Cơ thể con người đã hình thành các cơ chế bảo vệ chống lại sự xâm nhập của kí sinh trùng sốt rét. Bên cạnh đó kí sinh trùng cũng tìm mọi cách phòng và tránh thoát hệ thống bảo vệ để xâm nhập vào tế bào. Do vậy quá trình hoạt động của hệ thống miễn dịch rất phức tạp.
Miễn dịch sốt rét có thể xác định khả năng chống lại sự nhiễm bệnh bằng cách hủy diệt kí sinh trùng hoặc ức chế sự phát triển của kí sinh trùng. Mặc khác cũng có tác dụng làm biến đổi hiệu quả xâm nhập của kí sinh trùng vào tế bào và giúp cho quá trình hồi phục các tổ chức bị tổn thương. Để thực hiện được khả năng trên, cơ thể con người đã có 2 loại đáp ứng miễn dịch: miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được.
Nghiên cứu đầy đủ khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể con người và những đặc điểm của kí sinh trùng xâm nhập gây bệnh, sẽ giúp cho công tác chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh sốt rét có hiệu quả hơn.
KHÁNG NGUYÊN KÍ SINH TRÙNG SỐT RÉT.
Các loại kháng nguyên của kí sinh trùng sốt rét:
Kháng nguyên của kí sinh trùng sốt rét trong cơ thể người tương ứng với ba giai đoạn phát triển.
Kháng nguyên sporozoite (giai đoạn thoa trùng lưu chuyển trong máu). + Kháng nguyên merozoite tổ chức (giai đoạn kí sinh trùng sốt rét phát triển trong gan).
Kháng nguyên merozoite hồng cầu (giai đoạn kí sinh trùng sốt rét phát triển trong hồng cầu).
Đặc điểm kháng nguyên của kí sinh trùng sốt rét:
Kháng nguyên của kí sinh trùng sốt rét ở mỗi giai đoạn có khác nhau, nhưng giữa chúng có thành phần kháng nguyên chung. Kháng nguyên của kí sinh trùng sốt rét ở giai đoạn hồng cầu có nhiều thành phần khác nhau: từ 10 – 20 băng protein. Protein của kí sinh trùng sốt rét có kích thước trung bình giống như albumin ở người, với hệ số lắng: 4,6 S.
Kí sinh trùng sốt rét còn có kháng nguyên hoà tan, kháng nguyên này được tạo ra trong quá trình phân chia vô giới, đó là số bào tương thừa của kí sinh trùng sốt rét và các sản phẩm chuyển hoá của chúng. Kháng nguyên hoà tan của kí sinh trùng sốt rét có hai thành phần: kháng nguyên S (chịu được nhiệt độ) là một glycoprotein, chưa rõ tác dụng bảo vệ của kháng nguyên này. Kháng nguyên L (không chịu được nhiệt độ), kháng nguyên này có khả năng bảo vệ, liên quan đến sự hình thành IgM.
Tính kháng nguyên của kí sinh trùng sốt rét yếu. Muốn tạo ra và giữ hiệu giá kháng thể cần có sự kích thích, lặp đi, lặp lại nhiều lần kháng nguyên. Đối với P.falciparum phải có sự kích thích tái chủng 11 lần, P.malariae: 7 lần, P.vivax: 22 lần.
Tính kháng nguyên của kí sinh trùng sốt rét:
Tính kháng nguyên của kí sinh trùng còn giữ vai trò quan trọng trong cơ chế quá mẫn trên bệnh cảnh bệnh nhân SRAT:
Một số tác giả cho rằng: có thể trong SRAT có vai trò của yếu tố quá mẫn, kiểu quá mẫn muộn (type IV theo phân loại Gell – Coombs).
