Măng cụt: Không chỉ là loại trái cây bổ dưỡng quen thuộc

Măng cụt không chỉ là loài cây ăn quả quen thuộc mà còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc này có thể trị tiêu chảy, chống lão hóa…hiệu quả. 

Măng cụt là gì?

  • Tên gọi khác: Giáng châu, Sơn, trúc tử, Mangosteen, Mangoustanier…
  • Tên khoa học: Garcinia mangostana L.
  • Họ khoa học: Họ Bứa (Clusiaceae)..
  • Tên dược liệu: vỏ quả và vỏ cây-Pericarpium et Cortex Garciniae Mangostanae.

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái Măng cụt

Theo một số tài liệu, Măng cụt có nguồn gốc ở Đông Nam Á, cụ thể là Malaysia. Hiện nay, cây di thực ở khắp nơi trên thế giới như Lào, Trung Quốc, Ấn Độ…Ở Việt Nam, chi Garcinia có khoảng 25 loài, đều là những cây gỗ lớn, trồng đặc trưng ở miền Nam (Tây và Đông Nam Bộ) như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Bến Tre…Miền Trung cũng có một số khu vực trồng cây, nhưng cho năng suất thấp hơn.

Đặc điểm sinh trưởng

  • Thuộc loài thực vật ưa khí hậu nhiệt đới, sống lâu năm điển hình, ngưỡng từ 20-40 độ C, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, trừ châu Mỹ. Cây không thích nghi được với mùa đông lạnh kéo dài như ở miền Bắc.
  • Ưa sáng, nhưng thường được trồng xen kẽ với các loại cây ăn quả khác như chôm chôm, ổi… để chắn gió làm rụng quả, hạn chế cỏ dại phát triển.
  • Nhân giống cây bằng hạt, nhưng vẫn có thể trồng được bằng phôi giả phát triển thông qua quá trình thụ phấn hoặc ghép đọt. Trong đó, phương pháp ghép đọt cho hiệu suất và chất lượng thấp hơn gieo hạt. Phương pháp trồng bằng hạt phổ biến hơn, hạt Măng cụt phát triểng từ phôi cái nên cây trồng sẽ có đặc tính giống như cây mẹ. Lấy hạt từ quả tươi, gieo ngay, tỷ lệ mọc mầm 80%.
  • Tránh ánh nắng trực tiếp rọi vào cây con, tưới nước đều nhưng không được để úng.
  • Tùy theo giống Măng cụt mà sản lượng cũng như chất lượng quả khác nhau. Nhưng nhìn chung, tốc độ sinh trưởng khá nhanh.
  • Đất trồng: Thích hợp đa dạng từ phù sa, đất đỏ bazan, đất sét, pha cát…Tốt nhất là đất nhiều mùn, tránh ngập úng.
  • Cần làm cỏ quanh gốc, dùng rơm, rạ, trấu, mùn phủ quanh gốc.

Thu hái

  • Vỏ thân cây: Quanh năm. Tách phần vỏ riêng khỏi cây rồi đem về loại bỏ tạp chất, cắt nhỏ, phơi khô.
  • Vỏ quả: Đợi khi quả chín vào khoảng tháng 5-8, thu hoạch vỏ quả (bỏ phần thịt và hạt) rồi thái mỏng, phơi khô sử dụng dần.
  • Cây thuộc loài ra hoa, quả hàng năm, có hoa tháng 2-5.
  • Thu hoạch tốt nhất là khi quả chuyển sang màu tím hoặc đỏ, chỉ lưu giữ quả tươi tối đa 1 tuần ở điều kiện bình thường. Ở 9-12 độ C, bảo quản được 1 tháng. Trong quá trình thu hoạch, phải cẩn thận, tránh sư va chạm mạnh, xây xát trên quả.

Mô tả toàn cây Măng cụt

Măng cụt thuộc nhóm thân gỗ, màu nâu xám, với nhiều cành với tán rộng, chiều cao có thể lên đến gần 30m. Thân và cành cây có mủ màu vàng, mặt ngoài có nhiều khía dọc, sần sùi.

Lá đơn, mọc đối, cứng và dày, dai, thuôn dài với kích thước khoảng 15x10cm, màu xanh đậm, không có lá kèm. Phiến là mặt trên màu xanh đậm hơn mặt dưới, không có lông. Cuống lá chắc, hình trụ phẳng mặt trên và hơi phình ở đáy

Hoa đa tính gồm hoa lưỡng tính và hoa cái, hoa đực, màu trắng hay hồng nhạt. Trong đó, hoa lưỡng tính có đốt và cuống ngắn, 4 cánh hoa trắng kèm theo 4 lá đài, nhị khoảng 15, bầu 5-8 ô, mỗi ô là 1 noãn. Trên một cành, có thể có hoa mọc đơn độc hay thành từng cụm hoa.

Quả mọng, có hình tròn, mang đài tồn tại ở gốc, phía đỉnh thì có đầu nhụy. Vỏ quả khi còn non có màu xanh nhạt, khi chín thì dần chuyển thanh màu tím nâu hay đỏ tím, xốp, dai. Bên trong quả chứa 6-10 hạt dẹt, được bao phủ bởi một lớp áo trắng dày, ăn được, vị ngọt thơm (còn gọi là thịt quả). Phần thịt quả dễ bị ngả màu vàng, kém thơm và có vị chát, sau vài ngày, do đó khó chuyên chở đi xa, cần được bảo quản kỹ lưỡng

qua-mang-cut
Quả măng cụt khi non màu xanh, mọng, có hình tròn, mang đài tồn tại ở gốc

Bào chế- Bảo quản

Mô tả dược liệu:

Vỏ quả măng cụt: Từng mảnh màu đỏ tím hay đỏ nâu, cong queo, khá dày. Mặt ngoài nhẵn, ở giữa thì có vết tích như những ống tiết chứa chất nhựa vàng. Còn mặt trong của vỏ có những mạch dẫn nhựa nhỏ và các vết hằn của phần thịt quả, đôi khi còn sot lại những lá đài đồng trưởng, đính trên cuống.

