Khi nhắc đến vị thuốc từ nhựa cây ta thường nhớ đến Hổ phách. Ngoài ra, Huyết kiệt cũng là vị thuốc từ nhựa phủ lên quả. Nó là một vị thuốc Đông y giúp tan huyết ứ.
Huyết kiệt là gì?
Huyết kiệt (Resina Draconis hay Sanguis Draconis) là nhựa khô phủ trên mặt quả của 1 số loài thuộc họ Dừa (Palmaceae) như Calamus propinquus Becc. hay Calamus draco Willd. Vì có màu đỏ như máu lại khô nên được gọi là Huyết kiệt hay máu rồng.
Cây Huyết kiệt Calamus draco là một loại cây có thể dài tới 10m, đường kính thân đạt tới 2 – 4cm. Lá mọc so le, kép, về phía gốc đôi khi gần như mọc đối, trên thân và lá rất nhiều gai. Hoa mọc đơn độc, đực cái khác gốc.
Quả gần như hình cầu, đường kính 2cm, khi chín có màu đỏ. Trên quả có rất nhiều vảy, khi chín, trên mặt những vảy này phủ đầy chất nhựa đỏ
- Quả huyết dụ có nhiều vảy giống vảy rồng
Thu hoạch và chế biến
Hiện nay người ta chỉ mới biết thu hái nhựa Huyết kiệt ở những cây mọc hoang tại những đảo của Indonexia. Người ta hái quả về, cho vào túi gai mà vò. Chất nhựa dòn sẽ long ra, rây lấy riêng chất nhựa.
Đem phơi nắng hoặc đun cách thủy, chất nhựa sẽ chảy ra, đổ vào khuôn hình trụ hoặc thành cục rồi gói trong lá cọ. Có khi người ta đóng thành những bánh tròn đường kinh 10cm, dày 5cm hoặc thành bánh nặng mấy kilogam.
Có nơi người ta đun quả với nước cho nhựa chảy ra rồi đóng thành bánh, nhưng những loại nhựa này chất lượng kém hơn.
Hiện chưa thấy cây này sống ở nước ta. Để sử dụng ta vẫn phải nhập từ Trung Quốc, bản thân Trung Quốc cũng nhập từ Indonexia.
Nhận diện vị thuốc
Huyết kiệt tốt dòn, dễ vỡ vụn, màu đỏ nâu, trên mặt có những vết hằn của lá cọ dùng để gói. Nó có dạng những mảnh vụ bóng, trong, màu đỏ đẹp, không mùi vị đặc biệt. Khi vạch trên giấy để lại một vết màu nâu.
Tác dụng của Huyết kiệt
Thành phần hóa học
Thành phần chủ yếu của dược liệu này là ete bezoic và benzoylaxetic của dracoresitanola kèm một ít acid benzoic tự do và tinh dầu. Phần không tan nhiều khi chiếm tới 40% làm giảm phẩm chất của thuốc.
Tác dụng của Huyết kiệt thể hiện trong các nghiên cứu gần đây
Nghiên cứu trên sự kết tập tiểu cầu, hình thành huyết khối và thiếu máu cục bộ cơ tim ở chuột và thỏ. Người ta thấy Huyết kiệt có chức năng thúc đẩy tuần hoàn máu và loại bỏ huyết ứ, chống huyết khối, cùng với ức chế kết tập tiểu cầu.
Tăng đường huyết gây ra rối loạn chức năng nội mô và các biến chứng mạch máu bằng cách hạn chế tiềm năng tăng sinh của các tế bào này. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ Huyết kiệt có thể làm giảm quá trình viêm mạch máu thông qua chống oxy hóa, giảm chết tế bào theo chương trình. 1 nghiên cứu khác còn cho thấy dược liệu này giúp bảo vệ tuyến tụy trong trường hợp bị đái tháo đường.
