Hạt kê: ngũ cốc “vàng” của thiên nhiên

Hạt kê từ lâu đã được xem như một loại lương thực chống đói của ông bà ta do cây kê dễ trồng, dễ thích nghi, cho năng suất cao. Loại hạt này là loại cây lương thực ít gây dị ứng nhất trong tất cả các loại ngũ cốc, lương thực, nên ăn rất an toàn. Trong hạt kê chứa rất nhiều dưỡng chất. Nó còn được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh ăn không tiêu, biếng ăn, tiểu khó…

Hạt Kê là gì?

Kê thuộc học lúa – Poaceae, có tên khoa học là Setaria italica (L.) P Beauv

Là cây thân thảo hằng năm, thân mọc dọc thành túm có phân nhánh, vươn cao có khi đến 1,8m. Lá mọc đứng, nhọn, dài, bề mặt phẳng, mép lá răng cưa hoặc gai nhỏ. Lá rộng 2cm, dài 50cm.

Hoa ở dạng bông nhiều lần kép, ngọn hình trụ, đầu thòng xuống, mang rất nhiều quả. Quả thóc hình cầu, màu trắng ngà.

Cây kê có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau du nhập tới nhiều nước đặc biệt là những vùng có khí hậu khô hạn như châu Á, Bắc Phi, Nam Mỹ và trở thành cây lương thực chủ đạo. Ngày nay, kê được trồng nhiều ở Ấn Độ và phía Bắc Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, kê được trồng ở khắp nơi nhưng chủ yếu là ở miền Trung.

Hạt kê chứa rất nhiều dưỡng chất
Hạt kê chứa rất nhiều dưỡng chất có tác dụng tốt đối với sức khỏe

Thành phần hóa học của hạt Kê

Hạt kê có chứa nhiều chất giá trị dinh dưỡng rất cao. Kê chứa nhiều amino acid: isoleucine, leucine, lysine, phenylalanine, threonine, methionine, valine và tryptophan. Trong đó, nhiều nhất là lysin, kế đến là  methionine và valine. Kê chứa nhiều khoáng vi lượng; nhiều acid béo không bão hòa như Linoleic, oleic, linolenic acids; và các acid béo bão hòa như palmitic, stearic acids.

Cụ thể trong kê chứa: 10-12% protein, 4.7-6.6% lipid, 60.6–64.5% carbohydrates và 2.29 – 2.7% lysine. Carbohydrate trong loại hạt này gồm đường khử, tinh bột và cellulose. Lớp vỏ cám của nó chứa nhiều chất béo, trong đó 67% là linoleic acid. Sắc tố màu vàng của kê chứa chủ yếu zeaxanthin, cryptoxanthin và xanthophyl. Những sắc tố này bền với nhiệt độ, chống oxy hóa.

Nghiên cứu gần đây cũng tìm ra được nhiều carotenoids trong sắc tố của loại hạt này, chất này có hoạt tính chống oxy hóa cao. Hạt kê cũng chứa nhiều vitamin A, B1, B2, E. Lượng vitamin A, E trong kê cao hơn cả gạo, lúa mì, ngô. Lượng vitamin B1 cao gấp đôi trong gạo và ngô. Nó còn chứa acid folic theo một nghiên cứu gần đây. Loại hạt này cũng chứa các chất không có giá trị dinh dưỡng nhưng có hoạt tính dược lý như acid phytic và tanin.

Công dụng của hạt kê

Bổ dưỡng cơ thể

Hạt kê là một loại ngũ cốc có hàm lượng dinh dưỡng vượt trội so với nhiều loại ngũ cốc khác như gạo, ngô, lúa mì. Nó chứa nhiều protein, lipid bão hòa và không bão hòa, vitamin A, B1, B2, acid folic, carotenoids… Loại hạt này hầu như không gây dị ứng nên có thể sử dụng an toàn cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người suy yếu.

Từ lâu, kê đã được dùng để nấu chè kê, cháo kê thịt gà để bồi bổ cơ thể cho người cao tuổi, người gầy, sụt cân. Có thể ăn hằng ngày như thực phẩm dưỡng sinh.

Tăng cường chức năng tiêu hóa, giúp ngon miệng

Hạt kê có tác dụng tăng sự ngon miệng, và được dùng làm chất kích thích thèm ăn. Có lẽ do trong loại hạt này có chứa nhiều tanin.

Điều hòa đường huyết

Do trong hạt kê có nhiều chất xơ, các nhà khoa học Ấn Độ đã tiến hành nghiên cứu để theo dõi khả năng ổn định đường huyết của loại dược liệu này. Nghiên cứu được tiến hành trên chuột bị gây đái tháo đường bằng hóa chất streptozotocin. Chuột được uống dịch chiết từ kê và so sánh với thuốc điều trị đái tháo đường tiêu chuẩn là Glibeclamide. Sau 6 giờ uống dịch chiết, chuột có mức đường huyết giảm đáng kể (70%). Còn những con chuột bình thường được uống dịch chiết này thì không có sự giảm mức đường huyết dù ở bất kì liều nào.