Bảo quản: Sau khi thu hoạch và sơ chế:

  • Phần vỏ cây hay vỏ quả: Cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
  • Phần quả: Chỉ nên lưu giữ trong túi plastic kín, tối đa 1 tuần ở điều kiện bình thường, riêng ở 9-12 độ C, bảo quản được 1 tháng.

Tác dụng của Măng cụt

Thành phần hóa học

Theo nhiều nghiên cứu, thành phần hóa học của Măng cụt khá đa dạng và phong phú:

  • Vỏ quả: Tannin 7-14%, xanthones, magostin có tinh thể nhỏ, dạng phiến, vàng tươi, không vị, không tan trong nước mà tan trong rượu, ete, độ chảy khoảng 175 độ C
  • Hơn 80 loại vitamin, acid amin và khoáng chất…
  • Thịt quả chiếm 1/3 quả, 79,2% nước, 19,8% cacborhydrat, protein 0,5%, chất xơ 0,3%, Canxi 11mg%, photpho 17mg%, vitamin C 66 mg%, vitamin A 14UI, đường 16,42%…
  • Hạt chứa 3% dầu béo
  • Vỏ thân: Chủ yếu là tannin.
  • Lá: Xanthones, Tri – hydroxy methoxy,…

Tác dụng Y học hiện đại

  • Chống viêm, kháng khuẩn: Nhờ hoạt chất xanthones có đặc tính tiêu viêm rõ rệt. Đặc biệt ngăn ngừa vi khuẩn khoang miệng, giảm mùi thức ăn, mang lại hơi thở thơm tho.
  • Tác dụng làm săn, giảm tiêu chảy.
  • Dịch chiết từ quả măng cụt có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của E. histolytica.
  • Ngăn ngừa lão hóa: Nhờ chứa nhiều vitamin và khoáng chất mà có tác dụng chống lão hóa da, giúp da săn chắc hơn.
  • Hỗ trợ rối loạn lipid máu:  Nhờ Xanthones trong vỏ quả giúp giảm cholesterol xấu, giảm cân, tốt cho người béo phì.
  • Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Thúc đẩy quá trình chuyển hóa thức ăn, hạn chế đầy bụng, khó tiêu.
  • Ngăn ngừa tế bào ung thư, tăng cường sức đề kháng: Hợp chất xanthone cũng giúp giảm tác hại của các gốc tự do, tiêu diệt các tế bào ác tính, ngăn ngừa các tế bào ung thư tại gan, phổi…
Vỏ quả Măng cụt có tác dụng giảm tiêu chảy, trị kiết lỵ.
Vỏ quả Măng cụt có tác dụng giảm tiêu chảy, trị kiết lỵ

Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Vị chát, tính ấm

Quy kinh: Kinh Đại trường

Công dụng: Cầm tiêu chảy, săn da, trừ kiết lỵ, sát trùng, giảm đau, thanh nhiệt…

Chủ trị: Tiêu chảy, trị khí hư, kiết lỵ…

Cách sử dụng Măng cụt

Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Măng cụt có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, hoặc phần quả của dược liệu này có thể ăn trực tiếp, rất bổ dưỡng.

Liều dùng:

  • Dạng thuốc sắc: 20-60g.
  • Dùng ngoài: Không kể liều lượng cố định.

Kiêng kỵ:

  • Mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
  • Không nên sử dụng vỏ Măng cụt trước khi phẫu thuật, bởi xanthones làm chậm quá trình đông máu.
  • Không nên sử dụng liên tục trong thời gian dài, vì dễ gây triệu chứng rối loạn tiêu hóa, dị ứng da…
  • Nên dùng ấm đất, để sắc thuốc, tránh dùng ấm kim loại, bởi sẽ tạo ra những chất không tốt cho sức khỏe khi đun với nhiệt độ cao.

Một số bài thuốc từ Măng cụt

Trị tiêu chảy, kiết lỵ

Vỏ quả 10 cái, thêm nước cho ngập rồi đun sôi trong vòng 15 phút với nồi đất, uống 3 lần/ ngày cho đến khi hết triệu chứng.

Hoặc Vỏ quả 6g, rau Sam, cỏ Nhọ nổi, cỏ Sữa, rau Má, mỗi loại 8g, trà xanh, Cam thảo, vỏ Quýt, mỗi loại 4g, gừng 3 lát, đem tất cả sắc nước uống mỗi ngày.

Hỗ trợ vấn đề răng miệng

Vỏ quả cắt nhỏ, xay nhuyễn, thêm khoảng 200 ml nước, mật ong, trộn đều, lọc bã để súc miệng.

Cải thiện tình trạng lão hóa da, chống oxy hóa

Vỏ quả măng cụt phơi khô, 1 nắm nhỏ uống/ ngày nấu với nước sôi 10-15 phút, dùng thay trà.

Giải nhiệt cho cơ thể, nóng trong người

Thịt quả ép lấy nước, thêm nước cốt chanh, đường, nước đá, uống rất ngon và bổ dưỡng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*