Nhắc đến hoa dẻ, là người ta sẽ nhớ đến một loài hoa với những cánh hoa vàng lục, cánh rủ xuống nhẹ nhàng. Có người còn gọi nó là dẻ thơm, có lẽ vì mùi thơm nồng nàn của chúng. Nhưng một điều có lẽ ít ai biết, bản thân cây hoa dẻ cũng có những tác dụng chữa bệnh.
1. Đặc điểm cây Hoa dẻ
Cây Dẻ (có tên khoa học Desmos chinensis) thuộc họ Na (Annonaceae). Đây là loại cây bụi sống lâu năm, thân mọc trườn. Chúng có chiều cao trung bình từ 1 – 3 m trong điều kiện phát triển tốt. Còn với môi trường khí hậu không thích hợp, cây hoa dẻ có thể thấp dưới 1 m. Thân và cành Dẻ mảnh. Cành non phủ một lớp lông thưa. Sau đó nó trở nên nhẵn, có màu đen và những nốt sần nhỏ.
Lá Dẻ hình mác hoặc gần thuôn, gốc lá tròn hay hình tim. Lá đơn, mọc so le nhau. Kích thước lá thay đổi, dài khoảng 7 – 17 cm, rộng tầm 3 – 6 cm. Mặt trên lá nhẵn bóng, mặt dưới phủ lông tơ vàng nhạt. Phần cuống lá ngắn và có lông.
Hoa Dẻ thơm, màu vàng lục nhạt, mọc đơn độc ở kẽ lá hay đối diện với lá. Lá đài hình mác nhọn, dài tầm 7 – 15 mm, rộng tầm 3 – 4 mm. Lá đài có lông ở mặt ngoài. Hoa Dẻ thường có 6 cánh, dài gấp 6 – 7 lá đài. Cánh hoa thường đồng đều nhau về kích thước và hình dạng. Cánh mỏng, rủ ngược xuống. Lá noãn và nhị nhiều, nhị cao 1,5 cm. Mùa hoa rơi vào tầm tháng 4 – 6.
Phần quả mọng không có lông, khi chín có màu vàng hay đỏ. Quả hình chuỗi dài, mỗi quả gồm 2 – 9 hạt, phân thành các đốt. Các hạt có hình trứng hay gần hình cầu.
2. Phân bố
Cây Dẻ phân bố trên khắp Đông Nam Á, ngoài ra còn ở Ấn Độ, Trung Quốc,…
Ở nước ta, cây phân bố tương đối rộng rãi ở nhiều tỉnh thuộc vùng trung du, núi thấp và đồng bằng từ miền Bắc đến miền Nam. Như các tỉnh: từ Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Thái, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… tới Khánh Hòa, Kontum, Lâm Ðồng, Ðồng Nai….
Đây là loại cây ưa sáng thường mọc trên các đồi cây bụi hay bờ nương rẫy, ven rừng thứ sinh. Cây có thể sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất, trong đó có cả đất đồi bị xói mòn mạnh chỉ còn trơ tầng đá ong. Nó cũng thường được trồng trong các đô thị, đường phố, do sự phát triển của lá dày đặc của nó cung cấp bóng mát. Thân cây tương đối mỏng và hệ thống rễ không phá vỡ vỉa hè.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Bộ phận được sử dụng làm thuốc của cây Dẻ là hoa, lá và rễ. Hoa thường thu hái vào mùa hè, khi hoa mới nở. Hoa lấy về đem phơi nắng nhẹ hay sấy nhẹ cho khô nhưng vẫn giữ được mùi thơm. Còn rễ cây nên thu hoạch lúc cây đã trưởng thành để có lượng hoạt chất dồi dào hơn. Rễ đem rửa sạch đất cát, rồi thái mỏng, phơi hay sấy khô để dùng dần. Lá Dẻ có thể thu hái quanh năm.
Lưu ý bảo quản dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát. Hoa nên cất trong hũ kín hay bịch cột chặt để không mất mùi. Tránh những nơi ẩm thấp, mối mọt, tránh ánh nắng trực tiếp để không hư hại thuốc.
4. Thành phần hóa học trong cây hoa Dẻ
Theo nghiên cứu, người ta thấy:
Trong Hoa Dẻ chứa: 5–methoxy–7 hydroxy–flavanon; 8–formyl–2,5,7–trihydroxy–6-methyl–flavanon (theo Qais, N. và cs 1996, Umezawa Kazuo và cs, 1992).
Rễ chứa: 4,7 –dihydroxy–5–methoxy–6–methyl–8–formylflavan và 5,7–dihydroxy–6,8–dimethyl–dihydroflavon (theo Zhao Jing, 1992. CA – 117 – 86757w, CA. I26, I69100p, CA 121, 18019Q)
Ngoài ra khi nghiên cứu thành phần trong tinh dầu hoa cây Dẻ, người ta thấy chủ yếu là hợp chất Sesquiterpen. Có 13 thành phần, trong đó có những hợp chất chính: b-caryophyllen (28.9%), bicyclogermacren (11,5%), a-humulen (7.2%), D-germacren (7,2%), b-elemen (6,4%).
5. Công dụng của cây Hoa Dẻ
Hoa Dẻ theo đông y có vị cay, tính hơi ấm. Nó thường được dùng để chữa một số chứng bệnh sau:
- Chữa tê thấp, chân tay tê bại, đau nhức gân xương.
- Trị mụn nhọt, mẩn ngứa.
- Chữa ngộ độc.
- Chữa phù thũng.
- Chữa đau bụng trước khi sinh và xuất huyết, thống kinh.
- Rễ và lá trị các bệnh đường tiêu hóa, trướng bụng, tiêu chảy, đau dạ dày.
- Rễ sắc nước uống để trị lỵ và chóng mặt.
- Nước sắc hoa Dẻ cho phụ nữ sanh khó uống.
- Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương.
- Dùng lá tươi giã nát thêm rượu và đắp vào chỗ đau.
6. Một số bài thuốc từ cây hoa Dẻ
6.1. Bài thuốc chữa tê thấp, đau nhức
Rễ hoa Dẻ, rễ Rung rúc, rễ Gắm, vỏ thân Ngũ gia bì chân chim, rễ Bưởi bung, mỗi vị 80 g.
Rễ Sâm nam, rễ Cỏ xước, rễ Ô dược, rễ Bướm bạc, rễ Tầm xuân, Tầm gửi cây dâu, rễ Bạch đồng nữ, mỗi vị 40 g, rễ Chỉ thiên, cả cây Cỏ roi ngựa, mỗi vị 20 g.
Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm với 2 lít rượu trắng, càng lâu càng tốt (Bách gia trân tàng).
6.2. Chữa mụn nhọt, ngộ độc nấm
Rễ hoa Dẻ, Kim ngân hoa, mỗi vị 30 g. Sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày (Nam dược thần hiệu).
Để lại một phản hồi