Hạt Bìm bìm biếc (khiên ngưu tử): Vị thuốc chữa phù thũng, trừ giun

Hạt Bìm bìm biếc trong Đông y là vị thuốc Khiên ngưu. Trong đó, “Khiên” là dắt, “Ngưu” là trâu, vì có người dùng vị thuốc này khỏi bệnh, dắt trâu đến tạ ơn người mách thuốc. Vị thuốc này thuộc nhóm thuốc tả hạ, có tác dụng công trục thủy ẩm, điều trị phù thũng. 

1. Giới thiệu về Hạt Bìm bìm biếc

Bìm bìm biếc là một loại dây leo cuốn, thân mảnh, có điểm những lông hình sao. Lá hình tim, xẻ 3 thùy, mặt trên nhẵn và xanh, mặt dưới có lông, màu xanh nhạt. Hoa màu hồng tím hay lam nhạt.

Cây Bìm bìm biếc
Cây Bìm bìm biếc

Dược liệu là hạt phơi hay sấy khô của cây Bìm bìm biếc. Hạt gần giống một phần năm khối cẩu, dài 4 – 7 mm, rộng 3 – 4,5 mm, mặt ngoài hơi lồi lõm, màu nâu đen, vỏ cứng. Ngâm hạt vào nước vỏ hạt sẽ nứt và tách ra.

Hạt màu đen là Hắc sửu, hạt màu trắng là Bạch sửu.

2. Thu hái và chế biến

Cây Bìm bìm biếc mọc hoang nhiều nơi ở nước ta. Khoảng tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, lúc quả chín nhưng chưa nứt, người ta hái về, phơi khô, đập tách vỏ, sàng lấy hạt và loại bỏ tạp chất.

Quả và hạt Bìm bìm biếc
Quả và hạt Bìm bìm biếc
  • Khiên ngưu tử sống: loại bỏ tạp chất, đập vỡ trước khi dùng.
  • Khiên ngưu tử sao: sao Khiên ngưu tử sạch, nhỏ lửa đến khi hạt hơi phồng, đập vỡ hạt trước khi dùng.

3. Thành phần hóa học và dược lý hiện đại

Hạt Khiên ngưu mùi nồng, vị chát, khó chịu. Trong đó có chừng 2% chất glucosid gọi là phacbitin, ngoài ra có 11% chất béo.

Theo các nghiên cứu dược lý, pharbitin trong Khiên ngưu có tác dụng tẩy xổ, tăng sức co bóp của ruột. Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy pharbitin có tác dụng chống động kinh, diệt trừ một số loài giun, sán.

4. Công năng, chủ trị theo y học cổ truyền

Tính vị: đắng, lạnh. Có độc. Quy kinh phế – thận – đại trường.

Tác dụng: tả hạ trục thủy, khứ tích, sát trùng.

Chỉ định:

Chứng phù thũng, cổ chướng, đại tiểu tiện bất lợi, có thể dùng bột khiên ngưu tử uống; hoặc dùng cùng với bột hồi hương, uống với nước gừng. Bệnh tình nặng có thể dùng cùng với đại kích, nguyên hoa như bài chu xa hoàn.

Chứng ho nhiều đờm, khó thở, mặt mắt phù thũng thường phối hợp dùng với đình lịch tử, hạnh nhân, trần bì như bài khiên ngưu tử tán.

Chứng trường vị thực nhiệt tích trệ, đại tiện bí kết hoặc lỵ tật lý cấp hậu trọng (bụng quặn đau, đi ngoài nhiều lần) thường phối hợp dùng với mộc hương, binh lang, chỉ thực.

Chứng đau bụng do giun (trùng tích phúc thống) thường phối hợp dùng với binh lang, sử quân tử tán bột uống.

Liều dùng: 3 – 9g sắc uống. Cho vào viên hoàn uống 1,5 – 3g/lần.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai. Không dùng cùng với ba đậu.

