Hoa nhài là một loài cây cảnh quen thuộc trong sân vườn nhà của các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên ít ai biết, ngoài những bông hoa thơm ngát được dùng để ướp trà, cây hoa nhài còn được dùng cả hoa, lá, rễ như một loài cây thuốc. Trong dân gian người ta thường sử dụng hoa và lá chữa đau bụng tiêu chảy, nhọt độc.
1. Mô tả
Hoa nhài còn có tên gọi khác là Mạt lị. Tên khoa học là Jasminum sambac (L.) Ait. Thuộc họ: Oleaceae (Nhài).
Cây hoa nhài là một cây nhỏ, nhiều cành mọc xòe ra.
Lá hình trái xoan nhọn ở đầu và ở phía cuống, dài 3-7 cm, rộng 20-35mm, 2 mặt đều bóng, khe các gân phụ ở mặt dưới có lông.
Cụm hoa mọc ở đầu cành ít hoa. Quả có 2 ngăn, hình cầu, đường kính 6mm màu đen, quanh có đài phủ lên.
2. Thu hái và bào chế
Muốn dùng rễ, đào lên rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô mà dùng. Có thể đào rễ quanh năm nhưng tốt nhất vào thu đông.
Lá thu hái quanh năm.
Hoa thu hái vào hè thu, khi mới nở, dùng tươi hay phơi khô.
3. Thành phần hoá học
Trong hoa có một chất béo thơm chừng 0.08%. Thành phần chủ yếu của chất béo thơm đó là chất parafin, este formic axeticbenzoic- linalyl, este anthranili metyl và indol.
Tinh dầu hoa nhài có thể chiết bằng dung môi hoặc cất thẳng trực tiếp, được dùng trong mỹ phẩm có chứa các este (như benzyl acetat), các alcool (như linalool), anthranilate methyl.
Phân lập và xác định các thành phần hóa học trong rễ cây Hoa nhài. Thu được axit dotriacontanoic, dotriacontanol, axit oleanolic, daucosterol và hesperidin. Lần đầu tiên tất cả các hợp chất được tìm thấy trong loại cây này.
4. Tác dụng dược lý
Theo GS Đỗ Tất Lợi: Chế phẩm từ toàn cây nhài có tác dụng hạ huyết áp và ức chế thần kinh trung ương ở chuột nhắt trắng.
Rễ nhài có tác dụng an thần mạnh, gây mê và có tác dụng làm giảm đau trong trường hợp bị trấn thương. Trong sách “Bản thảo hội biên” (Trung Quốc) có ghi: Rễ nhài mài với rượu uống với lượng một tấc rễ thì hôn mê bất tỉnh một ngày, với lượng 2 tấc thì bất tỉnh 2 ngày. Khi bị tổn thương gân xương, trật khớp, dùng rễ nhài không thấy đau.
Chưa thấy nghiên cứu khoa học công bố về tác dụng dược lý của cây Hoa nhài.
5. Công dụng và liều dùng
Hoa nhài có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu. Rễ có tác dụng giảm đau, gây tê, an thần
Một số địa phương dùng nước sắc hoa nhài rửa mắt chữa mắt đỏ, sung đau, sắc hay pha như trà uống chữa đau bụng, kiết lỵ. Liều dùng mỗi ngaỳ 1,5-3g hoa khô.
Rễ nhài là thuốc giảm đau trong trường hợp tổn thương gân xương, đau đầu, sâu răng mất ngủ. Liều dùng mỗi ngày 0,9-1,5g, mài lấy nước. Dùng ngoài giã đắp tại chỗ.
6. Phương thuốc kinh nghiệm
6.1 Giúp thanh nhiệt
Hoa nhài khô 1 thìa, cho hoa nhài vào bình trà, cho 300ml nước sôi để hãm, 5 phút sau trà có mùi thơm, uống được, người thích ngọt thì cho thêm mật ong hòa đều để nguội uống. Hoặc hoa nhài khô 6g sắc uống thay nước hàng ngày.
6.2 Trị đau mắt
Hoa nhài 6g, dùng riêng hay phối hợp với Kim ngân hoa và hoa Bạch cúc, mỗi vị 9g, đun sôi lấy nước xông rồi uống. Hoặc lấy lá giã vắt lấy nước, trộn với lòng trắng trứng gà đắp.
6.3 Chữa đau bụng, tiêu chảy
Hoa nhài 6g tươi hoặc 3g khô, hậu phác 6g, mộc hương 9g, sơn tra 30g, sắc nước uống.
7. Lưu ý
Không được dùng quá liều và không được dùng dạng rượu thuốc.
Người có thai và cơ thể suy nhược không nên dùng.
Cây Hoa nhài là một loại thuốc trong dân gian có công dụng thanh nhiệt, giảm đau, có thể dùng hạ huyết áp. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều nghiên cứu khoa học rõ ràng về tác dụng của loại cây này. Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
Để lại một phản hồi