Khiên ngưu tử (hạt cây bìm bìm): Những hạt thuốc nhỏ “trục thủy” mạnh mẽ

Khiên ngưu (Semen Ipomoeae) là hạt cây Bìm Bìm. Trong Đông y, Khiên ngưu được xếp vào nhóm thuốc “trục thủy”, tức là nó sẽ đưa nước ra ngoài bằng đường tiểu tiện hay đại tiện. 

1. Đặc điểm thực vật Khiên ngưu

1.1. Mô tả

Cây Khiên ngưu (Semen Ipomoeaehay) còn thường được gọi là cây Bìm bìm, là loại dây leo bằng thân cuốn, thân cành mảnh, nhẵn. Trong 1 năm, thân và cành có thể vươn dài hơn 10m. Điểm khác biệt của loại cây này so với các loại dây leo khác đó là dây của nó chỉ quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, theo chiều Đông – Bắc – Tây – Nam.

Lá cây mọc so le có 5 thùy, hình chân vịt. Phiến lá mỏng, hình mác, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, gân lá nổi rõ, cuống dài 2 – 5cm, ngoài ra còn có 2 lá nhỏ kèm theo do chồi nách sinh ra.

Hoa cây Khiên ngưu mọc thành cụm 1 – 3 bông, ở kẽ lá, là loại hoa lưỡng phân. Hoa to hình chuông, có khả năng đổi màu từ lam nhạt sang hồng hoặc tím theo thời gian từ sáng đến chiều. Ban ngày trời nắng, cánh hoa nở xòe ra như một chiếc dù che nắng. Chiều về trời âm u cánh hoa cụp lại. Đài hoa hình chén, tràng có ống, 5 cánh mỏng hàn liền, còn nhị đính ở gốc tràng không thò ra ngoài.

Quả nang hình cầu.

1.2. Phân bố

Đây là loại cây ưa ẩm và ưa ánh sáng, thường mọc hoang ở các bụi hay bờ rào, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm.

Khiên ngưu là cây nhiệt đới, phân bố rải rác ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia…

Ở Việt Nam, cây thường được thấy ở các tỉnh vùng núi thấp, trung du và cả ở đồng bằng.

Bìm bìm là loại cây khá quen thuộc
Bìm bìm là loại cây khá quen thuộc

2. Bộ phận dùng, mô tả vị thuốc, thu hái, chế biến, bảo quản

2.1. Bộ phận dùng

Toàn cây Bìm bìm đều được dùng làm thuốc. Vị thuốc Khiên ngưu đề cập tới trong bài là hạt đã phơi sấy khô của cây Bìm bìm.

Sở dĩ nó có cái tên Khiên ngưu này do liên quan đến “câu chuyện dắt trâu”. Tương truyền, ngày xưa có một bác nông dân có đứa con bị trướng bụng, đưa đi khám được thầy thuốc cho một loại thuốc, về uống đã khỏi bệnh. Người cha nói đứa con dắt trâu tới để cảm ơn vị thầy thuốc. Khi hỏi về vị thuốc đã dùng thì được biết nó là thứ mọc hoang ngoài ruộng. Do đứa bé dắt trâu tới nên người ta gọi nó là “Khiên ngưu tử”.

2.2. Mô tả vị thuốc

Khiên ngưu có 2 loại: Cây hoa màu thẫm sẽ cho hạt màu nâu đen, là “hắc Khiên ngưu” (còn gọi “hắc sửu”); còn cây hoa màu nhạt cho hạt màu vàng nhạt là “bạch Khiên ngưu” (hay “bạch sửu”). Trong 2 loại này thì hạt “hắc sửu” tác dụng nhanh và mạnh hơn, còn “bạch sửu” thì chậm rãi, bình hòa hơn.

Hạt có 3 cạnh, lưng khum, hai bên dẹp. Hạt to bằng hạt đậu xanh, dài 5 – 8mm, rộng 3 – 5mm. Vỏ cứng, màu đen hoặc vàng nhạt; nhân có màu vàng nhạt.

2.3. Thu hái

Vào khoảng tháng 7 – 10, khi quả chín, người ta sẽ hái quả về, đập ra để lấy hạt.

2.4. Chế biến

Theo Trung y: Giã bỏ vỏ, tán nhỏ, rây lấy lớp bột đầu, còn thứ chưa nhỏ bỏ đi. Cũng có khi dùng nửa sống, nửa sao (theo Lý Thời Trân).