Người ta còn thấy chiết xuất từ vị thuốc này có tác dụng chống viêm rõ. Tác dụng này thông qua ức chế các hóa chất trung gian gây viêm như NO, PGE 2 , IL-1β và TNF-α, và chống oxy hóa.
Nghiên cứu trên tế bào thí nghiệm cho thấy nó còn giúp thúc đẩy hoạt động của tế bào tạo xương. Điều này mang lại tiềm năng trong ngăn ngừa loãng xương cũng như thúc đẩy quá trình chữa lành gãy xương.
Tác dụng theo Y học cổ truyền
Trước kia, Tây y sử dụng Huyết kiệt để làm thuốc bổ, săn da. Hiện nay thường chỉ dùng làm chất màu nhuộm các vecni, thuốc đánh răng, thuốc cao dán.
- Đây là vị thuốc hoạt huyết, làm tan huyết ứ
Trong Đông y, vị thuốc này có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc, quy vào kinh Tâm bào và kinh Can. Nó có tác dụng tán ứ, sinh tân, hoạt huyết, chỉ thống. Tức là làm phần huyết dịch trong cơ thể vận hành thông suốt. Trị những tình huống huyết tắc trở do chấn thương hoặc rối loạn công năng tạng phủ.
Cách dùng Huyết kiệt
Vị thuốc này thường dùng chảy máu cam, mụn nhọt, vết thương chảy máu, huyết tích trong bụng thành cục. Dùng dưới dạng thuốc tán bột, hoặc cho vào thang thuốc sắc uống. Liều dùng mỗi ngày là 2 đến 4g.
Bài thuốc có Huyết kiệt
Chữa vết thương chảy máu
Tán Huyết kiệt, rắc vào nơi chảy máu.
Chảy máu cam
Huyết kiệt, Bồ hoàng, hai vị lượng bằng nhau, tán nhỏ thổi vào mũi.
Hồ trợ điều trị Đau thắt ngực thể Tâm huyết ứ trở
Trong thể bệnh này, bệnh nhân đau ngực cố định, mức độ nhiều, lưỡi xanh tím. Dùng bài thuốc Gia vị ích tâm thang.
Công thức: Ðảng sâm 15g, Hoàng kỳ 15g, Cát căn 9g, Xuyên khung 9g, Ðan sâm 15g, Xích thược 9g, Sơn tra 30g, Xương bồ 4g, Quyết minh tử 30g, Giáng hương 3g, Tam thất phấn 1,5g và Huyết kiệt 1,5g. Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.
Đau thần kinh tọa
Bệnh nhân đau thắt lưng lan xuống chân, đau cố định, dữ dội, xoay trở đau tăng. Dùng bài thuốc Thông lạc chấn kinh thang.
Công thức: Đan sâm 30-45g, Câu đằng 30g, Huyết kiệt 5g, Hy thiên thảo 15g, Ngô công 2 con, Địa long 12g, Sài hồ 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Di chứng chấn thương sọ não
Bệnh nhân liệt tay chân, vận động đi tại khó khăn. Kèm đau nhức tay chân bên liệt, đau đầu nhiều, hoa mắt chóng mặt, lưỡi tím. Dùng bài thuốc Khử ứ an thần thang.
Công thức: Đan sâm 30g, Đương qui 9g, Hồng hoa 6g, Điền tam thất 3g, (tán bột, uống với nước thuốc), Phục thần 12g, Cốt toái bổ 12g, Tục đoạn 12g, Địa long 9g, Câu đằng 18g, Cam thảo 3g, Huyết kiệt 3g, Nguyên hồ 6g. Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.
Huyết kiệt là vị thuốc từ nhựa khô một số cây họ Dừa. Theo Đông y nó có tác dụng tan huyết ứ, điều trị các trường hợp chảy máu, chấn thương bầm máu, … Các nghiên cứu hiện đại chứng minh nhiều tác dụng của nó. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều thuốc cấp cứu, không nên dùng trực tiếp nó lên vết thương hở hay thổi vào mũi để tránh nhiễm trùng
Để lại một phản hồi