Viêm loét dạ dày là căn bệnh rất phổ biến hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng khó lường. Dưới đây là một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày hữu hiệu.
1. Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là bệnh biểu hiện bằng những vết trợt, loét trên niêm mạc dạ dày gây ra cảm giác khó chịu, nôn nao hoặc đau dạ dày. Trong vài trường hợp, các vết viêm loét này sẽ tự khỏi tuy nhiên bệnh có thể trở lại nhiều lần. Phần lớn người bệnh cần điều trị nhằm giảm triệu chứng khó chịu, làm lành vết loét và ngăn ngừa biến chứng.
2. Những nguyên nhân gây ra bệnh viêm loét dạ dày?
Viêm loét hình thành do axit tiêu hóa bào mòn lớp niêm mạc dạ dày. Có điều này là do sự dư thừa axit dạ dày hoặc do lớp màng bảo vệ bị hủy hoại khiến niêm mạc dạ dày trở nên dễ tổn thương hơn. Hai nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày bao gồm:
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: Đây là chủng vi khuẩn có khả năng sinh trưởng trong môi trường axit của dạ dày. H. pylori làm gia tăng lượng axít tiết ra từ dạ dày, gây viêm lớp niêm mạc bề mặt và phá hủy lớp màng bảo vệ dạ dày; những điều này góp phần trong sự hình thành các vết loét. H. pylori tồn tại dai dẳng trong cơ thể nếu không được điều trị hiệu quả và làm gia tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng trên đường tiêu hóa thậm chí là ung thư dạ dày.
Sử dụng không hợp lýthuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID): Là loại thuốc giảm đau, kháng viêm được dùng phổ biến, NSAID có thể gây viêm loét dạ dày đặc biệt khi dùng liều cao, thời gian dài. NSAID thay đổi cấu trúc màng bảo vệ đường tiêu hóa và dẫn đến viêm loét.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm loét dạ dày hoặc làm tăng nặng bệnh còn là thói quen hút thuốc, uống rượu bia, thường xuyên dùng các thức ăn, thức uống khó tiêu (chua, cay nóng, nhiều dầu mỡ) …, do yếu tố di truyền hoặc các yếu tố gây căng thẳng và áp lực tâm lý khác.
3. Các thuốc điều trị viêm loét dạ dày
Người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh từ đó tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả bệnh viêm loét dạ dày.Nếu được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn H. pylori, bác sĩ có thể sẽ chỉ định một liệu trình kháng sinh phối hợp với các thuốc khác để tiệt trừ vi khuẩn này. Trường hợp viêm loét không kèm H. pylori, các thuốc điều trị giúp giảm triệu chứng và làm lành vết loét sẽ được sử dụng. Các thuốc này bao gồm các chất kháng tiết axit dạ dày, trung hòa axit hoặc bao phủ ổ loét được chỉ định tùy tình trạng bệnh.
4. Thuốc kháng tiết axit dạ dày có tác dụng gì?
Thuốc kháng tiết axit dạ dày gồm 2 nhóm chính là thuốc ức chế thụ thể histamin H2 (Histamine-2 receptor antagonists – H2RA) và thuốc ức chế bơm proton (Proton pump inhibitor – PPI). Tuy cơ chế hoạt động khác nhau nhưng cả 2 nhóm đều giúp giảm sản sinh axit dạ dày, giảm các triệu chứng đau, nóng rát, khó chịu và giúp làm lành vết loét.Một số thuốc nhóm H2RA thông dụng như cimetidin, ranitidin, famotidin … được sử dụng trong những trường hợp viêm loét dạ dày đơn giản, ít triệu chứng hoặc giúp giảm tiết axit khi ngủ. Thuốc được hấp thu tốt sau khi uống và ngăn chặn sự tiết axit thông qua ức chế thụ thể H2 tại tế bào viền dạ dày.Thuốc ức chế bơm proton (PPI) với các tên thuốc thường gặp như omeprazol, esomeprazol, pantoprazol … là thuốc được sử dụng nhiều nhất và giúp điều trị hiệu quả viêm loét dạ dày. Thuốc còn được phối hợp cùng với kháng sinh trong các liệu trình tiệt trừ H. pylori. PPI ức chế tiết axit dạ dày thông qua khóa bơm proton tại tế bào thành dạ dày, giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu và hiệu lực làm lành vết loét cao. Các PPI còn được sử dụng cùng với NSAID để phòng ngừa loét dạ dày.
