Hồi sức tim phổi CPR là sự kết hợp của ấn ngực và hô hấp nhân tạo để phục hồi lượng máu giàu oxy tới não bệnh nhân. Đây là kỹ thuật được thực hiện trong các trường hợp cấp cứu như tai nạn, ngạt nước, ngạt thở, điện giật, ngộ độc, hít phải khói thuốc hoặc đột tử ở trẻ sơ sinh.
1. Khi nào cần hồi sức tim phổi (CPR)?
Hồi sức tim phổi là một kỹ thuật cứu sinh hữu ích trong các tình huống cấp cứu, bao gồm đau tim, điện giật, đuối nước,… trong đó nạn nhân bị ngừng thở hoặc ngừng tim (ngừng tuần hoàn). Khi tim ngừng đập, tình trạng thiếu máu cung cấp oxy trong vòng vài phút có thể gây tổn thương não vĩnh viễn. Sau 8 – 10 phút máu giàu oxy không được cung cấp đến não, bệnh nhân sẽ tử vong. CPR bao gồm nhấn ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo bằng miệng để đưa máu giàu oxy đến não và các cơ quan trọng yếu trong cơ thể, giúp ngăn ngừa nguy cơ tổn thương não hoặc tử vong.
Kỹ thuật hồi sức tim phổi CPR bắt đầu càng sớm càng tốt để mang lại khả năng phục hồi tốt hơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trước khi thực hiện kỹ thuật này, cần xác định thời điểm tiến hành phù hợp. CPR chỉ được thực hiện khi bệnh nhân không thể được hoặc máu lưu thông không đầy đủ.
2. Tầm quan trọng của hồi sức tim phổi
Hồi sức tim phổi được thực hiện khi nạn nhân bị ngưng thở hoặc tim ngừng đập như trong trường hợp nhồi máu cơ tim, chết đuối,… Đây là kỹ thuật cứu sống quan trọng, đặc biệt đối với những nạn nhân đang trong tình trạng còn có khả năng cải thiện sức khỏe. Kỹ thuật này giúp duy trì sự tuần hoàn của lượng máu chứa oxy trong cơ thể, từ đó phòng tránh được nguy cơ tổn thương não và các cơ quan nội tạng.
Nếu không thực hiện hồi sức tim phổi, nạn nhân sẽ tử vong sau 5 – 10 phút.
Tuy nhiên, hồi sức tim phổi không có tác dụng với bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư hoặc đang hấp hối.
3. Hồi sức tim phổi diễn ra như thế nào?
3.1 Đánh giá tình hình nạn nhân trước khi hồi sức tim phổi
Nếu nạn nhân có 1 trong 3 dấu hiệu dưới đây:
- Bất tỉnh;
- Ngưng thở hoặc thở ngáp;
- Mạch bẹn hoặc mạch cảnh không bắt được.
Cần gọi cấp cứu trước khi hồi sinh tim phổi. Nếu nạn nhân là trẻ 1 – 8 tuổi, nên tiến hành hồi sức tim phổi trong 2 phút trước khi gọi cấp cứu.
3.2 Nhấn ép tim ngoài lồng ngực: Phục hồi tuần hoàn máu
- Đặt gốc cổ tay lên giữa ngực nạn nhân, giữa các xương sườn, đặt tay kia lên trên tay này. Người sơ cứu cần giữ lông mày thẳng, tư thế bả vai thẳng góc với bàn tay;
- Dùng sức nặng của thân trên, ấn thẳng lồng ngực của nạn nhân xuống sâu ít nhất 5cm, ấn mạnh và nhanh với tần suất tối thiểu 100 lần/phút;
- Sau khi ấn 30 cái, đẩy đầu nạn nhân ngửa ra sau, nâng cằm lên để mở đường thở, chuẩn bị hà hơi thổi ngạt. Thực hiện kẹp chặt mũi, thổi vào miệng nạn nhân trong 1 giây. Nếu lồng ngực nạn nhân phồng lên, thực hiện thổi ngạt hơi thứ 2. Nếu lồng ngực nạn nhân không phồng lên, đẩy cằm nạn nhân ngửa lại và thổi ngạt lần thứ 2. Đây được tính là 1 chu kỳ. Nếu có thêm người, phân công người đó thổi ngạt 2 lần sau khi đã ấn ngực 30 cái;
- Nếu nạn nhân chưa cử động sau 5 chu kỳ (khoảng 2 phút) và có sẵn máy khử rung tim ngoài tự động, hãy mở máy và làm theo hướng dẫn. Nếu không có máy khử rung ngoài, tiếp tục hồi sức tim phổi cho tới khi nạn nhân có dấu hiệu cử động hoặc cho tới khi nhân viên y tế tiếp nhận nạn nhân.
3.3 Đường thở: Làm thông đường thở
- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng vững chắc;
- Quỳ xuống cạnh cổ và vai nạn nhân;
- Đặt lòng bàn tay lên trán nạn nhân, đẩy nhẹ xuống và dùng tay kia đẩy nhẹ cằm ra trước để mở thông đường thở;
- Kiểm tra nhịp thở bình thường: Tìm cử động của ngực, nghe tiếng thở, cảm nhận hơi thở của nạn nhân bằng cách áp má hoặc tai vào mũi, miệng của họ. Khi thực hiện kiểm tra nhịp thở cần tiến hành nhanh, không quá 10 giây. Nếu nạn nhân không thở được bình thường, cần thực hiện hà hơi thổi ngạt.
3.4 Thổi ngạt: Thở cho nạn nhân
- Hà hơi thổi ngạt có thể thực hiện theo kiểu miệng – miệng hoặc miệng – mũi nếu miệng của nạn nhân bị tổn thương nặng hoặc không thể mở được. Khi đường thở đã thông, kẹp chặt mũi nạn nhân để hà hơi thổi ngạt miệng – miệng;
- Chuẩn bị thổi ngạt 2 hơi: Hơi thứ nhất kéo dài 1 giây, kiểm tra xem lồng ngực của nạn nhân có nâng lên không. Nếu lồng ngực không nâng lên, đẩy cằm nạn nhân ngửa lên trên và thổi ngạt lần thứ 2;
- Tiếp tục nhấn ép tim ngoài lồng ngực.
4. Nguy cơ khi hồi sức tim phổi
- Nhấn mạnh lên lồng ngực có thể dẫn tới đau ngực, gãy xương sườn hoặc vỡ phổi;
- Không quá 10% bệnh nhân được hồi sức tim phổi thoát qua cơn nguy kịch tại bệnh viện có thể hồi phục được chức năng như trước. Phần lớn bệnh nhân chỉ sống được một thời gian ngắn.
Thực hiện kỹ thuật hồi sức tim phổi CPR đúng theo hướng dẫn có thể giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch, góp phần nâng cao cơ hội sống và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để lại một phản hồi