Ngay từ thời xa xưa, người ta đã biết sử dụng Lộc nhung để sinh tinh, bổ tủy, dưỡng huyết, ích dương, làm mạnh gân xương rất hiệu quả. Tuy nhiên, ngày nay, dược liệu này còn được sử dụng với nhiều công dụng đa dạng hơn, đặc biệt là trong việc điều trị bệnh.
1. Giới thiệu về Lộc nhung
- Tên gọi khác: Quan Lộc nhung, Hoàng mao nhung, Huyết nhung…
- Tên khoa học: Cornu Cervi pantotrichum.
- Thuộc họ Hươu (Cervidae).
- Lộc nhung (hay nhung hươu) chính là phần sừng còn non, chưa bị xương hóa của con hươu đực.
1.1. Đặc điểm của loài động vật và thu hoạch
Hươu thường sống từng đàn ở núi rừng. Nó ăn cỏ, quả, nhất là lá non. Con hươu thường cao 1m. Lông đẹp mịn, màu đỏ hồng đốm trắng. Hươu là loài chân dài, nhỏ, đuôi ngắn, 2 mắt to, dưới mắt có đốm đen. Chỉ con đực mới có sừng.
Từ 2 tuổi, hươu nai đực bắt đầu có sừng, nhưng hươu từ 3 tuổi trở đi thì sừng hay nhung mới có giá trị. Hằng năm, vào cuối mùa hạ, sừng hươu cũ sẽ rụng đi, xuân năm sau sẽ lại mọc sừng khác. Mùa nhung của hươu vào tháng 2 – 3.
Sừng non khi mới mọc dài 5 – 10cm, rất mềm, sờ mát mịn như nhung. Mặt ngoài phủ đầy lông tơ màu nâu nhạt, bên trong chứa rất nhiều mạch máu.
Ở nước ta, việc nuôi hươu chưa được phổ biến. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh có nhiều hộ nuôi, con đực cho nhung, con cái mỗi năm đẻ 1 lứa. Nuôi hươu bằng lá tre, lá mót, lá chuối, dây khoai lang, cây lúa, cây ngô non…
1.2. Cách bào chế dược liệu
Lộc nhung chọn loại to, đỉnh tròn, trên đầu phồng đều, chất non, lông nhỏ, da ngoài màu nâu hồng, trơn bóng sáng sủa là tốt.
Theo Trung Dược đại từ điển:
- Đầu tiên, dùng dây trói hươu, treo cao khỏi mặt đất. Dùng cưa, cưa thật nhanh vào gần sát đế sừng. Nhặt bỏ các chất bẩn bao quanh nhung đi, sau đó lấy dây buộc chặt phần đầu cưa lại.
- Sau đó, cho đầu nhung cắt vào nồi nước sôi 3 – 4 lần, mỗi lần 15 – 20 phút, đến khi có bọt ở miệng cắt và nhung có mùi lòng đỏ trứng gà luộc chín thì thôi. Thường khoảng 2 – 3 giờ. Tiếp theo phơi hoặc sấy khô. Ngày hôm sau lại làm như vậy. Sấy ở nhiệt độ 70 – 80°C trong vòng 2 – 3 giờ rồi lấy ra. Làm như vậy 2 – 3 lần cho thật khô là được.
Hoặc theo Đông dược học thiết yếu: Đốt cháy lông tơ, lấy mảnh thủy tinh cạo sạch rồi tẩm rượu nóng cho mềm, thái thành từng phiến, phơi khô để dùng.
1.3. Bảo quản
Dược liệu nên bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát, tránh mối mọt.
2. Thành phần hóa học
Trong Lộc nhung, người ta phân tích được các chất:
- 25 loại Acid Amin, Calci Phosphat, Calci Carborat, Polysacaride, chất keo, Oestrogen, Testosteron và 26 loại nguyên tố vi lượng như Cu, Fe, Zn, Mg, Cr, Br, Coban, Kiềm…
- Pavelenco (Liên Xô) lấy từ nhung các loại hươu nai ở Siberia một số chất nội tiết gọi là “Lộc Nhung Tinh” (Pantocrin), rồi chế thành thuốc uống hoặc tiêm mang tên Pantocrin.