Wyler D.J. (1974) đã tiến hành thực nghiệm nuôi cấy lymphocyte của nhóm người có tiền sử nhiễm P.falciparum với kháng nguyên thô của P.falciparum và nhóm người không có tiền sử nhiễm P.falciparum. Kết quả nhóm có tiền sử nhiễm
P.falciparum có tỉ lệ chuyển dạng cao hơn nhóm không có tiền sử nhiễm P.falciparum. Tuy nhiên tỉ lệ chuyển dạng đối với các kháng nguyên thấp hơn nhiều lần so với tỉ lệ chuyển dạng với PHA (Phytohemaglutinin).
Một nghiên cứu khác của Toro G. và Roman G. (1978) cho thấy: trên mô hình động vật thực nghiệm ở chuột, trong não xuất hiện các phức hợp miễn dịch lắng đọng đó là sản phẩm kết hợp giữa IgM, IgG với kháng nguyên sốt rét. Các tác giả cho rằng: trong SRAT miễn dịch tế bào và dịch thể được hoạt hoá, bằng chứng là bổ thể giảm trong SRAT. Từ kết quả nghiên cứu trên Toro G. và Roman G., cho rằng các dấu hiệu thần kinh trong SRAT có thể do tăng đáp ứng miễn dịch quá mức.
Năm 1992, sau khi quan sát những bệnh nhân sốt rét chuyển vào SRAT, Bùi Đại cho thấy: bệnh nhân chuyển vào SRAT thường xảy ra từ cơn sốt thứ 2 đến cơn sốt thứ 6 (60%). Số bệnh nhân chuyển sang SRAT ngay từ cơn sốt đầu tiên chiếm tỉ lệ thấp 12% và chuyển sang SRAT từ cơn sốt thứ 7 trở đi chiếm 28%. Kết quả này có thể gợi ý cơ chế quá mẫn trong SRAT.
Một số tác giả lại có ý kiến ngược lại: Brasseur P. (1983, 1985), Ballet J.J. (1986), Ho M. (1986), bằng kĩ thuật nuôi cấy chuyển dạng lympho, thử nghiệm nội bì với kháng nguyên sốt rét và liệu pháp dùng Cyclosporin A (CSA), corticoid điều trị bệnh nhân SRAT không có kết quả đã chứng minh trong SRAT không có yếu tố quá mẫn với kháng nguyên sốt rét.
ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH CỦA VẬT CHỦ ĐỐI VỚI KÍ SINH TRÙNG SỐT RÉT.
Miễn dịch tự nhiên:
Thực tế, tất cả những người chưa mắc bệnh sốt rét đều có khả năng cảm thụ với bệnh này. Tuy nhiên vẫn có một số nhóm dân cư, có miễn dịch tự nhiên hoàn toàn, hay một phần đối với những chủng loại kí sinh trùng sốt rét.
Ở những vùng lưu hành bệnh sốt rét, trẻ sơ sinh có miễn dịch thụ động nhận được từ mẹ, không bị bệnh sốt rét trong khoảng ba tháng đầu (Cohen, 1961; Serghiev P.G., 1968…). Miễn dịch thụ động ở trẻ sơ sinh: do IgG được truyền từ mẹ qua thai nhi. IgG là Ig duy nhất qua được nhau thai. Tuy vậy Roffi (1977) điều tra một số trẻ sơ sinh ở Senegan, ngoài IgG còn thấy IgM, thậm chí nồng độ IgM còn cao hơn cả ở mẹ. Các tác giả cho rằng: đáp ứng lại kích thích kháng nguyên kí sinh trùng sốt rét, thai nhi có khả năng sản xuất kháng thể đặc hiệu.
Người da đen châu Phi có miễn dịch tự nhiên đối với P.vivax. Miễn dịch này có khả năng di truyền cho thế hệ sau. Một số nhóm người da đen trên thế giới thiếu kháng nguyên máu nhóm Duffi (Fya hay Fyb). Những kháng nguyên này là những receptor của kí sinh trùng sốt rét P.vivax, là yếu tố cần thiết để kí sinh trùng sốt rét gắn vào hồng cầu (Miller, 1976; Welch, 1977…).
