Giun đất (Địa long): vị thuốc quý chữa bệnh hay

Giun đất là loài động vật có ở khắp nước ta. Chúng không chỉ có lợi cho ngành nông nghiệp mà còn được dân gian dùng làm vị thuốc để điều trị bệnh, với tên gọi là Địa long. 

1. Giới thiệu về Giun đất

  • Tên gọi khác của loài: Trùng đất…
  • Tên gọi khác của dược liệu: Thổ long, Địa long, Giun khoang, Trùng hổ, Khưu dẫn…
  • Tên khoa học: Lumbricus.
  • Họ khoa học: Giun đất (Megascolecidae).

1.1. Đôi nét về Giun đất

Giun đất là loài động vật ruột khoang, sinh sống ở trong lòng đất, đặc biệt là ở những vùng đất xốp, mát mẻ và ẩm ướt. Ban ngày chúng lẫn ở dưới đất, đêm khuya khi sương xuống mới ngoi lên. Mật độ của Giun đất thay đổi tùy theo đặc điểm lý hóa của đất. Loại có khoang trắng tốt nhất.

Trung bình, giun đất dài khoảng 10 – 35 cm, rộng từ 5 – 15mm. Thân có màu nâu hồng hoặc nâu đen, nhiều đốt, có thể co giãn được nhằm giúp chúng dễ chui rúc trong đất. Hai bên thân và mặt bụng có 4 đốt lông ngắn và cứng giúp Giun di chuyển được. Bề mặt da mềm, ẩm ướt và có chức năng hô hấp. Giun đất đặc biệt không có mắt, nhưng vẫn có cảm giác với ánh sáng là nhờ các tế bào cảm giác ánh sáng riêng lẻ phân tán dưới da.

Là loài động vật lưỡng tính, tuyến sinh dục tập trung ở một số đốt trên thân. Khi trưởng thành, cơ thể Giun đất hình thành đai sinh dục. Tuy nhiên, loài này không tự thụ tinh mà thực hiện thụ tinh chéo.

Thức ăn chính của Giun là mùn hữu cơ. Chúng sợ ánh sáng nên hiếm khi chui ra khỏi mặt đất, chỉ khi mưa lớn khiến bùn đất trũng xuống và mất độ xốp mới bò lên để hô hấp. Loài này thải ra những viên bã và đất tròn xíu, mà ta thường gọi là Cứt giun, Cứt trùng trong Đông y gọi là Khâu dẫn nê hay Địa long nê.

giun đất
Giun đất là loài có lợi đối với đất trồng, làm đất ẩm, giàu dinh dưỡng, tơi xốp hơn.

1.2. Phân bố

Ở nhiều địa phương tại nước ta, đặc biệt là ở những địa phương làm nghề trồng trọt. Hay gặp nơi mô đất ẩm, đền đình chùa, gốc bụi chuối lâu năm…

Chúng không chỉ là thức ăn của gà vịt mà còn có vai trò duy trì độ mềm xốp và dinh dưỡng trong đất.

1.3. Thu hoạch

Chọn vùng đất xốp, ẩm và mềm. Lấy nước  Bồ kết, nước Chè, đổ lên đất thì Giun bò trườn lên. Người ta bắt bỏ nó vào thùng có chứa sẵn lá tre, rơm hoặc tro.

Rửa sạch bằng nước ấm cho sạch chất nhớt, ép đuôi vào gỗ sau đó mổ dọc thân giun. Rửa sạch đất trong bụng, phơi hoặc sấy khô cất dùng. Không dùng Giun tự nhiên lên mặt đất vì không phải loại tốt (yếu và có bệnh).

Toàn thân của Giun đất đều được sử dụng để làm thuốc – Địa long.

1.4. Cách bào chế Địa long

Bào chế dược liệu Địa long theo cách sau:

  • Đem Địa long ngâm với nước gạo trong vòng 1 đêm, sau đó vớt ra cho khô rồi tẩm rượu và sấy khô hoàn toàn.
  • Cuối cùng đem sao cùng với gạo nếp và xuyên tiêu mỗi thứ 1 chỉ rưỡi cho đến khi gạo chín vàng thơm là được.
  • Sau khi sơ chế nên dùng Địa long tẩm gừng hoặc tẩm rượu sao.
  • Sau đó tán bột hoặc đem đốt tồn tính tùy theo mục đích sử dụng mà dùng dần.

Mô tả dược liệu:

  • Toàn thể đã được cắt phẫu, biểu hiện một phiến dài nhỏ cong nhăn teo, dài chừng 12cm-20cm, rộng chừng 10mm-17mm.
  • Toàn thân có nhiều khoang vòng, hai đầu dầy mà cứng còn có sợi thịt mỏng tồn tại, chính giữa rất nhỏ, bán trong suốt.
  • Hai bên có màu đen tro, chính giữa màu vàng nâu, chất thu khó bẻ gẫy.
Giun đất là nguồn gốc của vị thuốc Địa long, có tác dụng trị bệnh cao
Giun đất là nguồn gốc của vị thuốc Địa long, có tác dụng trị bệnh cao.