Hạt màu trắng - Bạch sửu
Hạt màu trắng – Bạch sửu
Hạt màu đen - Hắc sửu
Hạt màu đen – Hắc sửu

5. Liều dùng, thận trọng

Liều dùng: Ngày dùng 4 – 8 g dạng thuốc sắc (đạp nát cho vào sắc) hoặc 1,5 – 3 g dạng hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Cần sử dụng liều vừa phải. Khiên ngưu dùng liều cao ngoài việc kích thích trực tiếp niêm mạc dạ dày ruột gây nôn, còn gây đau bụng tiêu chảy, tiêu ra máu. Bên cạnh đó, nó còn có thể gây tiểu máu, nặng hơn có thể làm tổn thương hệ thần kinh.

Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai, người già yếu, tỳ vị hư nhược. Ngoài ra, không dùng chung với Ba đậu.

6. Các bài thuốc có Khiên ngưu

6.1. Trị phù thũng, bí đại tiểu tiện, nằm ngồi không được

Bài thuốc 1: Khiên ngưu 10 g, nước 300 ml, sắc còn 150 ml, chia thành 2 lần uống trong ngày. Tùy vào tình trạng người bệnh có thể tăng liều Khiên ngưu.

Bài thuốc 2: Khiên ngưu tán bột, mỗi lần uống 3 g.

Bài thuốc 3 (báng bụng do xơ gan, viêm thận mạn tính)
Khiên ngưu 120 g, Hồi hương 30 g. Tán bột, mỗi lần uống 6 g với nước lúc đói. Ngày 1 lần, liên tục 2, 3 ngày.

Bài thuốc 4: Khiên ngưu 36 g, Đại táo 60 g (nấu chín, bỏ hạt, giã nhuyễn), Gừng tươi 500 g (bỏ vỏ, giã lấy nước).
Cho Khiên ngưu vào nước Gừng trộn đều với Đại táo, bỏ lên bếp trộn đều, chưng 30 phút. Chia thành 8 phần, mỗi ngày uống sáng, chiều, tối. Uống lúc bụng đói, dùng liền trong 4, 5 ngày.

6.2. Trị xơ gan thể thủy khí tương kết

Trong thể bệnh này, người bệnh báng bụng (cổ trướng) phát triển nhanh, kèm phũ thũng, làm bệnh nhân khó thở.

Dùng bài thuốc Thiên kim đại phúc thủy: Khương hoàng 4 g, Khiên ngưu 10 g, Côn bố 12 g, Hải tảo 10 g, Quế tâm 6 g, Đình lịch 12 g. Sắc uống ngày 1 thang.

Đây là bài thuốc công hạ trục thủy mạnh, nên theo dõi tình trạng lâm sàng phù, báng bụng, lượng nước tiểu và xét nghiệm kiểm tra ion đồ.

Xơ gan
Dược liệu có thể điều trị xơ gan

6.3. Trị giun đũa, giun kim

Bài thuốc 1: Khiên ngưu, Binh lang, Đại hoàng, 3 vị trên lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Uống sớm và tối lúc bụng đói, mỗi lần 2 – 3 g với nước ấm.

Bài thuốc 2: Khiên ngưu và Lôi hoàng, mỗi vị 10 g. Sinh đại hoàng 3 g, tán bột mịn, chia thành 2 lần uống với nước ấm (1 lần uống trước ngủ).

6.4. Một phối hợp thuốc có Khiên ngưu điều trị tâm thần phân liệt

Theo tạp chí Y học thực hành (1968), phối hợp các vị thuốc gồm Đại hoàng 12 g, Hùng hoàng 12 g, Khiên ngưu 24 g, Mạch nha 16 g điều trị tâm thần phân liệt. Các vị thuốc trên tán bột, làm thành viên 2g. Mỗi ngày uống 4 viên, dùng 1 đợt 15 ngày, nghỉ 7 ngày rồi dùng tiếp.

Lưu ý: Có nhiều cây cùng họ Bìm bìm, có đặc điểm gần giống với cây Bìm bìm biếc như Bìm bìm lam, Bìm bìm nước, Bìm bìm ba thùy… Nên trong thu hái cần chú ý để tránh nhầm dược liệu.

Hạt Bìm bìm biếc trong y học cổ truyền gọi là Khiên ngưu. Đây là một vị thuốc tác dụng lợi đại tiểu tiện và trừ giun, thường dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn, tán. Khi dùng cần tuân thủ liều lượng cho phép và theo dõi kỹ tình trạng người bệnh để tránh tác dụng không mong muốn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*