Những người mang hemoglobin S (HbS) với hồng cầu dị dạng hình lưỡi liềm, có sức đề kháng với P. falciparum. Những người có HbS, mà chưa có miễn dịch, khi bị nhiễm P. falciparum, bệnh tiến triển nhẹ, có số lượng kí sinh trùng sốt rét trong máu thấp hơn người bình thường, khi đã có miễn dịch sau mắc bệnh sốt rét thì không bao giờ mắc lại nữa (Allison, 1954, 1957; Lambotte – Legrand, 1958; Boyo, 1972…).
Một số tác giả cho rằng: kí sinh trùng sốt rét đã thích ứng với cách phân hủy Hb bình thường và không có khả năng đồng hoá các Hb dị thường. Những người mang các hemoglobin bệnh lí khác: (C và E) cũng ít mẫn cảm với P.falciparum. Những người mắc bệnh HbF (hemoglobin foetal – Hb bào thai), có tác dụng ức chế sự phát triển của P.falciparum và P.malariae (Pavlov, 1976; Cao, 1977…).
Những người mắc bệnh Thalassemine (bệnh thiếu máu hủy huyết di truyền – bệnh lí của Hb), cũng có miễn dịch tương đối với bệnh sốt rét do P.falciparum. Theo Nurse (1979): trong hồng cầu người bệnh Thalasemine có thiếu sắt, là chất cần thiết cho kí sinh trùng sốt rét.
Miễn dịch không đặc hiệu:
Trong bệnh sốt rét, miễn dịch không đặc hiệu của vật chủ chống lại kí sinh trùng sốt rét bằng phản ứng dịch thể và tế bào:
Phản ứng dịch thể:
Vai trò của các yếu tố hoà tan đã có sẵn trong máu lysozyme, bổ thể, IgM tự nhiên, TNF, cytokine, interferon… có tác dụng ngăn cản chuyển hoá, phát triển, phân chia của kí sinh trùng sốt rét và tiến triển bệnh.
Vai trò của các cytokine được thể hiện rõ trên bệnh nhân SRAT:
Trong SRAT, nhiều cytokine khác nhau tham gia vào cơ chế bệnh sinh như TNFα, NPT, IL – 4, IL – 2, IL – 6, IL – 10, IFNγ.
Một số cytokine có vai trò rất quan trọng trong miễn dịch chống sốt rét. Tuy nhiên, chúng cũng có vai trò rất quan trọng trong việc phát sinh phát triển SRAT.
Vai trò của TNFα trong việc hình thành một số triệu chứng giống SRAT đã được Blick M. (1987) và Warren R.S. (1987) miêu tả khi dùng TNFα tái tổ hợp tiêm cho các bệnh nhân ung thư. Quan sát trên loài chuột gây được sốt rét nặng và ác tính thực nghiệm, Grau G.E. (1987) nồng độ TNFα tăng cao các loài chuột không gây được sốt rét ác tính thực nghiệm.
Theo Grau G.E., TNFα có vai trò quan trọng trong SRAT vì 3 cơ sở phân tích sau:
Nồng độ TNFα tăng cao khi có tổn thương thần kinh.
Tiêm anti – TNFα bảo vệ được chuột mắc sốt rét không chuyển thành SRAT.
Tiêm TNFα cho chuột PbA đã nhiễm kí sinh trùng sốt rét sẽ chuyển thành SRAT (bình thường chuột PbA không mắc SRAT).
Ở bệnh nhân SRAT, ngoài tác dụng gây ra các triệu chứng thần kinh, các tác giả còn chứng minh TNFα tăng có tác dụng làm tăng kết dính tế bào, hạ đường máu, tình trạng rối loạn tạo hồng cầu và hiện tượng ăn hồng cầu, shock giống SRAT và shock do nhiễm khuẩn huyết trực khuẩn gram âm.
Van-Hensbrock M.B. (1996), dùng anti – TNFα và anti – IFNγ tiêm cho các bệnh nhân sốt rét, trong số các bệnh nhân được tiêm, không có bệnh nhân nào chuyển thành SRAT.
