những giàn mướp trái sai lúc lỉu đã xuất hiện không ít lần trong các bài văn, bài thơ. Những trưa hè nóng nực mà có tô canh mướp hay món mướp hương xào, bữa cơm bỗng ngon hơn hẳn.
Mướp hương là gì?
Tên khoa học của Mướp hương là Luffa aegyptiaca Mill., thuộc họ Bầu Bí (Curcubitaceae). Nó còn được gọi bằng những tên khác như Mướp, Mướp ta, Ty qua,…
Mô tả thực vật
Đây là loại cây dây leo. Thân góc cạnh, màu lục nhạt. Trên thân có tua cuốn dài, mập, thường chẻ ba. Lá mướp to, mọc so le, chia thùy hình mác hoặc hình tam giác. Ở mép lá chia 5 – 7 thùy có răng cưa, cuống dài, sờ vào thấy thô ráp.
Hoa mướp hương màu vàng, mọc ra từ kẽ lá. Hoa là dạng đơn tính. Hoa đực mọc thành chùm, hoa cái mọc riêng lẻ. Quả của nó hình trụ thuôn, dài 25 – 30cm, đường kính 6 – 8cm. Quả lúc non mềm, xốp, chứa nhiều nước, vỏ màu xanh lục. Lúc già dần khô đi, vỏ và ruột xơ hóa. Trong quả có nhiều hạt dẹt, hình trứng. Mướp hương tỏa ra mùi thơm khá dễ chịu.
Cây thường được trồng vào mùa xuân. Đa phần để lấy quả làm thực phẩm, ngoài ra còn dùng làm thuốc.
- Giàn mướp hương
Phân bố
Mướp hương là cây bản địa của vùng Bắc Phi. Tại nước ta, cây trồng rộng rãi ở khắp các tỉnh thành.
Bộ phận dùng
Hầu hết tất các các bộ phận của cây Mướp hương đều có thể dùng làm thuốc: Dây mướp (Ty qua đằng), Lá mướp (Ty qua diệp), Quả tươi (Sinh ty qua), Xơ mướp (Ty qua lạc). Cả rễ và hạt cũng dùng được.
Thu hái, sơ chế, bảo quản
Thu hái: Mướp hương có thể thu hái quanh năm
Sơ chế: Các bộ phận sau khi được lấy về đem rửa sạch. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô để bảo quản lâu ngày.
Bảo quản: Dược liệu tươi rất nhanh hư, chỉ có thể dùng trong vài ngày, nên được cất trong tủ lạnh. Dược liệu khô cất giữ nơi khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh ẩm thấp, mối mọt làm hư hại thuốc.
Tác dụng của Mướp hương
Thành phần hóa học có trong dược liệu
Các bộ phận của cây Mướp hương đều có chứa Saponin. Trong đó quả Mướp non chứa carbohydrat, các chất khoáng, vitamin. Hạt chứa một chất đắng là cucurbitacin B, một saponin đắng kết tinh khi thuỷ phân cho acid oleonolic và một sapogenin trung tính; còn có một saponin khác.
Tác dụng của Mướp hương theo Y học hiện đại
Một số nghiên cứu cho thấy, các bộ phận của dược liệu đều có công dụng chữa bệnh:
- Quả mướp giúp chống viêm, cấp nước, giảm nếp nhăn, hỗ trợ điều trị ho, hen suyễn, đau bụng kinh, kinh nguyệt quá nhiều, viêm bàng quang, tắc sữa,…
- Dây mướp có tác dụng ức chế khuẩn cầu.
- Xơ mướp chống viêm đường tiết niệu.
- Lá mướp làm giảm các nếp nhăn
- Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp
- Các bộ phận của cây Mướp hương
Tác dụng của Mướp hương theo Y học cổ truyền
Các bộ phận khác nhau sẽ có những công dụng khác nhau:
Quả: có vị ngọt, tính mát, giúp thanh nhiệt, trừ đàm, làm mát máu, giải độc. Ngoài ra nó còn làm ra sữa, chữa lở sưng đau nhức, an thai.
Lá: vị ngọt, chua, tính lạnh. Có tác dụng thanh nhiệt trừ đàm, giải độc, cầm máu, chữa các cơn ho cấp tính, mạn tính, ho nhiều đàm, đàm dính máu.
Thân: vị ngọt, tính bình, giúp hoạt huyết thông kinh lạc, thanh nhiệt giải độc.
Gốc: chữa các chứng viêm đường hô hấp
Rễ: vị ngọt, tính bình. Nó giúp thông kinh hoạt lạc, thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, giúp nhuận tràng, chữa viêm đường hô hấp, đau nửa đầu , viêm tuyến vú.
Xơ: vị ngọt, tính bình. Giúp thông kinh lạc, thanh nhiệt giải độc, trừ đàm, lợi tiểu, tiêu phù thũng
Cách sử dụng Mướp hương
Liều lượng: 10 – 15gr/ 1 ngày. Có thể nấu thuốc sắc, uống độc vị hoặc phối với các thuốc khác. Cũng có thể dùng ngoài dưới dạng bôi đắp ngoài da, nấu nước tắm, ngâm rửa,…
Lưu ý: Những người ăn uống tiêu hóa kém, thường hay đau bụng, phân lỏng nát không nên dùng nhiều Mướp hương.
Một số bài thuốc từ dược liệu Mướp hương
Bài thuốc chữa mụn nhọt, tiêu viêm, tiêu sưng
Lá mướp bánh tẻ, rửa sạch, gĩa nát, đắp lên chỗ mụn nhọt, vết thương.
Bài thuốc chữa viêm họng, họng sưng đau
Lá mướp tươi rửa sạch, thêm chút muối ăn, giã nát vắt lấy nước uống.
Bài thuốc chữa ho hen, khó thở, trừ đàm
Quả Mướp non, khi quả ra được khoảng 20 ngày, hái về thái mỏng, sao vàng, sắc lấy nước uống.
Bài thuốc chữa viêm tắc tia sữa
Mướp cả quả khô, cả hạt đốt tồn tính, tán mịn. Mỗi lần uống 8g với ít rượu và xoa đắp lên vú.
4.5. Bài thuốc chữa trĩ chảy máu, lỵ ra máu
Xơ mướp 8g, đốt tồn tính tán bột, ngày uống 2 lần. Hoặc Xơ mướp cho vào chảo đến khi bốc khói, vàng sẫm, nhắc khỏi lửa, đậy vung lại để nguội tán bột, uống ngày 2 lần, mỗi lần 2g.
Để lại một phản hồi