Trong cuộc sống hàng ngày, hạt tiêu đã trở nên quá quen thuộc với tất cả chúng ta. Đó là một loại gia vị có thể xuất hiện trong đa số các món ăn của người Việt. Bất kì một ai, dù biết hay không biết chút gì về thuốc, cũng có thói quen nấu bát cháo nóng, bỏ chút tiêu, chút hành, chút gừng vào để ăn khi bị cảm. Thế mới thấy, có những vị thuốc thật rất gần gũi trong đời sống bình dị. Hạt tiêu cũng là một vị như thế.
1. Mô tả cây Tiêu
Tiêu hay Hồ tiêu có tên khoa học Piper nigrum L., thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Đây là loại dây leo sống lâu năm. Thân nhẵn không mang lông, hóa gỗ bám vào cây chủ bằng rễ. Rễ của nó có 3 loại: rễ cái, rễ phụ, rễ bám với nhiệm vụ giúp cây bám chắc vào đất và hấp thụ chất dinh dưỡng.
Thân Tiêu mọc cuốn, có thể cao tới 10m. Trên thân có 2 loại nhánh: một loại mang quả, một loại dinh dưỡng. Các nhánh đều xuất phát từ kẽ lá, trên nhánh mang những rễ móc đính cây vào giá tựa.
Lá Tiêu là loại lá đơn, mọc so le. Hình dáng của nó như lá trầu không, nhưng dài và thuôn hơn. Cụm hoa đối diện với lá. Hoa tự hình gié, dài từ 7 – 12 cm, gồm 20 – 60 hoa xếp thành hình xoắn ốc. Tuy không có bao hoa nhưng được bao bởi nhiều lá bắc.
Quả Tiêu là dạng quả mọng không cuống, hình cầu. Có chừng 20-30 quả trên một chùm Quả lúc đầu màu xanh lục, sau có màu vàng, khi chín có màu đỏ. Mỗi quả chỉ có một hạt duy nhất. Hạt Tiêu tròn, cứng, có mùi thơm, rất cay, đường kính tầm 4 – 8mm. Thời gian từ khi ra hoa đến khi quả chín khoảng 7 – 10 tháng.
2. Phân bố
Cây Tiêu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Và hiện nay Ấn Độ vẫn là nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới. Hiện trên thế giới có khoảng 70 nước trồng hồ tiêu. Trong đó những nước đứng đầu gồm: Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Brazil,…
Ở Việt Nam, cây được trồng lần đầu tiên vào thế kỉ 17 ở vùng Hà Tiên, Phú Quốc. Đến nay tiêu đã được trồng khắp nước ta từ Bắc vào Nam. Đặc biệt nhiều nhất ở các tỉnh: Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Quảng Trị, Bình Thuận,…
Năm 1990, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu tiêu trên thế giới.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Cây Tiêu được trồng chủ yếu để lấy quả và hạt. Tiêu được thu hoạch mỗi năm 2 lần. Trên thị trường có các loại tiêu đen, trắng, xanh, đỏ là tùy thuộc vào thời điểm thu hoạch quả.
Nếu muốn có tiêu đen, người ta thu hái lúc xuất hiện một số quả đỏ hay vàng trên chùm, nghĩa là lúc quả còn xanh.
Để có tiêu trắng (hay tiêu sọ),người ta hái quả lúc đã thật chín, sau đó bỏ vỏ. Loại này có màu trắng ngà hay xám, ít nhăn nheo và ít thơm hơn (vì lớp vỏ chứa tinh dầu đã mất) nhưng cay hơn (vì quả đã chín).
Tiêu đỏ là một loại đặc biệt. Phải hái khi quả rất già, ủ chín sau đó chế biến theo cách thức đặc biệt để giữ màu đỏ của vỏ. Loại này có giá trị xuất khẩu cao nhất.
Tiêu thu hoạch về đem phơi hay sấy nhẹ cho khô. Hạt tiêu có thể cất giữ được rất lâu và khó hư hại. Nhưng cũng nên cất nơi khô ráo, tránh ẩm mốc để làm giảm chất lượng hạt tiêu.
4. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
4.1. Thành phần hóa học
Vỏ ngoài chứa 1,2 – 3,5% tinh dầu ở tiêu đen, 1,2 – 2,5% ở tiêu trắng. Gồm các terpen (phellandren pinen, limonen) nên có mùi thơm và vị dịu.