Di-Perri G. (1995), dùng pentoxifyllin, một chất ức chế tiết TNFα, tiêm cho các bệnh nhân SRAT, kết quả tỉ lệ tử vong giảm rõ rệt so với lô đối chứng.
Ngoài TNFα, một số cytokine khác cũng tăng lên trong sốt rét và SRAT như: Neopterin (NPT), IL – 1, IL – 2, IL – 6, IFNγ… Các cytokine này cùng với TNFα có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch.
Bên cạnh các cytokine có tác dụng kích thích miễn dịch ở bệnh nhân SRAT, các cytokine có tác dụng ức chế miễn dịch cũng tăng lên, nhất là IL – 10 và IL -12. Theo Peyron F. (1994), Wenisch (1995), Pretolani M. (1997)… các cytokine này có tác dụng ức chế miễn dịch và có vai trò bảo vệ cơ thể trong SRAT.
Phản ứng tế bào:
Metchnikov đã phát hiện thấy kí sinh trùng sốt rét trong đại thực bào của gan và lách ở bệnh nhân chết do sốt rét. Thực bào là một hiện tượng phổ biến trong bệnh sốt rét, những đại thực bào của hệ thống lưới nội mô ở lách, gan, tủy xương… nuốt kí sinh trùng sốt rét, các hạt sắc tố, những mảnh hồng cầu và các chất khác.
Cùng với sự phát triển miễn dịch của vật chủ, cường độ thực bào của các đại thực bào tăng lên.
Miễn dịch đặc hiệu:
Miễn dịch đặc hiệu trong bệnh sốt rét tuy không ngăn cản được sự tái nhiễm, nhưng hạn chế rất đáng kể sự phát triển của kí sinh trùng sốt rét.
Những người sống trong vùng sốt rét lưu hành (đã có miễn dịch), mắc bệnh thường nhẹ, số lượng kí sinh trùng sốt rét trong máu thấp, ít bị sốt rét ác tính.
Nhìn chung quá trình hoạt động của hệ thống miễn dịch thu được gồm các yếu tố sau:
Các yếu tố dịch thể: các kháng thể, bổ thể, các kháng nguyên hoà tan và các dịch thể khác.
Các tế bào lympho, đại thực bào, bạch cầu.
Các kháng nguyên kí sinh trùng sốt rét: kháng nguyên bảo vệ của thoa trùng, các kháng nguyên thể ngoại hồng cầu, các kháng nguyên giao bào, các kháng nguyên thể hồng cầu.
Đáp ứng của miễn dịch thu được có hai đặc trưng chủ yếu: ghi nhớ và tính đặc hiệu. Sự tiếp xúc đầu tiên với kí sinh trùng ghi lại những thông tin về kháng nguyên trên toàn bộ hệ thống bảo vệ. Đáp ứng miễn dịch lần hai là do kết quả ghi nhớ của hệ thống miễn dịch lần đầu.
Khi bị kí sinh trùng sốt rét xâm nhập kí sinh, cơ thể người sẽ xuất hiện những khả năng bảo vệ chống lại kí sinh trùng như sau:
Tạo kháng thể kháng thoa trùng nhằm ngăn cản sự xâm nhập của thoa trùng vào tế bào gan.
Interferon và cytokine có thể ức chế kí sinh trùng vào tế bào gan.
Độc tố tế bào lympho có thể làm hỏng tế bào nhiễm kí sinh trùng.
Kháng thể kháng giai đoạn kí sinh trùng phát triển ở hồng cầu có thể ức chế sự xâm nhập của kí sinh trùng vào hồng cầu.
Kháng thể kháng với kháng nguyên hoà tan của kí sinh trùng cũng có thể cản trở kí sinh trùng xâm nhập vào hồng cầu.
Các chất tiết của tế bào lympho có khả năng phá hủy hồng cầu nhiễm.
Như vậy đáp ứng miễn dịch thu được phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào thông qua sự xuất hiện kháng nguyên của kí sinh trùng sốt rét.
