Phù là hiện tượng ứ nước ở trong các tổ chức dưới da hoặc phủ tạng. Sự ứ nước đó có thể gây bởi nhiều cơ chế, cho nên phù là triệu chứng của rất nhiều bệnh, nhiều khi dễ, chẩn đoán được ngay, nhưng cũng có khi rất khó.
I. Nguyên nhân
Phù thường xảy ra khi có các yếu tố.
1. Ứ trệ tuần hoàn.
Ví dụ:
– Suy tim phải.
– Chèn ép tĩnh mạch hoặc tắc tĩnh mạch.
2. Hạ tỷ lệ protein ở huyết tương:
Làm giảm áp lực keo, như phù trong:
– Thận nhiễm mỡ.
– Thiếu dinh ưỡng.
– Xơ gan.
3. Ứ muối:
Điển hình là phù do viêm cầu thận.
4.Cường adosterol
Ví dụ trong suy tim, thận nhiễm mỡ, xơ gan.
5.Tổn thương các thành bạch mạch hoặc tĩnh mạch.
– Viêm tĩnh mạch.
– Viêm hạch mạch.
– Dị ứng.
II. Mục đích khám
1. Bệnh nhân có phù không? Tính chất của phù?
2. Nguyên nhân gây ra phù là gì? (Đây là mục đích chính).
III. Hỏi và khám
1. Hỏi bệnh
a. Thời gian
– Bắt đầu xuất hiện phù từ khi nào ?
– Thường xuất hiện phù khi nào? (sáng hay chiều)
– Là lần đầu tiên hay đã xuất hiện nhiều lần ?
b. Hoàn cảnh.
– Trước thời điểm phù điều trị thuốc gì không, có phát hiện bị bệnh gì không?
c. Tính chất, liên quan
– Phù xuất hiện đột ngột hay tăng dần?
– Xuất hiện lần đầu ở đâu?
– Kèm theo phù có triệu chứng gì nữa không (khó thở, tiểu ít, sưng đau,…) ?
– Có biện pháp nào áp dụng thấy đỡ phù hơn không (ăn nhạt, treo chân,..)?
d. Diễn biến của phù
– Mức độ phù thay đổi như thế nào (ngày càng nặng lên, giảm đi hay không thay đổi)?
– Ở nhà đã xử lý như thế nào? Kết quả ra sao?
– Đã khám và điều trị phù ở đâu? Chẩn đoán phù là do nguyên nhân gì? Điều trị như thế nào? Đáp ứng với điều trị ra sao?
2. Khám
– Kết hợp quan sát các hố lõm tự nhiên và ấn các vùng da sát xương. Lưu ý không dùng móng tay để ấn, lực ấn vừa phải, tương đương với trọng lượng cánh tay thả lỏng, thời gian cho 1 lần ấn là 3 – 5 giây.
– Khám hệ thống từ trên xuống dưới: Vùng mặt, ngực, hai tay, hai chi dưới.
Video hướng dẫn khám phù
3. Xét nghiệm cần làm
– Xét nghiệm máu: Protein, Albumin
– Xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận, tim.
IV. Đặc điểm phù trong một số bệnh lý
1. Phù thận
– Xuất hiện đầu tiên của mi mắt, ở mặt, rồi mới đến các nơi khác.
– Buối sáng nặng hơn buổi chiều
– Phù trắng, mềm, ấn lõm.
– Protein niệu (+)
2. Suy dinh dưỡng:
– Chủ yếu phù chi dưới, nhưng cũng có khi phù cả mặt, thân và tay.
– Không có liên quan đến thời gian trong ngày và tư thế người bệnh.
– Mềm và ấn lõm.
– Protein máu giảm.
3. Phù do suy tim phải
– Thường xuất hiện ở hai chi dưới trước
– Buổi chiều thường nặng hơn buổi sáng
– Phù mềm, ấn lõm.
– Chế độ nghĩ ngơi, ăn nhạt có thể làm bớt phù.
– Kèm theo gan to, mềm, tức, có tính chất gan đàn xếp, tĩnh mạch cổ nổi, phản hồi gan tĩnh mạch cổ (+) và khó thở ít hoặc nhiều.
– Đo áp lực tĩnh mạch: rất cao.
4. Phù trong xơ gan:
– Phù mềm, ấn lõm.
– Ăn nhạt có thể bớt phù.
– Thường kèm theo cổ trướng thẩm thấu và tuần hoàn bàng hệ.
– Albumin máu giảm
5. Phù trong bệnh tê phù do thiếu Vitamin B1
– Chủ yếu ở bắp chân, làm bắp chân người bệnh căng, to.
– Phù mềm, ấn lõm.
– Không có liên quan với thời gian, với tư thế người bệnh cũng như với chế độ ăn nhạt.
– Bao giờ cũng kèm theo rối loạn cảm giác chủ quan (tê bí, kiến bò, chuột rút) và mất phản xạ gân gối.
6. Phù thai nghén:
Ở những sản phụ trong những tháng cuối của thời kì có thai.
7. Viêm tắc tĩnh mạch (phù tĩnh mạch).
– Phù mềm, trắng nhưng rất đau: đau tự phát lâu ngày làm người bệnh không dám cử động chân, đau càng tăng lên khi sờ nắn chi, nhất là đoạn chi gần chỗ viêm tắc.
– Nằm nghỉ và nhất là gác chân lên cao, sẽ làm giảm bớt phù.
8. Phù do dị ứng.
Thường xuất hiện đột ngột ở xung quanh mắt, mồm và mất đi rất nhanh.
V. Câu hỏi thảo luận
1. Những bệnh gì có thể có triệu chứng phù?
2. Các vị trí khám phù?
3.Cơ chế gây phù?
4.Phù do bệnh lý tim thường có triệu chứng gì đi kèm?
5. Phù 1 chân gặp trong bệnh nào?
6. Chế độ ăn nhạt thường làm giảm phù gặp trong bệnh nào?
7. Phù ở trẻ em và người lớn thường nghĩ đến các bệnh gì?
8. Bệnh nhân bị phù thì khuyên chế độ chăm sóc như thế nào?
9. Thuốc gì dùng kéo dài gây ra phù?
Để lại một phản hồi