Khổ sâm là một vị thuốc bắc được sử dụng thường xuyên y học cổ truyền. Hiện tại, nhiều nghiên cứu cho thấy vị thuốc còn có tác dụng kháng ung thư, kháng khuẩn. Tuy vậy, vì vị thuốc này chưa trồng được tại Việt Nam nên còn khá mới mẻ đối với người dân.
Khổ sâm là gì?
Khổ sâm còn có tên gọi khác là dã hòe, khổ cốt.
Tên khoa học Sophora flavescens Ait, thuộc họ Cánh bướm Fabaceae.
Bộ phận được sử dụng làm thuốc là rễ cây khổ sâm (Radix Sophorae) được phơi và sấy khô.
Vị thuốc này được sử dụng đầu tiên từ 200 năm TCN trong sách Thần Nông Bản Thảo, được xếp vào nhóm dược liệu tầm trung.
Mô tả cây: là dạng cây nhỏ, cao 0,5 – 1,2m. Rễ hình trụ, vỏ ngoài màu vàng. Lá kép chân chim lẻ, mọc so le, gồm 5 – 10 đôi lá chét. Lá chét hình mác dài 2 – 4,5cm, rộng 7-1mm. Hoa mọc thành chùm dài 10-20cm. Hoa màu vàng trắng. Quả giáp dài 5-12cm, đường kính 5-8mm, đầu có mỏ dài chứa 3-7 hạt, gần hình cầu, màu đen.
Phân bố: Tại Việt Nam, cây chỉ được tìm thấy tại một số nơi ở biên giới Việt – Trung. Trên thế giời, cây phân bố ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ. Tại Trung Quốc, khổ sâm mọc khắp nơi ở các tỉnh phía bắc như Vân Nam, Phúc Kiến, Hà Bắc.
Tác dụng của Khổ sâm
* Tác dụng theo Y học Cổ truyền
Tính vị: đắng, hàn. Quy kinh tâm, can, vị, đại trường, bàng quang.
Tác dụng: thanh nhiệt táo thấp, sát trùng lợi niệu.
Chỉ định:
Chứng thấp nhiệt uẩn kết vị trường, đau bụng ỉa lỏng, thậm chí ỉa ra máu thường dùng cùng với mộc hương. Điều trị thấp nhiệt, đại tiện ra máu, trĩ chảy máu thường dùng cùng với sinh địa như bài khổ sâm địa hoàng hoàn. Điều trị thấp nhiệt vàng da, tiểu đỏ thường dùng cùng với chi tử, long đởm thảo.
Chứng đới hạ, ngứa âm hộ, thấp chẩn, tiểu tiện không lợi, thường dùng cùng với hoàng bá, có thể dùng ngoài để rửa hoặc uống trong. Điều trị ghẻ thường dùng cùng với khô phàn, lưu hoàng chế thành cao lỏng bôi tại chỗ. Điều trị phụ nữ có thai, tiểu tiện không thông lợi thường dùng cùng với bối mẫu, đương quy như bài đương quy khổ sâm hoàn. Điều trị thấp nhiệt bàng quang, tiểu tiện không thông dùng cùng với bồ công anh, thạch vĩ.
Liều dùng: 3 – 10 gam.
Chú ý: không dùng khi tỳ vị hư hàn, âm hư thương tân.
* Tác dụng theo Y học hiện đại
Theo các nghiên cứu hiện nay, có hơn 200 hợp chất đã được phân lập từ rễ của cây. Đa số các hợp chất thuộc nhóm flavonoid và alkaloid như: Maxtrin, sophocacpin, oxymatrin, xytisin,… Kết quả nghiên cứu các hợp chất của rễ cây có tác dụng kháng ung thư, kháng khuẩn, hạ sốt, chống viêm, tác dụng kháng ung thư, kháng khuẩn, chống phản ứng phản vệ, chống hen suyễn. Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy tác động của dịch chiết khổ sâm lên hệ tim mạch như hỗ trợ chống loạn nhịp, chống xơ hóa cơ tim, giãn mạch máu, chống thiếu oxy cơ tim,…
Tác dụng kháng ung thư
Các nghiên cứu cho thấy dịch chiết khổ sâm có tác dụng trên tế bào ung thư buồng trứng, ung thư da, ung thư phổi, ung thư đại tràng,… Các hợp chất trong khổ sâm giúp các tế bào ung thư biệt hóa trở lại thành các tế bào bình thường, giảm tổng hợp DNA và nhân lên của các tế bào ung thư, kiểm soát mức độ biểu hiện của gen ung thư,…
Tác dụng kháng viêm của Khổ sâm
Cơ chế liên quan đến ức chế tổng hợp các hợp chất gây viêm như COX-2, iNOS, NO, IL-8, IL-6 và TNF-a.