1.5. Bảo quản vị thuốc

Để tránh ẩm mốc và hư hại, cần bảo quản Địa long trong lọ kín, đặt ở nơi thoáng mát và khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.

2. Thành phần hóa học và tác dụng của Địa long

2.1. Thành phần hóa học của Địa long

Vị thuốc địa long chứa một số thành phần hóa học như

  • Lumbroferine, Lumbritin, Terrestro-lumbrolysin.
  • Hypoxanthine, Xanthine, Adenine, Guanine, Guanidine, Choline, Alanine, Valine, Leucine, Phenylalanine, Tyrosine, Lysine.
  • Nhiều loại Acid amin, Vitamin và muối hữu cơ.

2.2. Tác dụng theo Y học hiện đại

  • Hoạt chất Lumbritin có tác dụng phá huyết.
  • Chống co giật, kháng histamine, làm giãn mạch nội tạng và hạ áp chậm nhưng lâu dài.
  • Tác dụng làm giãn phế quản và hạ cơn hen cấp.
  • An thần và hạ thân nhiệt.
  • Giun đất chứa chiết xuất diệt tinh trùng và tăng hưng phấn thành tử cung.

2.2. Tác dụng theo Y học cổ truyền

Tính vị: mặn, hàn. Quy kinh can, tỳ, bàng quang.

Tác dụng: thanh nhiệt tức phong, thông lạc, bình suyễn, lợi niệu.

Chỉ định:

Điều trị chứng ôn bệnh nhiệt cực sinh phong, hôn mê, loạn ngôn ngữ, chân tay co quắp thường dùng với câu đằng, ngưu hoàng, bạch cương tàm.

Điều trị chứng khí hư huyết trệ, bán thân bất toại thường dùng với hoàng kỳ, đương quy, xuyên khung như bài bổ dương hoàn ngũ thang.

Điều trị chứng tý thường dùng với phòng kỷ, tần cửu, nhẫn đông đằng. Nếu do phong hàn thấp tý, cơ khớp tê buốt, co duỗi khó khăn thường dùng với xuyên ô, thiên nam tinh, nhũ hương như bài tiểu hoạt lạc đan.

Điều trị chứng phế nhiệt khái xuyễn, khi thở nghe có tiếng rít ở cổ thường dùng với ma hoàng, thạch cao, hạnh nhân. Gần đây chế thành dịch tiêm, bột địa long điều trị co thắt khí quản, viêm khí quản thấy có tác dụng mhất định.

Điều trị chứng nhiệt kết bàng quang, tiểu tiện bất lợi thường dùng với sa tiền tử, mộc thông, trạch tả. Ngoài ra còn điều trị cao huyết áp nguyên phát, bệnh tâm thần cũng đạt hiệu quả nhất định.

Liều dùng: 5 -15g.

3. Cách dùng và liều dùng của Địa long

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng Giun đất (Địa long) theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Địa long được dùng bằng cách sắc lấy nước uống, tán bột, làm hoàn hoặc giã sống.

Liều dùng:

  • Dạng thuốc sắc: 6-12 g.
  • Dạng thuốc bột: 2-4 g.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm từ Giun đất

4.1. Trị bán thân bất toại, khẩu nhãn oa tà, không nói được

Hoàng kỳ 15g, Đương quy 8g, Xích thược 6g, Địa long, Xuyên khung, Đào nhân, Hồng hoa mỗi vị 4 g. Thêm 600 ml nước, sắc còn 200 ml nước uống 3 lần trong ngày.

4.2. Trị ứ huyết do thấp đàm, kinh lạc ứ tắc gây đau

Xuyên ô đầu, Thảo ô đầu, Địa long, Thiên nam tinh, mỗi thứ 8g, Nhũ hương, Một dược, mỗi thứ 6g. Tán bột, chưng với rượu hồ làm thành viên. Mỗi lần uống 1 viên với nước sắc Kinh giới hoặc Tứ Vật Thang (Hoạt Lạc Đơn – Hòa Tễ Cục Phương).

4.3. Trị răng sâu đau

Địa long, hòa nước muối, trộn Miến, nhét vào trên răng (Phổ Tế phương).

4.4. Trị sốt cao co giật bằng Địa long

Địa long 10g, Toàn yết 3g, Câu đằng, Kim ngân hoa đều 12g, Liên kiều 10g, sắc uống. Hoặc dùng Địa long 100g, Chu sa 30g, tán nhuyễn, làm viên. Mỗi lần uống 3g (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

5. Kiêng kỵ

  • Không dùng cho trường hợp có hư hàn (tay chân lạnh, sắc mặt thường trắng bệch, sức yếu hay mệt mỏi, tự ra mồ hôi…) mà không có thực nhiệt (nóng sốt, rêu lưỡi vàng, tiểu tiện đỏ gắt, họng khô, khát nước…).
  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*