Miễn dịch dịch thể đặc hiệu:
Kháng thể sốt rét phát hiện ở máu người nhiễm kí sinh trùng đặc hiệu với các kháng nguyên ở 3 lớp globulin miễn dịch chủ yếu là IgG, IgM, IgA và các hoạt động không đặc hiệu thấy ở lớp IgD và IgE.
Kháng thể đặc hiệu với kí sinh trùng sốt rét xuất hiện sau những đợt nhiễm bệnh. Khi bị tái nhiễm, kháng thể được tạo ra nhiều. Nghiên cứu trên những người tình nguyện thấy: sau khi kí sinh trùng sốt rét phát triển trong máu một thời gian ngắn, nồng độ IgG, IgM, IgA tăng lên. IgG trong máu tăng hơn IgA và tồn tại lâu hơn.
Kháng thể bảo vệ chủ yếu là IgG và một phần là IgM (Tobie, 1966; Collins, 1971; Cohen, 1971). Nhưng hàm lượng IgG chỉ chiếm tỉ lệ 5,4%. Phần lớn còn lại, có lẽ là những kháng thể chống kháng nguyên hoà tan, đây là kết quả kích thích không đặc hiệu đối với hệ miễn dịch (Curtein, 1965; Greennoad, 1974…).
Nghiên cứu sự tồn lưu kháng thể trên những người ở vùng sốt rét đã được thanh toán, hoặc đã ra vùng lành, thấy kháng thể vẫn còn trong máu với hiệu giá thấp, trong thời gian từ 3 – 6 năm.
Vai trò bảo vệ của kháng thể đặc hiệu trong bệnh sốt rét rất quan trọng. Nghiên cứu invitro cho thấy các kháng thể bảo vệ có tác dụng đối với sporozoite và merozoiete nhưng ít tác dụng với gametocyte. Dưới tác dụng của kháng thể, kí sinh trùng sốt rét dính kết lại với nhau, mất hoạt tính, không gắn và không xâm nhập được vào hồng cầu (Bucher, 1970; Miller, 1975…) huyết thanh miễn dịch có tác dụng ức chế sự phát triển của P.falciparum trong hồng cầu (Phillips, 1972; Mitchell, 1975).
Miễn dịch tế bào đặc hiệu:
Đáp ứng miễn dịch tế bào phụ thuộc vào hoạt động của 2 nhóm tế bào lympho bắt nguồn từ tế bào nguồn tủy xương. Tế bào lympho T đáp ứng tế bào có hiệu quả, tế bào lympho B sản xuất ra kháng thể. Cả 2 nhóm tế bào đều có những thụ thể trên bề mặt của chúng và có thể ghi nhận các kháng nguyên đặc hiệu. Tế bào lympho T được mẫn cảm do tiếp xúc với kháng nguyên giải phóng lymphokin. Tế bào lympho B tiếp xúc với kháng nguyên đặc hiệu (thay đổi trong bào tương) tiết ra kháng thể.
Các loại tế bào bạch cầu, tế bào lympho TCD4, lympho T có vai trò rất quan trọng trong miễn dịch chống sốt rét. Tuy nhiên, chúng cũng có vai trò rất quan trọng trong việc phát sinh phát triển SRAT..
Vai trò tế bào lympho T trong quá trình đáp ứng miễn dịch với kí sinh trùng sốt rét:
Từ năm 1947, người ta đã chứng minh khi chim được tiêm P.gallinaceum đã xử lí bằng tia cực tím thì tạo được miễn dịch đặc hiệu. Sau đó nhiều nhà nghiên cứu đã thử nghiệm mô hình chiếu tia X với sporozoite trên động vật gậm nhấm và người cũng tạo được miễn dịch đặc hiệu. Tuy nhiên, khi thử nghiệm trên loài chuột không có tuyến ức (tức là các loài không có lympho T) thì không tạo được miễn dịch.
