Vào những đêm lành lạnh, được ngồi ăn một tô phở ấm nóng có lẽ không gì thú vị bằng. Bỏ vào đó một miếng rau mùi tàu, hương vị phở dường như cũng nồng nàn thêm. Không chỉ vậy, các món canh, như canh chua, canh khoai mỡ,… cũng kém ngon hơn nếu thiếu món rau nêm này. Nhưng điều thú vị ở đây, Mùi tàu không chỉ là một loại rau, một món gia vị, mà nó còn là một vị thuốc trong dân gian.
Mùi tàu là gì?
Rau mùi tàu còn được biết đến với những cái tên khác như: Ngò gai, Ngò tàu, Ngò tây, Mùi gai, Già nguyên tuy,… Nó có tên khoa học Eryngium foetidum L., thuộc họ Hoa tán (Apiaceae).
Mô tả thực vật
Đây là loại cây cỏ sống hàng năm. Thân cây mọc đứng có khía, cao 15 – 40cm, nhiều lần rẽ đôi.
Lá mọc sát đất thành hình hoa thị ở gốc. Phiến lá hình mác hẹp, thuôn dài, không có cuống. Mép khía tai bèo với nhiều răng có gai sắc. Lá ở trên thân càng lên trên càng ngắn dần, nhỏ dần, có nhiều răng cưa và gai sắc hơn. Các lá ở trên xẻ 3 – 7 thùy ở chóp và có nhiều gai.
Hoa Mùi tàu thành đầu hình trụ hay hình trứng. Hoa màu trắng, mọc thành tán. Nó có bao chung gồm 5 – 7 lá bắc hình mũi mác dẹp, mỗi bên có 1 – 2 răng và một gai ở chóp.
Quả gần hình cầu, hơi dẹt, đường kính 2mm, chứa nhiều hạt bên trong. Khi trưởng thành, quả rụng và phát tán. Toàn thân cây có mùi thơm của tinh dầu.
- Cây Mùi tàu có lá mọc sát gốc hình hoa thị
Phân bố
Cây có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới ở châu Mỹ. Ở nước ta, cây mọc hoang, phổ biến ở nơi đất ẩm vùng đồi núi. Nó cũng được trồng nhiều để làm rau gia vị.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thu hái: có thể thu hái Mùi tàu này quanh năm
Chế biến: dùng dưới dạng tươi hoặc phơi khô trong bóng râm để dùng dần
Bảo quản: cất giữ thuốc nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát. Tránh những nơi ẩm thấp làm hư hại thuốc, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào làm mất tính dầu trong thuốc.
Tác dụng của Mùi tàu
Thành phần hóa học trong dược liệu
Trong lá và rễ chứa hàm lượng rất cao tinh dầu. Ngoài ra nó còn đầy đủ các chất dinh dưỡng gồm protein, chất béo, tinh bột.
Hạt của nó giàu canxi, sắt, phospho, carotene và riboflavin, vitamin A, B1, B2 và C. Và nó cũng có nhiều monoterpenoids và sesquiterpenoids.
Rễ Mùi tàu chứa saponin.
Tác dụng của Mùi tàu theo Y học cổ truyền
Dược liệu có vị cay nhẹ, tính ấm. Nó có rất nhiều công dụng:
- Có mùi thơm giúp khai vị, giúp ăn ngon miệng
- Làm tiêu thức ăn
- Giúp ngủ ngon giấc
- Giúp giải nhiệt
- Chữa sổ mũi
- Chữa đau tức ngực
- Trị rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, tiêu chảy
- Có thể dùng giải độc các chất tanh lạnh, thanh uế
- Chữa những bệnh do người bị nhiễm hơi ẩm sinh ra uể oải, chán ăn, và sau đó nóng bức, sinh ngứa, mụn nhọt.
- Trị mụn nhọt, trị nám da
- Trị sỏi thận
- Chữa đái dầm ở trẻ nhỏ
- Chữa hôi miệng
- …..
- Rau Mùi tàu có trong nhiều món ăn có tác dụng giúp khai vị, dễ tiêu
Cách dùng Mùi tàu
Liều dùng ngày khoảng 10 – 15g. Có thể dùng tươi hay khô. Dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, độc vị hoặc phối hợp với các thuốc khác.
Một số bài thuốc từ Mùi tàu
Bài thuốc chữa sốt, cảm mạo
Sắc nước uống hoặc ép lấy nước uống. Có thể kết hợp với các vị thuốc có tinh dầu khác như Gừng, Sả, Riềng, Ngải cứu,…
Bài thuốc chữa cảm mạo, ăn uống không tiêu
Mùi tàu khô 10g, Cam thảo đất 6g. Tất cả đem rửa sạch, đổ vào đó 300ml nước, đun sôi. Giữ sôi trong vong 15 phút. Lưu ý đóng nắp để hạn chế bay mất tinh dầu trong dược liệu. Phần nước còn lại sau khi sôi đem chia thành 3 phần, uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy
Mùi tàu tươi 20 – 30g, sắc uống hoặc nhai nuốt nước. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với Gừng sống, Củ sả, Tía tô. Khi ấy dùng mỗi vị 12g, sắc chung lấy nước uống.
Bài thuốc trị các vết thương hay vết rắn cắn
Lấy rau Mùi tàu tươi đem giã nát rồi đắp vào vết thương.
Một số lưu ý khi sử dụng Mùi tàu
- Theo kinh nghiệm xưa, phụ nũ mang thai nên kiêng ăn Mùi tàu
- Những người bị bệnh dạ dày nên dùng dưới dạng xay hoặc ép nước sẽ đỡ bị kích ứng hơn dùng trực tiếp
Để lại một phản hồi