5. Thuốc trung hòa axit dạ dày (antacid)
Như tên gọi, nhóm thuốc này giúp trung hòa axit dạ dày và giảm triệu chứng đau rát. Thuốc thường có thành phần như magne trisilicat, nhôm hydroxit, canxi carbonat… giúp ích trong điều trị viêm loét dạ dày cũng như các bệnh lý rối loạn tiêu hóa và trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên thuốc không giúp điều trị căn nguyên của bệnh và do vậy không nên sử dụng lâu dài mà không có ý kiến của bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc có thể khiến người bệnh bỏ qua triệu chứng làm bệnh diễn tiến âm thầm không kiểm soát. Tùy loại thuốc sẽ có tác dụng phụ khác nhau như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, hoặc buồn nôn nhưng nhìn chung các antacid là an toàn và không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
6. Thuốc bao phủ ổ loét, bảo vệ dạ dày
Sucralfat là thuốc có tác dụng bao phủ ổ loét thường được dùng trong điều trị viêm loét dạ dày. Khi đi vào cơ thể, thuốc tạo phức liên kết với các protein điện tích dương (+) trong dịch tiết tạo thành hợp chất nhầy bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nhờ vậy, thuốc ngăn ngừa tổn thương niêm mạc và làm lành các ổ loét.
7. Thuốc kháng sinh có tác dụng gì?
Kháng sinh trong điều trị viêm loét dạ dày dùng để tiệt trừ vi khuẩn Helicobacter pylori. Tiệt trừ thành công vi khuẩn này giúp điều trị dứt điểm, ngăn diễn tiến xấu và phòng ngừa tái phát viêm loét dạ dày. Tùy vào tiền sử và khả năng dung nạp thuốc mà bác sĩ có thể chọn các loại kháng sinh khác nhau như amoxicillin, clarithromycin, tetracyclin, metronidazole …. Tuy nhiên để tăng tỉ lệ thành công, liệu trình tiệt trừ H. pylori đều cần có sự phối hợp từ 2 loại kháng sinh trở lên. Việc sử dụng kháng sinh cần phải tuân theo chỉ dẫn và yêu cầu của bác sĩ điều trị, người bệnh không được tự ý dùng thuốc.
8. Những lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm loét dạ dày
Để điều trị có hiệu quả bệnh viêm loét dạ dày, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế để lựa chọn liệu trình phù hợp nhất. Người bệnh có thể thỉnh thoảng sử dụng các thuốc không kê đơn như thuốc trung hòa axit để giảm triệu chứng nhưng không được chủ quan và phải khám bệnh nếu các bệnh không khỏi hoặc diễn tiến.Dùng thuốc theo chỉ định và đầy đủ liệu trình được bác sĩ chỉ định. Việc ngừng thuốc giữa chừng hoặc quên liều, bỏ liều đặc biệt là các thuốc kháng sinh có thể làm giảm hiệu quả dẫn đến thất bại điều trị hoặc bệnh tái đi tái lại không dứt điểm.Thông báo với bác sĩ các thuốc người bệnh đang dùng kể cả các loại thực phẩm chức năng, sản phẩm bổ sung khác để tránh tương tác bất lợi. Việc dùng thuốc trước ăn, sau ăn không theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ cũng có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị.Lưu ý theo dõi diễn tiến của bệnh trong thời gian dùng thuốc và đến khám ngay nếu xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như đau quặn bụng, nôn mửa, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, yếu mệt … Đó có thể là dấu hiệu của biến chứng xuất huyết tiêu hóa cần phải được điều trị kịp thời.Lưu ý theo dõi các tác dụng phụ của thuốc được bác sĩ, dược sĩ tư vấn hoặc đọc kĩ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng. Một số thuốc có chứa bismuth khiến phân có màu đen cần thận trọng phân biệt với trường hợp phân đen do xuất huyết tiêu hóa (đi kèm triệu chứng đau quặn bụng, nôn mửa …).Tránh dùng các thức ăn chua, cay nóng hoặc thức ăn cứng, nhiều dầu mỡ gây khó tiêu, chướng bụng trong thời gian điều trị. Người bệnh cũng nên tránh hết mức dùng các thức uống chứa cồn vừa để tăng hiệu quả điều trị và cũng vì có thể gây tương tác có hại (tim đập nhanh, đỏ bừng mặt, nôn mửa …) với một số kháng sinh như metronidazol, tinidazol …
Thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ, dược sĩ về thay đổi lối sống, giảm các thói quen xấu như tránh rượu bia, giảm hút thuốc, ăn thức ăn lành mạnh, nhiều rau, trái cây, giàu chất xơ … cũng giúp kiểm soát và tránh tái phát bệnh.Các bệnh lý về dạ dày chiếm khoảng 26%, có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong các bệnh về đường tiêu hóa.
Để lại một phản hồi