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

  • Dùng sống: Phơi khô, khi dùng thì giã dập hoặc tán mịn để bốc thuốc thang hoặc làm hoàn tán (tác dụng xổ mạnh).
  • Dùng chín: Sao vàng cho thơm (xổ yếu hơn).

2.5. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh ẩm mốc.

Vị thuốc Khiên ngưu
Vị thuốc Khiên ngưu

3. Thành phần hóa học của Khiên ngưu

Theo nghiên cứu, trong Khiên ngưu chứa:

  • Hoạt chất chính là chất béo (chừng 11%).
  • Khoảng 2% Pharbitin (Pharbitic acid và vài Purolic acid) là Glucosid có tác dụng tẩy.
  • Khoảng 2% Nilic acid, Gallic acid, Lysergol, Chanoclavine, Penniclavine, Isopenniclavine, Elymoclavine.

4. Tác dụng dược lý

  • Tác dụng tẩy xổ: Chất Pharbitin có tác dụng tẩy xổ mạnh tương tự chất Jalapin. Khi chất Pharbitin vào ruột gặp mật và dịch ruột sẽ thủy phân thành Khiên ngưu tử tố kích thích ruột làm tăng nhu động gây ra tẩy xổ. Nước hoặc cồn chiết xuất Khiên ngưu đều có tác dụng gây tiêu chảy ở chuột nhắt nhưng nước sắc thì không có tác dụng đó.
  • Tác dụng lên thận: Khiên ngưu tử làm tăng độ lọc Inulin của thận.
  • Tác dụng diệt giun: Khiên ngưu tử in vitro có tác dụng ức chế giun đũa (theo Trung Dược Học).
  • Độc tính: Độc tính của thuốc đối với chuột, liều LD50 là 37,5/kg. Ở người có triệu chứng muốn nôn, nôn do thuốc kích thích trực tiếp lên đường tiêu hóa. Liều cao có thể ảnh hưởng đến thận, dẫn đến tiểu ra máu cũng như các triệu chứng thần kinh (theo Trung Dược Học). 

5. Công dụng của vị thuốc Khiên ngưu

Khiên ngưu là vị thuốc đắng, lạnh, có tác dụng tẩy xổ, trục thủy, lợi niệu, sát trùng rất mạnh, thường được ứng dụng trong:

  • Trục thủy để trừ phù thũng nhiều (phù thũng nhiều gây khó thở, táo bón…).
  • Tẩy xổ: dùng liều nhỏ thì nhuận tràng, chữa táo bón.
  • Long đờm, chữa ho suyễn do đờm đầy ở phổi.
  • Chữa giun sán.
Khiên ngưu chữa phù thũng rất hiệu quả
Khiên ngưu chữa phù thũng rất hiệu quả

6. Liều dùng

4 – 12g/ngày.

7. Chú ý

Một số trường hợp cấm kỵ sử dụng Khiên ngưu:

  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Người cơ thể hư nhược.
  • Suy hô hấp ở người già.
  • Phù do bị suy dinh dưỡng.
  • Người sau mổ không tiểu tiện được.

Lưu ý:

Khiên ngưu không được dùng với liều lượng lớn, nếu dùng quá liều sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày ruột gây nôn, đau bụng tiêu chảy, tiêu ra máu. Ngoài ra, nó còn kích thích thận gây đi cầu ra máu. Nặng nề hơn có thể tổn thương thần kinh gây trở ngại ngôn ngữ, hôn mê. Thuốc tươi tác dụng mãnh liệt, nếu sao lên thì hòa hoãn hơn và ít tác dụng phụ hơn.

Dùng chung với Mộc hương, Can khương thì sức thuốc càng mạnh.

8. Một số bài thuốc sử dụng Khiên ngưu

8.1. Bài thuốc trị phù thũng, bụng đầy

Khiên ngưu tử 120g, Hồi hương 30g, tán bột mịn, mỗi lần 6 – 8g. Uống lúc bụng đói với nước sôi ấm, ngày 1 lần, liên tục trong 2 – 3 ngày.

Bài thuốc này thường dùng trị xơ gan cổ trướng hoặc viêm thận mạn gây phù thũng.

8.2. Bài thuốc trị giun đũa, giun kim

Khiên ngưu tử, Binh lang, Đại hoàng lượng bằng nhau tán bột mịn (Ngưu lang hoàn). Uống sớm và tối lúc bụng đói 2 – 3g với nước sôi ấm.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*