Các kết quả này phù hợp với việc sử dụng vị thuốc này trong các đơn thuốc như viêm phổi, viêm gan mạn, vàng da,…
Tác dụng giảm dị ứng, hen suyễn
Cơ chế liên quan đến giảm viêm ở đường thở, giảm nồng độ IgE, IL-4, IL-5 trong máu.
Tác dụng kháng khuẩn từ Khổ sâm
Đây là tác dụng thường dùng nhất của vị thuốc khổ sâm trong điều trị nhiễm trùng. Đặc biệt là nhiễm trùng ngoài da. Các nghiên cứu thấy rằng khổ sâm giúp giảm hoạt động của E.coli, Staphylococcus aureus, Streptococcus, Salmonella và Bacillus proteus.
Ngoài ra, khổ sâm còn giúp giảm hoạt động của kí sinh trùng đường ruột thường gây tiêu chảy như Toxoplasma gondii, Giardia lambia,…
Khổ sâm có tác dụng lên tim mạch
Nhiều nghiên cứu cho thấy khổ sâm giúp chống loạn nhịp, chống xơ hóa cơ tim,… trên mèo, thỏ, chuột…
Tóm lại, khổ sâm đã được nghiên cứu và tìm thấy các tác dụng có lợi, nhưng các nghiên cứu vẫn đang ở mức phòng thí nghiệm và thực hiện trên động vật. Đây là những bằng chứng chứng minh cho tác dụng của vị thuốc này trong điều trị y học cổ truyền trong hàng ngàn năm qua.
Cách sử dụng Khổ sâm
Lấy rễ củ cây khổ sâm rửa sạch, loại bỏ tạp chất và rễ phụ, phân loại rễ củ theo kích thước lớn nhỏ, thái thành phiến mỏng từ 6 – 8mm, phơi khô. Bảo quản nơi thoáng mát, tránh mối mọt.
Sử dụng: sắc uống cùng các vị thuốc khác, hoặc đắp ngoài tùy mục đích.
Các bài thuốc từ Khổ sâm
Đơn thuốc trị lỵ từ Khổ sâm
Khổ sâm sao vàng tán nhỏ. Ngày uống 3 lần, chữa lỵ ra máu.
Đơn thuốc trị tiểu nóng rát
Khổ sâm kết hợp với xa tiền tử, mộc thông.
Đơn thuốc dùng ngoài da
Khổ sâm khoảng 50 gam, cho vào nước đun sôi khoảng 30 phút. Để nước nguội dần đến nhiệt độ thích hợp, dùng ngoài da tùy mục đích, ví dụ:
- Cách 1: Để nước ấm vừa phải, tắm toàn thân.
- Cách 2: Dùng khăn sạch nhúng nước khổ sâm ấm, chườm lên vị trí sưng loét. Mỗi ngày dùng 1 lần, mỗi lần khoảng 30 phút.
- Cách 3: Để nước ấm vừa phải, gâm chân mỗi ngày 1 lần, khoảng 30 phút.
- Cách 4: Để nước ấm vừa phải, đổ vào thau chậu, ngồi trực tiếp vào thau chậu ngồi để ngâm âm hộ hoặc hậu môn, trị sưng ngứa âm hộ hoặc sưng hậu môn. Mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút.
Lưu ý khi dùng Khổ sâm
Khổ sâm tính lạnh nên cần chú ý khi sử dụng thuốc uống ở người cơ địa hàn lạnh. Một số biểu hiện của hàn như: lạnh bụng tiêu lỏng, người ớn lạnh, tay chân lạnh,…
Để lại một phản hồi