Chen F.Y. (1989), đã gây được miễn dịch cho những con chuột không có tế bào B hoặc những con chim đã cắt túi Bursa fabricius bằng các sporozoite đã chiếu xạ. Tác giả nhận thấy các con chuột và các con chim này cũng có miễn dịch với các sporozoite đã chiếu xạ. Kết quả này chứng tỏ rằng lympho T là khâu quyết định trong đáp ứng miễn dịch của vật chủ với kí sinh trùng sốt rét.
Weiss G. (1989), dùng những con chuột đã được gây nhiễm với P.joelli, sau đó xử lí với anti – CD4 và anti- CD8. Tiếp theo tác giả gây nhiễm trở lại với P.joelli. Kết quả nhóm chuột xử lí với anti – CD8 không giảm hiệu giá kháng thể, trong khi nhóm chuột xử lí với anti – CD4 có giảm hiệu giá kháng thể rõ rệt. Như vậy, lympho T có vai trò quyết định trong quá trình đáp ứng miễn dịch của vật chủ đối với kí sinh trùng sốt rét.
Vai trò lympho T và TCD4 trong sốt rét ác tính (SRAT):
Người ta đã chứng minh được rằng, các tế bào lympho T nói chung và đặc biệt là tế bào lympho TCD4 có vai trò rất quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của sốt rét ác tính.
Grau G.E. (1986), đã dùng mô hình động vật bị chiếu xạ, cắt tuyến ức hoặc xử lí với anti- CD4, sau đó gây nhiễm sốt rét rét để tạo mô hình SRAT. Kết quả cho thấy không tạo được bệnh cảnh SRAT thực nghiệm ở các con chuột đã bị chiếu xạ, cắt tuyến ức hoặc xử lí với anti – CD4. Như vậy, lymphocyte T, đặc biệt là TCD4 có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành SRAT. Từ đó suy ra tế bào tương ứng tế bào lympho TCD4 ở người (các tế bào L3T4) cũng có vai trò quan trọng trong quá trình mẫn cảm của cá thể với kí sinh trùng để tạo nên bệnh cảnh SRAT.
Vào năm 1987, Grau G.F. đã dùng một chất ức chế miễn dịch mạnh là CSA (cyclosporin A), tác dụng chọn lọc lên các tế bào lympho, chủ yếu tế bào lympho T. Kết quả cho thấy các chuột đã dùng CSA không phát triển thành SRAT, trong khi các con chuột ở lô không dùng CSA hầu hết đều chuyển thành SRAT.
Một nghiên cứu của Hermsen C. (1997), đã chứng minh rằng tế bào lympho TCD4, TCD8 có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành SRAT. Thực nghiệm của Ông cho thấy, các chuột đã được gây sốt rét nhưng được tiêm anti CD4, hoặc anti – CD8, hoặc kết hợp cả hai đều không chuyển sang SRAT. Trên một mô hình khác, khi các con chuột đã có biểu hiện SRAT, tiêm anti – CD4, anti – CD8 hoặc kết hợp cả hai thì chặn được bệnh sốt rét chuyển sang SRAT.
Vai trò tế bào lympho Tγδ trong miễn dịch sốt rét và trong SRAT:
Ngoài vai trò của lympho TCD4, TCD8 trong cơ chế bệnh sinh hình thành SRAT, một số tác giả còn chứng minh tế bào lympho Tγδ cũng có vai trò rất quan trọng trong SRAT.
Các tế bào lympho Tγδ cảm ứng mạnh với kí sinh trùng sốt rét mặc dù chưa hề nhiễm kí sinh trùng sốt rét do trí nhớ miễn dịch được hình thành từ phản ứng chéo với một số kháng nguyên của vi khuẩn.
Trên tiêu bản sinh thiết lách bệnh nhân tử vong do SRAT, tác giả Nakazawa (1994), đã dùng kĩ thuật hoá miễn dịch tế bào (immuno – cytochemistry) để nghiên cứu tế bào lympho Tγδ .Tác giả đã phát hiện thấy số lượng và sự phân bố lympho Tγδ tăng lên và có vai trò cảm ứng, đồng thời có vai trò tự điều hoà phản ứng của cơ thể với nhiễm trùng nói chung và sốt rét nói riêng.
