Việc hiểu rõ cơ chế của hệ thống miễn dịch sẽ giúp bạn thấy được cơ thể chúng ta là một bộ máy hoạt động đồng bộ hiệu quả để chống lại các tác nhân gây hại. Hãy cùng tìm hiểu về những thông tin hữu ích trong bài viết sau!
Hệ miễn dịch là gì?
Hệ miễn dịch (có thuật ngữ tiếng anh là “Immune System”) là một hệ thống được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan. Chúng phối hợp với nhau để bảo vệ con người khỏi những “kẻ xâm lược” bên ngoài gồm vi trùng (như vi khuẩn, virus và nấm) và ngoại độc tố (chất độc được tiết ra bởi vi khuẩn).
Một trong những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch là tế bào bạch cầu, bao gồm hai loại cơ bản kết hợp với nhau để tìm kiếm và tiêu diệt các sinh vật truyền nhiễm – “những kẻ xâm lược” có hại cho sức khỏe. Hệ miễn dịch tấn công những yếu tố gây bệnh cho cơ thể con người thông qua một loạt các bước được gọi là phản ứng miễn dịch.
Hệ thống miễn dịch được phân bố rải rác ở nhiều vị trí trong cơ thể như amidan cổ họng, hệ thống tiêu hóa, tủy xương, da, hạch bạch huyết, lá lách, niêm mạc mỏng bên trong mũi, họng và bộ phận sinh dục. Nhờ đó giúp hệ miễn dịch hình thành và lưu trữ các tế bào, cũng như duy trì hoạt động liên tục nhằm giữ cho toàn bộ cơ thể luôn khỏe mạnh.
Vai trò của hệ miễn dịch là gì?
1. Bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật
Chức năng của hệ thống miễn dịch được dựa trên một mạng lưới thông tin phức tạp và năng động. Có thể nói hệ miễn dịch cũng là lực lượng “an ninh” trong cơ thể, nó theo dõi tất cả các bất thường được tìm thấy và phản ứng kịp thời với những bất thường này.
Khi các tế bào miễn dịch tiếp xúc với những vật lạ từ bên ngoài, chúng sẽ đưa ra một “báo động” để chọn ra kháng thể phù hợp nhằm tấn công, chống lại tác nhân gây bệnh. Đồng thời huy động các tế bào khác đến vị trí cần được bảo vệ. Hệ miễn dịch sẽ làm mọi cách để tìm ra và loại bỏ kháng nguyên trước khi chúng bắt đầu phân chia.
Hệ miễn dịch có thể nhận ra hàng triệu kháng nguyên (vi khuẩn, virus và các mầm bệnh) khác nhau kích thích đáp ứng miễn dịch trong cơ thể và sản xuất kháng thể. Nếu hệ miễn dịch khỏe mạnh, nó có thể ngăn chặn được nhiều căn bệnh từ cảm cúm cho đến các bệnh ung thư nguy hiểm.
2. Tạo kháng thể chống lại bệnh cũ
Con người được sinh ra với một mức độ hệ miễn dịch và sức đề kháng nhất định, song chúng sẽ cải thiện dần theo thời gian. Khi trẻ em thường xuyên mắc các bệnh cảm vặt, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra một “ngân hàng” kháng thể trong lần đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh và hình thành khả năng chống lại chúng trong tương lai. Đưa những mầm bệnh đã được làm yếu vào trong cơ thể nhằm tạo điều kiện cho hệ miễn dịch chiến thắng, tạo ra kháng thể và ngăn chặn bệnh tái phát cũng chính là cách mà vắc xin hoạt động.
Tuy nhiên, hệ miễn dịch sẽ trở nên kém hiệu quả hơn khi con người già đi. Suy giảm miễn dịch có thể khiến họ yếu dần và dễ mắc bệnh, phổ biến là viêm khớp và ngay cả là một số loại ung thư.
Hệ miễn dịch quan trọng như thế nào?
Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, vi khuẩn, virus và độc tố có thể tấn công con người, từ đó dẫn đến một số căn bệnh. Ngoài ra, hệ miễn dịch cũng đóng vai trò chính trong quá trình thải ghép ở những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cấy ghép thay thế các mô hoặc cơ quan nội tạng.