Alkaloid trong tiêu chiếm 2-5% trong đó chủ yếu là piperin (chiếm 90-95%) có vị cay. Piperin khi thủy phân sẽ cho piperidin và acid piperic. Chavicin là đồng phân của piperin có vị cay, khi thủy phân sẽ cho piperidin và acid chavicic. Còn một lượng nhỏ các chất piperettin, piperylin và piperolein A, B ít cay hơn.
Ngoài ra trong hồ tiêu còn có cubelin không cay, chất béo và tinh bột.
4.2. Tác dụng dược lý
Tiêu dùng với liều thấp là một chất kích thích sự tiết dịch vị, dịch tụy, giúp ăn ngon miệng. Nhưng với liều lớn, nó kích thích nghiêm trọng niêm mạc dạ dày gây sung huyết, viêm cục bộ, tiểu ra máu.
Với liều cao từ 50mg/kg cân nặng, Piperin và piperidin gây độc. Piperidin làm tăng huyết áp, làm tê liệt hô hấp và một số dây thần kinh. Tiêm bắp thỏ hoặc cho hít liều cao Piperin. Sau một thời gian ngắn, thấy có hiện tượng thở nhanh, chân sau tê liệt rồi mê hoàn toàn, co quắp, xuất huyết tạng phủ.
5. Công dụng của Tiêu
Tiêu có vị cay, tính rất nóng, nó có tác dụng:
- Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.
- Làm ấm bụng.
- Trị nôn mửa, tiêu chảy do lạnh.
- Chữa cảm hàn do làm toát mồ hôi, tan khí lạnh ở ngoài và tăng sức nóng bên trong.
- Tiêu sọ chuyên trị tiêu chảy, thổ tả.
- Ngâm rượu với đại hồi, phèn chua chữa tê thấp.
- Đau răng, sâu răng, xát bột tiêu vào chân răng để giảm đau, diệt khuẩn.
- Ở Trung Quốc, hạt tiêu được chế thành cao dán chữa hen.
- Người Ấn Độ dùng tiêu để chữa dịch tả, tăng cường sức khỏe cho cơ thể yếu mệt sau sốt và phòng ngừa tái phát sốt rét.
- Người Indonesia dùng tiêu làm thành phần cho một số loại thuốc bổ, thuốc giảm đau cho phụ nữ sau sinh.
- Ở Nepan, tiêu được phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa cảm lạnh, cảm cúm, khó tiêu, viêm khớp.
6. Một số bài thuốc từ Tiêu
6.1. Bài thuốc chữa tiêu chảy, thổ tả bằng hạt tiêu
Bài 1: Tiêu sọ giã nát, củ riềng già 50gr tán bột, vỏ quýt khô 30gr cắt nhỏ. Tất cả ngâm với nửa lít rượu trắng trong 15 – 20 ngày. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15ml.
Bài 2: Tiêu sọ 50gr, Bán hạ chế 50gr. Hai thứ tán nhỏ trộn với nước gừng, làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 15 – 20 viên.
6.2. Bài thuốc chữa răng bị đau do gió hay do sâu
Hồ tiêu và Tất bát, 2 thứ bằng nhau, làm ra bột. Nấu với sáp ong chảy ra thành hồ mà làm viên to bằng hạt mè. Mỗi lần dùng 1 viên nhét kẽ răng hoặc lỗ sâu.
7. Lưu ý
Khi ăn với số lượng vừa phải, hồ tiêu rất tốt cho việc tiêu hóa nhưng nếu ăn quá nhiều thì có thể dẫn đến đau bụng cũng như các phản ứng khác ở đường tiêu hóa. Ngoài ra, ăn nhiều hạt tiêu còn gây phát mụn nhọt, trĩ, độc cho ngũ tạng và mờ mắt.
Những người bị rối loạn tiêu hóa, người âm suy có hỏa nhiệt không được dùng. Nếu có phản ứng không tốt do ăn nhiều thì nấu đậu xanh ăn để giải độc.
Nếu không may, một lượng lớn hạt tiêu lọt vào cơ thể qua đường uống có thể mắc vào bên trong phổi dẫn tới tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Tiêu là món gia vị không thể thiếu và vị thuốc chữa bệnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên lưu ý những người thường nóng trong người không nên sử dụng nhiều. Cũng như hạn chế lượng tiêu vào những ngày nắng nóng nhiều. Một ngày chỉ nên dùng 2 – 4g tiêu. Không nên sử dụng quá nhiều có thể dẫn đến xuất huyết.
Để lại một phản hồi