Merle Elloso (1994), đã chứng minh tế bào lympho Tγδ có tác dụng ức chế P.falciparum ở giai đoạn merozoite. Các quần thể khác không có tác dụng ức chế kí sinh trùng.
Vai trò của bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính trong SRAT:
Trên bệnh nhân sốt rét thường, số lượng và chất lượng bạch cầu hầu như ít thay đổi. Tuy nhiên trên bệnh nhân SRAT, các biến đổi bạch cầu lại rất phức tạp đó là sự tăng bạch cầu máu ngoại vi (peripheral leucocytosis), ngay cả khi không có nhiễm trùng thứ phát. Đây chính là một tiên lượng xấu của diễn biến bệnh SRAT.
Theo Blick M. (1987), Grau G..E. (1989), cho biết tăng bạch cầu thường song song với tăng nồng độ TNF ở bệnh nhân SRAT. Tạ Thị Tĩnh (1996), nghiên cứu mô hình ở chuột gây nhiễm với P.berghei đã nhận xét số lượng bạch cầu ngoại vi và bạch cầu trung tính tăng lên song song với mức độ nhiễm kí sinh trùng và mức độ diễn biến nặng của bệnh (nhóm chuột nhiễm kí sinh trùng rất nặng, bạch cầu tăng lên so với nhóm chứng từ 436 – 483%).
Các tác giả Falanga P.B. (1991), Grau G.E. (1993), Senaldi G. (1994), Mohamed A.O. (1996) đã dùng kháng thể đơn dòng kháng bạch cầu đa nhân trung tính (anti – CD11a ) điều trị những con chuột đã được gây SRAT nhằm làm giảm số lượng bạch cầu đa nhân trung tính (neutropenia). Kết quả thu được là lô dùng anti – CD11a có tỉ lệ tử vong giảm đi rõ rệt so với lô chuột đối chứng cũng được gây SRAT.
Ngoài ra người ta còn thấy trên bệnh nhân SRAT cũng hay gặp giảm bạch cầu (leutropenia) và một số bệnh nhân thì số lượng bạch cầu bình thường không thay đổi. Mặt khác một số tác giả như Bùi Đại (1982), Irving K.G. (1987), Srein C.M. (1987) còn thấy có phản ứng bạch cầu (leukaemoid Reaction) trên một số bệnh nhân SRAT.
ỨNG DỤNG CỦA MIỄN DỊCH TRONG BỆNH SỐT RÉT.
Ứng dụng trong chẩn đoán:
Các phương pháp huyết thanh miễn dịch ít được sử dụng trong chẩn đoán bệnh sốt rét vì không đáp ứng được yêu cầu điều trị, nhưng được sử dụng rộng rãi trong điều tra dịch tễ học bệnh sốt rét.
Bằng các phương pháp huyết thanh miễn dịch, cho phép điều tra mẫu lớn, đánh giá được toàn diện tình trạng bệnh sốt rét ở khu vực điều tra. Bao gồm những người đang còn kí sinh trùng sốt rét trong máu và cả những người đã hết kí sinh trùng sốt rét trong máu, nhưng vẫn còn kháng thể tồn lưu.
Ứng dụng trong điều trị:
Ở một số nơi (Congo, Gambia…), người ta đã dùng γ globulin của người lớn ở vùng sốt rét lưu hành truyền cho trẻ em bị sốt rét nặng kết quả: số lượng kí sinh trùng sốt rét trong máu giảm dần, bệnh tiến triển nhẹ hơn.
