Bệnh nhiệt miệng và viêm loét miệng trong y học cổ truyền thuộc chứng nhiệt độc. Để phòng, ngăn ngừa bệnh nhiệt miệng, viêm loét miệng thì quan trọng nhất là giữ vệ sinh khoang miệng. Bên cạnh đó, sử dụng các vị thuốc, thảo dược trong Đông y cũng là một giải pháp được nhiều người lựa chọn.
Theo y học cổ truyền, nhiệt miệng, loét miệng là do nhiệt độc, có nghĩa là các yếu tố gây độc tác động tới khoang miệng.
Còn theo y học hiện đại, có rất nhiều nguyên nhân như vệ sinh khoang miệng không tốt, có vi khuẩn yếm khí, do đó cần các thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn yếm khí. Viêm lợi, viêm răng, viêm tuyến nước bọt, hay di truyền cũng là những nguyên nhân gây ra viêm loét, nhiệt miệng. Đôi khi, tình trạng này còn gặp ở phụ nữ trong kì kinh nguyệt, thai nghén hoặc mãn kinh.
Trong các thảo dược thường được sử dụng trong hỗ trợ điều trị viêm loét, nhiệt miệng, đinh hương là vị thuốc có hiệu quả cao. Tinh chất đinh hương có tác dụng đối với vi khuẩn trong khoang miệng, chống được nha chu viêm hoặc tổn thương niêm mạc miệng, chống được sâu răng, viêm chân răng.
Bên cạnh đó, trầu không cũng có tác dụng rất tốt trong phòng, chống viêm loét, nhiệt miệng, giúp khử mùi khoang miệng rất hữu hiệu. Khả năng diệt vi khuẩn yếm khí trong khoang miệng của lá trầu không rất hiệu quả. Vì vậy, người bệnh có thể sử dụng nước súc miệng có chiết xuất từ trầu không, đinh hương, bạc hà giúp khoang miệng dễ chịu hơn, từ đó giúp hỗ trợ phòng, chống nguy cơ viêm loét, nhiệt miệng.
Ngoài ra, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn với nhiều hoa quả, rau xanh. Nếu bệnh quá kéo dài và trở nặng, nên đi thăm khám chuyên khoa, để biết khoang miệng đang ở hiện tượng viêm ở mức độ nào, để bác sĩ có thể kê đúng loại kháng viêm, kháng sinh điều trị phù hợp.
Để lại một phản hồi