3. Công dụng
3.1. Y học hiện đại
- Tăng cường sức khỏe: Theo báo Y học Liên Xô tháng 2/1954, Lộc nhung có tác dụng tốt đối với toàn thân, giúp ăn ngủ ngon, bớt mệt mỏi, làm nhanh lành các vết thương, tăng nhu động ruột, ảnh hưởng tốt đến việc chuyển hóa các chất Protid và Glucid. Ngoài ra, nó còn nâng cao tính miễn dịch của cơ thể, làm tăng hồng cầu, huyết sắc tố và sự tăng sinh của tế bào lưới hồng cầu, tăng bạch cầu.
- Tác dụng đối với hệ tim mạch: Do có chất Pantocrinum nên dược liệu dùng liều cao có thể làm hạ huyết áp, tăng lưu lượng máu động mạch vành của tim chuột lớn cô lập, tim co bóp mạnh hơn, nhịp tim chậm lại, làm cường tim.
- Tăng cường sự phát triển: Lộc nhung có tác dụng kích thích tố sinh dục, làm tăng nhanh thể trọng và chiều cao của chuột bạch thí nghiệm và tử cung của chuột cái phát triển, tăng nhanh sự hồi phục của xương và làm vết thương chóng lành.
- Chống loét: Chất Polysacaride của Lộc nhung có tác dụng chống loét rõ rệt đối với mô hình gây loét bằng Acid Acetic hoặc thắt môn vị.
3.2. Y học cổ truyền
- Vị ngọt, mặn, tính ôn.
- Quy kinh Thận, Tâm, Can, Tâm bào.
- Vị thuốc là thứ huyết nhục hữu tinh, dùng để điều trị hư tổn gây mòn hiệu quả hơn các thuốc khác.
Công dụng: bổ thận, sinh tinh, ích khí, bổ huyết, cường gân xương.
Chủ trị:
Chứng hư tổn sau khi ốm dậy, làm mạnh gân xương, các triệu chứng do thận khí suy giảm (tai ù, mắt mờ, chóng mặt, đau lưng gối…). Lộc nhung được xem là “thần dược” của nam giới.
Người dùng Lộc nhung sẽ thấy tinh thần sảng khoái, cơ thể khỏe mạnh, ăn được nhiều, ngủ tốt, chóng lên cân, da dẻ hồng hào, tràn đầy nguyên khí.
3.3. Cách dùng và liều dùng
Lộc nhung không cho vào thuốc sắc, chỉ tán nhỏ hòa uống riêng.
Liều dùng 0,9 – 3g.
Dược liệu không độc. Tác dụng phụ thường gặp là rối loạn tiêu hóa, da ửng đỏ, ngứa, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài (Trung Dược Dược Lý Dữ Lâm Sàng).
Kiêng kỵ: Lộc nhung không nên dùng ở các đối tượng đang sốt cao, phát sốt, dấu hiệu nhiễm trùng, bỗng nhiên bị tê dại… hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Trị hư yếu, liệt dương, da mặt không tươi, tiểu nhiều, không muốn ăn uống
Lộc nhung 20 – 40g. Ngâm rượu 7 ngày, uống dần (Lộc Nhung Tửu – Phổ Tế Phương).
Hoặc Lộc nhung, sao rượu, tán bột. Mỗi lần uống 0,8g – 1,2g với nước sắc 20g Dâm dương hoắc (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
4.2. Trị tinh huyết suy kiệt, sắc mặt đen sạm, tai ù, mắt hoa, miệng khô, khát, lưng đau, gối mỏi
Lộc nhung, Đương quy (đều tẩy rượu). Lượng bằng nhau, tán bột. Dùng thịt Ô mai nấu thành cao, trộn thuốc bột làm hoàn. Ngày uống 8 – 12g lúc đói với nước cơm (Hắc Hoàn – Tế Sinh Phương).
Để lại một phản hồi