Ứng dụng trong phòng bệnh:
Từ lâu, người ta đã đi vào hướng tìm vaccin có hiệu lực để phòng bệnh sốt rét. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một loại vaccin nào được ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng. Kí sinh trùng sốt rét có nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn đều có cấu trúc kháng nguyên (antigenic) khác nhau: protein sốt rét trên bề mặt của thoa trùng, của tế bào gan bị nhiễm, kí sinh trùng phát triển trong tế bào gan, hồng cầu bị nhiễm kí sinh trùng, kí sinh trùng của các giai đoạn phát triển trong hồng cầu, giao bào…
Ngoài sự khác nhau giữa các giai đoạn, lại có sự khác nhau của protein ngay trong cùng một giai đoạn: kháng nguyên giai đoạn hồng cầu như MSA-1 và MSA-2, cấu trúc khác nhau ảnh hưởng đến hoạt tính miễn dịch của chúng. Muốn có vaccin hiệu quả phải là vaccin đa kháng, nghĩa là phải gắn nhiều loại protein đặc hiệu. Ý tưởng này vẫn còn đang ở quá trình nghiên cứu.
Tuy nhiên cho đến nay cũng đã có nhiều nghiên cứu về vaccin:
Vaccin từ sporozoite đã được nghiên cứu, nhưng kết quả thất thường, cả trên động vật thực nghiệm, cả trên người tình nguyện. Vaccin này có tên là R32 tox A của Viện nghiên cứu Y học Quân đội Walter Reed (WRAIR) ở Washington D.C. đã được thử ở Kenya và Thái Lan.
Vaccin từ merozoite hồng cầu cũng đã được nghiên cứu. Vấn đề nuôi cấy P. falciparum invitro cơ bản được giải quyết đã cho phép tạo ra kháng nguyên merozoite hồng cầu với số lượng cần thiết. Hiện nay người ta đã dùng kháng nguyên dưới dạng thuần nhất, không có màng hồng cầu. Vaccin này đã có kết quả bước đầu trên động vật thực nghiệm.
Vaccin đa kháng (multi-stage, multivalent, multi-immune response vaccine):
Do kí sinh trùng sốt rét có rất nhiều thành phần kháng nguyên (từ 10 – 20 thành phần). Trong nhiều thành phần kháng nguyên đó, chỉ có một vài thành phần kháng nguyên bảo vệ, vì vậy kháng thể được sinh ra chống lại một vài thành phần kháng nguyên đó không thể có nồng độ cao. Khi đó các kháng thể chống các thành phần khác không có tính bảo vệ lại quá nhiều.
Với kĩ thuật bướu lai (hybridoma) và kháng thể đơn dòng cho phép tách các thành phần kháng nguyên bảo vệ, giúp cho việc sản xuất vaccin sốt rét đa kháng có hiệu quả hơn. Yoshida (1980) đã thành công trong việc sản xuất kháng thể đơn dòng có tác dụng bảo vệ chuột nhắt trắng chống P.bergei.
Năm 1993, Manuel Pataroyo (Colombia) đã giới thiệu vaccin đa kháng đầu tiên phòng bệnh sốt rét. Vaccin mang kí hiệu: Spf66, vaccin được tổng hợp từ 3 chuỗi peptid của merozoite và 1 chuỗi peptid của sporozoite loài P.falciparum.
Vaccin đã được dùng thử ở thực địa với số lượng lớn dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành nặng (30.000 người ở Nam Mĩ và 1.500 người ở Colombia). Kết quả cho thấy hiệu quả bảo vệ 30%. Gần đây vaccin được thử nghiệm rộng rãi trên cộng đồng dân cư ở biên giới Thái Lan – Myanma, ở Tanzania và Gambia. Kết quả là một nửa số người lớn được tiêm vaccin đã không mắc bệnh sốt rét, hiệu quả ở trẻ em còn cao hơn.
Ngày nay các nhà khoa học đang nghiên cứu thử nghiệm vaccin sốt rét có hiệu lực ở các giai đoạn phát triển của kí sinh trùng sốt rét bằng công nghệ gen, AND, vaccin. Hai tác giả Denise Doolan và Stephen Hoffman đang nghiên cứu vaccin sốt rét đáp ứng miễn dịch đa kháng nguyên, đa giai đoạn và có thể đây là loại vaccin chống sốt rét có nhiều triển vọng nhất.
Để lại một phản hồi