Sau 30 ngày điều trị bằng dịch chiết của loại hạt này. Có sự giảm đáng kể mức đường huyết đói ở những con chuột được điều trị so với chuột không được điều trị. Các nhà khoa học cũng cho rằng tác dụng này có được là nhờ vào hoạt tính của alkaloids và glycosides có trong kê.

Ổn định mỡ máu

Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học còn thấy được tác dụng giảm mỡ máu trên chuột được điều trị bằng dịch chiết hạt kê. Cụ thể, sau điều trị với hạt kê, chuột có trị số triglycerides, cholesterol, c-LDL đều giảm. Đây là các mỡ máu có hại, gây xơ vữa mạch máu thúc đẩy nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Đồng thời, tăng trị số mỡ máu có lợi là HDL.

Lợi tiểu

Hạt kê cũng được dùng như thuốc lợi tiểu. Do hạt kê thúc đẩy chức năng co bóp, tống xuất nước tiểu của bàng quang.

Nhanh lành vết thương

Hạt kê chứa nhiều chất hạ đường huyết, chống oxy hóa, kháng viêm nên có tác dụng rất tốt trong thúc đẩy vết thương lành nhanh.

Tác dụng theo y học cổ truyền

Theo đông y, hạt kê có vị ngọt tính bình. Thường được dùng làm thuốc bổ tỳ vị, bổ thận, lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc.

Một số bài thuốc có sử dụng hạt kê

Hạt kê nấu chè

Công dụng:

Giúp nhanh lại sức cho người gầy yếu, mệt mỏi lao lực, hay thức đêm, mất ngủ hay mới ốm dậy.

Cách thực hiện:

Đậu xanh sau khi mua về đem ngâm với nước khoảng 3 – 4 tiếng cho nở mềm. Sau đó, cho đậu xanh vào nồi và đun tới khi đậu xanh nở thì tắt bếp. Trong quá trình đun nhớ hạ nhỏ lửa và vớt bọt thường xuyên.

Sau khi chuẩn bị xong đậu xanh, cho hạt kê vào nồi, thêm nước cho đến khi ngập hạt kê khoảng 2 đốt ngón tay là được, tiếp tục đun sôi trong khoảng 6 – 7 phút. Sau đó, hạ bớt lửa lại và hớt bọt trên mặt. Dùng muỗng khuấy nhẹ nhàng đều tay tới khi thấy hạt kê nát, mịn.

Bước kế tiếp cho đậu xanh đã nấu vào nồi kê, tiếp tục nấu cho đến khi nhuyễn. Chú ý khuấy đều tay để chè không bị khét ở đáy nồi. Cho thêm 300g đường cát trắng vào và khuấy đều lên, đun cho đến khi đường tan. Cho thêm bột vani, khuấy lên rồi tắt bếp.

Hạt kê nấu cháo

Công dụng:

Giảm triệu chứng cho người đau dạ dày, ăn uống không tiêu, dễ bị đầy bụng, tiêu chảy.

Cách thực hiện:

Hạt kê 100 gram rửa sạch, cho vào nồi. Thêm 1.5 lít nước vào và khuấy đều tay.

Bí đỏ gọt sạch vỏ, loại bỏ phần ruột và rửa sạch. Cắt bí đỏ ra thành các phần nhỏ sẽ mau chín hơn. Sau đó, cho bí đỏ vào nồi cháo hạt kê, đun tiếp trong khoảng 30 phút. Khi thấy hạt kê nở mềm, bí đỏ chín bùi bùi cho nêm một ít muối, nêm thấy vừa miệng thì tắt bếp.

Múc cháo hạt kê bí đỏ ra tô, có thể thêm chút mè đen để tăng hương vị, khuấy đều lên là có thể dùng được rồi.

cháo hạt kê bí đỏ
Cháo hạt kê bí đỏ

Lưu ý khi sử dụng hạt Kê

Vì hạt kê là một loại ngũ cốc nên rất dễ sinh nấm mốc, sâu mọt. Nấm mốc trong ngũ cốc là chất rất dễ gây dị ứng, nếu dung nạp lâu ngày thì dễ dẫn đến ung thư gan. Do đó, cần bảo quản hạt kê nơi khô ráo, tránh mối mọt, tránh ẩm thấp.

Hạt kê là thực phẩm chống đói của ông cha ta thời kì còn khó khăn. Ngày nay, loại hạt này trở thành loại lương thực dinh dưỡng cao và có nhiều ứng dụng trong điều trị. Nó đã được khoa học chứng minh có tiềm năng trong điều trị đái tháo đường, mỡ máu cao, tiểu khó, suy dinh dưỡng. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*