Hệ thống miễn dịch rất phức tạp, đôi lúc một số vấn đề tiềm ẩn sẽ khiến hệ thống này bị rối loạn hoặc hoạt động sai cách. Có 3 loại rối loạn miễn dịch bao gồm:
- Phản ứng quá mẫn: Dị ứng và quá mẫn cảm với một số chất được cho là có nguyên nhân từ rối loạn hệ miễn dịch. Lúc này, hệ miễn dịch bị lỗi sẽ tự động chiến đấu với các yếu tố không quá nguy hiểm, ví dụ như phấn hoa hoặc lông động vật, khiến cơ thể trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với chúng. Sốc phản vệ là một ví dụ trong đó cơ thể phản ứng với chất gây dị ứng mạnh đến mức có thể đe dọa đến tính mạng.
- Các bệnh tự miễn: Trong một số tình trạng tự miễn dịch, hệ thống miễn dịch bị nhầm lẫn và tấn công vào các tế bào khỏe mạnh, thay vì các mầm bệnh hoặc tế bào bị lỗi. Các bệnh tự miễn có thể bao gồm: tiểu đường ở trẻ vị thành niên, viêm khớp dạng thấp và thiếu máu
- Các bệnh suy giảm miễn dịch: Tình trạng này xuất hiện khi một hoặc nhiều phần của hệ thống miễn dịch không hoạt động. Suy giảm miễn dịch có thể do các nguyên nhân bao gồm tuổi tác, béo phì và nghiện rượu gây ra. Ở các nước đang phát triển, suy dinh dưỡng là một nguyên nhân phổ biến hay HIV/AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người).
Bí quyết tăng cường hệ miễn dịch
1. Ăn uống lành mạnh
Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng giúp hệ miễn dịch và sức đề kháng hoạt động tốt. Ăn đầy đủ các chất sinh năng lượng như: chất béo, chất đạm, chất bột đường nhằm đảm bảo cho cơ thể đủ sức khỏe cho hoạt động và chống bệnh. Khi cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng đồng nghĩa với chúng ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh và tăng sức đề kháng.
2. Bổ sung vitamin và khoáng chất
Các bạn cần lưu ý bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng bao gồm các vitamin và khoáng chất để giúp tăng cường miễn dịch. Không chỉ có vitamin C giúp tăng đề kháng mà còn có vitamin A, D, E, sắt, kẽm và các chất chống oxy hóa. Đặc biệt, kẽm cần cho sự tăng trưởng, phát triển bình thường của các chức năng miễn dịch, nội tiết, xương, cơ… chính vì vậy kẽm cho vai trò rất quan trọng giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch.
Nếu như khả năng ăn uống của bạn không thể cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng theo khuyến cáo, bạn có thể bổ sung thêm các viên uống vitacap chứa 17 loại vitamin & khoáng chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ở người lớn, mức nhu cầu vitamin và khoáng chất được khuyến nghị hằng ngày là 75mg vitamin C, 20mg kẽm (zinc), 5000 I.U vitamin A, 50mg sắt Fumarat…
3. Sinh hoạt hợp lý
- Tập thể dục đều đặn: Lười vận động không chỉ khiến cho cơ thể cảm thấy uể oải mà còn làm yếu đi hệ miễn dịch và sức đề kháng. Ngược lại, chỉ cần những bài tập thể dục nhẹ nhàng, ví dụ như đi bộ nhanh, cũng giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giải phóng hormone endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn hại và suy yếu. Thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và dễ mắc bệnh hơn. Một giấc ngủ sâu và đủ sẽ giúp cơ thể được thư giãn và nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.
4. Kiểm soát căng thẳng
Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như cortisol và adrenaline làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Căng thẳng trong một thời gian dài khiến con người dễ mắc các bệnh từ thông thường cho đến nghiêm trọng hơn, bao gồm tim mạch và tăng huyết áp. Thực hành thiền hoặc tập yoga là cách để giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
5. Không lạm dụng rượu bia và chất kích thích
Uống rượu với số lượng nhất định có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe. Nhưng nếu lạm dụng rượu bia và chất kích thích sẽ gây ức chế chức năng của các tế bào bạch cầu, làm giảm sức đề kháng và suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.
Tóm lại, vai trò của hệ thống miễn dịch là thực hiện các phản ứng nhanh và chuyên biệt nhằm bảo vệ cơ thể chống lại những mầm bệnh ngoại lai. Tầm quan trọng của hệ miễn dịch được thể hiện qua khả năng đề kháng mạnh của cơ thể, có thể chống chọi với những đợt cảm cúm thông thường cho đến một số bệnh lý nguy hiểm. Do đó, bạn hãy xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh để xây dựng hệ miễn dịch của cơ thể mạnh mẽ hơn nhé
Để lại một phản hồi